Có rất nhiều yếu tố gây ra tình trạng trẻ bỏ bú mẹ đột ngột trong khi đang bú tốt nhiều tháng liền. Thông thường, đây là một dấu hiệu bé đang cố gắng truyền đạt với bạn rằng trẻ đang cảm thấy không ổn. Vậy lúc này mẹ nên làm gì? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này qua bài viết sau đây nhé!
Tình trạng trẻ bỏ bú mẹ đột ngột
Tình trạng trẻ bỏ bú mẹ đột ngột trong khi đang bú tốt có thể diễn ra trong vài lần cho ăn hoặc thậm chí là vài ngày. Thông thường là do trẻ cảm thấy có điều gì khác biệt khi đang bú mẹ và nó chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nếu trẻ dễ dàng làm quen trở lại.
Nếu trẻ nhũ nhi hoặc trẻ mới biết đi đang bú mẹ tốt đột nhiên từ chối bú nữa thì cũng có thể gọi là bỏ bú chứ không phải là tín hiệu cho thấy đã đến lúc thích hợp để cai sữa mẹ. Tuy nhiên mẹ không cần quá lo lắng, hầu hết các trường hợp đều trở lại bình thường trong vòng 2 – 4 ngày.
Hiện tượng trẻ quấy khóc bỏ bú nói lên điều gì?
Nếu trẻ quấy khóc, bỏ bú sinh lý bình thường như kể trên chỉ diễn ra trong vài ngày và không có biểu hiệu gì bất thường kèm theo. Tuy nhiên, nếu như trẻ bỏ bú bất thường sẽ kèm theo một số triệu chứng sau đây:
- Trẻ thường ngủ bị giật mình, hoảng sợ và khóc thét giữa cơn.
- Trẻ quấy khóc dai dẳng hơn, kéo dài hơn 3 tiếng và thường khóc vào tối muộn.
- Con nhất quyết không chịu bú, hoặc bú ít, khi bú thường bị nôn trớ, khó chịu và bứt rứt.
Nếu như hiện tượng trên xảy ra liên tục trong 2 – 4 tuần mà không rõ nguyên nhân cụ thể, cha mẹ nên đưa trẻ đến chuyên khoa Nhi nhanh nhất để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo con yêu đang gặp một số vấn đề về sức khỏe.
Nguyên nhân trẻ bỏ bú mẹ là gì?
Các nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bỏ bú sữa mẹ như:
- Con đang bị đau hoặc khó chịu, ví dụ như trẻ đang trong quá trình mọc răng bị đau nướu, tưa miệng, mụn rộp gây đau đớn khoang miệng trong lúc bú. Mặt khác, trẻ cũng có thể bị nhiễm trùng tai, nghẹt mũi, nhiệt miệng…
- Chấn thương hoặc bị đau nhức vùng tiêm chủng cũng có thể gây tình trạng khó chịu cho bé nếu mẹ cho bú sai tư thế.
- Trẻ cũng có thể bị cảm lạnh, khó thở.
- Con yêu bị căng thẳng và không tập trung được. Lí do có thể là do trẻ bị kích thích quá mức, cho ăn chậm hoặc phải xa cách mẹ trong một khoảng thời gian.
- Mẹ phản ứng quá mạnh khi trẻ lỡ cắn trong lúc bú cũng sẽ khiến con bị sốc tâm lý và gây ra cảm giác không muốn bú.
- Mẹ thay đổi các sản phẩm chăm sóc da, xà phòng, nước hoa hoặc kem dưỡng da, chất khử mùi khác khiến trẻ không thích nghi kịp nên không muốn bú mẹ nữa.
- Bên cạnh đó, việc mẹ bỉm thay đổi khẩu phần ăn, thuốc uống, kinh nguyệt hoặc mang thai trở lại sẽ ảnh hưởng đến mùi vị sữa khiến trẻ bỏ bú mẹ.
- Mẹ thay đổi việc cho bé bú sữa mẹ, ví dụ như ngưng cho con bú vì bận rộn với công việc hoặc chuyển sang cho trẻ bú bình.
- Mẹ tập cho trẻ uống sữa công thức hoặc ngậm núm vú giả quá nhiều cũng gây nguy cơ giảm nguồn sữa của mẹ và trẻ sẽ từ chối bú khi nguồn sữa của bạn không còn dồi dào, đáp ứng được lực bú của con.
Nên làm gì khi trẻ bỏ bú mẹ ?
Sau đây là một số lời khuyên giúp mẹ hạn chế được tình trạng quấy khóc thường xuyên khi trẻ bỏ bú:
- Đưa trẻ đi lại vòng quanh nhà, khu vực sống để thay đổi không khí cho con.
- Áp dụng phương pháp da kề da thường xuyên để con cảm nhận được hơi ấm của mẹ. Khi con quấy khóc nhiều, mẹ có thể dùng tay vuốt má, ôm ấp và dỗ dành trẻ ngọt ngào, nếu có thể mẹ nên hát ru nhẹ nhàng cho con nín khóc.
- Việc trẻ bỏ bú có thể do bất kỳ yếu tố nào, bao gồm cả việc mẹ bị viêm vú (có thể làm thay đổi mùi vị sữa trong cơ thể), con bị mọc răng hoặc bị nhiễm trùng tai khiến việc nuốt đau, hoặc trẻ bị cảm lạnh – khó thở. Mẹ nên tìm cách điều trị và khắc phục những vấn đề trên theo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa
- Cho con bú trong phòng có ánh sáng nhẹ để kích thích được sự quan sát của con. Từ đó, trẻ sẽ bị phân tâm và bú ngoan hơn.
- Mẹ nên thực hành bài tập ngực đều đặn để điều chỉnh lượng sữa được chảy ra phù hợp với lực hút của trẻ. Bên cạnh đó nếu như sữa mẹ chảy ra quá nhiều cũng sẽ khiến trẻ không kịp nuốt. Ngược lại, nếu như để sữa chảy quá ít con sẽ không mút được, dẫn đến khó chịu và quấy khóc.
- Đổi ngực khi cho con bú sẽ giúp trẻ đỡ quấy khóc hơn khi bú mẹ.
- Khi con đã no, mẹ tuyệt đối không nên ép trẻ bú tiếp. Tốt hơn, các bỉm sữa nên tập cho trẻ thói quen ăn ngủ đúng giờ, sinh hoạt khoa học. Khi con đã có thời gian biểu cố định mẹ sẽ biết thời gian nào con đói để cho bé bú.
- Hạn chế dùng sữa công thức khi con yêu chưa được 6 tháng tuổi. Nếu như trẻ cai bú mẹ sớm, mẹ hãy thử vắt sữa qua bình cho con.
- Tắm cho trẻ hàng ngày bằng nước ấm và massage nhẹ nhàng cho trẻ để con cảm thấy thoải mái, dễ chịu và ngoan ngoãn hơn. Việc này còn hỗ trợ quá trình lưu thông máu rất hiệu quả cho con.
- Thay đổi tư thế bú mẹ vì đôi khi trẻ bỏ bú mẹ là do con khó chịu với một tư thế ăn sữa. Mẹ hãy khắc phục bằng cách thử thay đổi những tư thế cho bú khác nhau để bé yêu cảm thấy thoải mái hơn.
- Vỗ lưng nhẹ nhàng cho trẻ ợ hơi cũng là một trong những cách cho trẻ sơ sinh cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn khi ăn sữa.
Khi trẻ bỏ bú và quấy khóc, cha mẹ không nên vì quá lo lắng mà tìm và nghe theo các biện pháp khắc phục được truyền miệng không có căn cứ và khoa học, chưa được kiểm chứng sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ.
Việc cha mẹ cần làm lúc này là kiên nhẫn theo dõi tình trạng này của con trong một vài ngày và áp dụng những gợi ý trên, nếu như trẻ vẫn không chịu bú trở lại thì mẹ nên đưa con đến các bác sĩ chuyên khoa Nhi để tìm ra nguyên nhân và có những giải pháp an toàn nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Nuôi trẻ sơ sinh là một quãng đường dài và bạn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khác nhau. Hy vọng qua bài viết trên, Tạp chí Mẹ và Con đã cùng đồng hành và cung cấp các kiến thức bổ ích về vấn đề trẻ bỏ bú cũng như đưa ra những giải pháp tạm thời để khắc phục tình trạng trên. Chúc bạn áp dụng thành công nhé!