Giải đáp thắc mắc của chị em về u xơ tử cung. (Ảnh minh họa)
Hỏi: U xơ tử cung là gì?
Đáp:
U xơ tử cung còn có tên gọi khác là nhân xơ tử cung, tên tiếng Anh là Uterine fibroids, hay uterine leiomyoma, myoma, fibromyoma fibroleiomyoma, biểu hiện qua một loại u cơ trơn ở tử cung. Bệnh thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản từ 30-45 tuổi và tỷ lệ mắc cao hơn ở phụ nữ trên 50 tuổi.
Bệnh không nguy hiểm bởi hầu hết các khối u xơ là lành tính, nhưng vẫn có một số trường hợp khối u dễ dẫn đến ung thư. Tùy theo vị trí mà các chuyên gia đã phân loại các khối u thành: u xơ dưới thanh mạc tử cung, u xơ trong tử cung, u xơ dưới niêm mạc tử cung… Trong đó, u dưới niêm mạc là nguy hiểm nhất, vì nó phát triển dưới lớp cơ tử cung, lớn lên về phía niêm mạc và làm cho hình dạng tử cung thay đổi.
Vì thế, tuy nói u xơ lành tính, nhưng nếu không phát hiện và điều trị đúng thời điểm có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như hiếm muộn, vô sinh, viêm nhiễm ổ bụng, xoắn vỡ khối u… Nếu bạn đang mang thai, u xơ tử cung có thể gây sảy thai, sinh non hay trẻ sinh ra nhẹ ký. Thậm chí, u xơ biến dạng có thể bị vỡ tử cung làm chảy máu ồ ạt, rất dễ gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Hỏi: Nguyên nhân nào gây u xơ?
Đáp:
Trên thực tế thì có rất nhiều nguyên nhân gây nên u xơ tử cung. Có giả thuyết cho rằng u xơ tử cung có liên quan đến yếu tố di truyền, môi trường, thực phẩm, rối loạn nội tiết, béo phì… Tuy nhiên, về cơ bản thì có 4 nguyên nhân chính được nhiều chuyên gia đồng tình đó là:
– Thói quen sinh hoạt tình dục không lành mạnh: Quan hệ tình dục sớm khiến tử cung bị tổn thương sớm, từ đó dễ bị u xơ tử cung. Bên cạnh đó, những phụ nữ nạo phá thai không an toàn, sinh đẻ nhiều cũng dễ mắc u xơ tử cung hơn người khác.
– Viêm loét cổ tử cung: Theo nhiều chuyên gia sức khỏe sinh sản, u xơ tử cung có mối quan hệ mật thiết với chứng viêm loét cổ tử cung hoặc viêm cổ tử cung mãn tính. Bởi lẽ, những tổn thương này sẽ tác động lên niêm mạc tử cung, làm chúng dày lên và dần hình thành nên khối u ở mặt ngoài tử cung.
– Bệnh phụ khoa lâu ngày: Tương tự như viêm loét cổ tử cung, viêm nhiễm phụ khoa lâu ngày không chữa trị hoặc chữa trị không dứt sẽ làm tăng sinh quá mức niêm mạc tử cung, hình thành các khối u.
– Rối loạn nội tiết tố: Những phụ nữ có hàm lượng hóc môn estrogen quá cao sẽ thúc đẩy nội mạc tử cung tăng sinh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho u xơ tử cung dễ hình thành.
Hỏi: Triệu chứng của u xơ là gì?
Đáp:
Người bị u xơ tử cung thường có những cơn đau lưng, đau trằn bụng dưới… (Ảnh minh họa)
Nhìn chung, u xơ tử cung không có dấu hiệu điển hình và biểu hiện cũng khác nhau theo từng thời kỳ nên rất khó để bạn phát hiện. Đó có thể là những triệu chứng bụng to bất thường, có những cơn đau lưng, đau trằn bụng dưới hay vùng hạ vị, thậm chí là bị rong kinh hay cường kinh kéo dài từ 3-6 tháng. Bên cạnh đó, biểu hiện sự xuất hiện của khối u cũng có thể là những bất thường ở hệ tiết niệu như khó tiểu, tiểu nhiều lần, bí tiểu, thận ứ nước do khối u chèn lên bàng quang hoặc niệu quản. Thêm nữa, người bị u xơ cũng có thể gặp các vấn đề về tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, táo bón khi khối u lớn, chèn ép các vùng lân cận như trực tràng, dạ dày.
Hỏi: Ai dễ mắc bệnh?
Đáp:
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đều có nguy cơ mắc u xơ tử cung. Cụ thể là phụ nữ từ 30-45 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh là 30%. Tỷ lệ này sẽ tăng dần lên khi họ trên 50 tuổi với con số thống kê là 70-80%. Bên cạnh đó, phụ nữ độc thân, phụ nữ sinh nở trên 3 lần hoặc mang đa thai cũng có nguy cơ mắc u xơ tử cung cao. Ngoài ra, bệnh mang yếu tố di truyền và ảnh hưởng lối sống nên nếu bạn có mẹ, bà mắc bệnh hoặc béo phì, cao huyết áp cũng thuộc nhóm nguy cơ cao. Thông thường, phụ nữ da đen sẽ dễ mắc u xơ hơn da trắng.
Hỏi: U xơ tử cung có thể chữa lành?
Đáp: Trong rất nhiều trường hợp, bệnh nhân bị u xơ tử cung với kích thước nhỏ (đường kính dưới 30mm) thì không cần phải can thiệp gì cả mà chỉ theo dõi định kỳ 3 tháng/lần qua siêu âm. Chỉ với những khối u lớn và gây biến chứng lên hệ tiết niệu, tiêu hóa hay nghi ngờ ung thư hóa… thì mới cần xử lý. Tùy theo cơ địa của mỗi người, nhưng nếu can thiệp thành công thì có thể chữa khỏi đến 95% mà không làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh.