Gần đây, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc Việt Nam đã đưa ra “những con số biết khóc” về tình trạng bạo hành phụ nữ tại chính đất nước chúng ta. Cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (62,9%) phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời và 31,6 % bị bạo lực hiện thời.
Vậy, nếu chồng là người hay bạo hành phụ nữ, cần làm gì để bảo vệ bản thân? Liệu có nên dứt khoát chia tay?
Bạo hành phụ nữ và những thống kê đáng kinh ngạc
Chúng ta thường cho rằng, ở xã hội văn minh như hiện tại, chuyện bạo hành phụ nữ đã không còn diễn ra hoặc chỉ một vài gia đình nhỏ. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác xa như thế…
- Cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (62,9%) phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời và 31,6 % bị bạo lực hiện thời (trong năm 2019 ).
- Trừ bạo lực tình dục, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ do chồng gây ra năm 2019 thấp hơn so với năm 2010. Ví dụ, phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác trong đời năm 2019 (26,1%) ít hơn so với năm 2010 (31,5%). Điều này rõ ràng hơn với nhóm phụ nữ trẻ.
- Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục trong đời năm 2019 (13,3%) cao hơn so với năm 2010 (9,9%). Điều này đặc biệt đúng ở nhóm phụ nữ trẻ ở độ tuổi từ 18 – 24 (13,9% năm 2019 so với 5,3% năm 2010). Mặc dù điều này phản ánh sự gia tăng của tình trạng bạo lực nhưng cũng có thể là kết quả của sự thay đổi xã hội mà ở đó phụ nữ cởi mở hơn khi nói về chủ đề tình dục và bạo lực tình dục. Trong tương lai cần có nghiên cứu và phân tích sâu hơn để xác định được đúng xu hướng này.
- Phụ nữ khuyết tật bị các hình thức bạo lực do chồng gây ra cao hơn so với phụ nữ không bị khuyết tật.
- 4,4% phụ nữ cho biết họ đã bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15 tuổi.
- Ở Việt Nam, phụ nữ bị chồng bạo lực nhiều hơn so với việc bị người khác bạo lực. Cứ 10 phụ nữ thì có 01 người (11,4%) trải qua bạo lực thể xác từ khi 15 tuổi do người khác gây ra. Khi phụ nữ bị bạo lực thể xác do người khác không phải là chồng gây ra, người gây bạo lực chủ yếu là thành viên nam trong gia đình (60,6%).
- Cứ 10 phụ nữ thì có 01 phụ nữ (9%) bị bạo lực tình dục do người khác gây ra từ năm 15 tuổi. Phần lớn kẻ gây ra bạo lực là nam giới không phải thành viên trong gia đình (ví dụ: nam giới là người không quen biết, bạn bè hoặc người quen; người mới quen gần đây; hoặc người làm cùng cơ quan).
- Bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu. Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.
- Trẻ em cũng là nạn nhân khi sống trong môi trường bạo lực. Trong số phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác, 61,4% cho biết con cái họ đã từng chứng kiến hoặc nghe thấy bạo lực. Phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục nói rằng con cái họ (5-12 tuổi) thường có các vấn đề về hành vi.
- Bạo lực đối với phụ nữ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần phụ nữ. Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gây ra cho nền kinh tế Việt Nam tương đương với 1,8% GDP.
———- Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc Việt Nam ———-
Những dấu hiệu bạo hành phụ nữ
Bạo hành phụ nữ được xếp vào top các dạng bạo lực gia đình phổ biến với đối tượng nạn nhân chính là những người vợ. Bạo hành phụ nữ cũng được chia làm hai nhóm, bạo hành thể chất (phụ nữ bị đánh đập, bị lạm dụng tình dục, bị tổn thương về mặt thể chất) và bạo hành tinh thần (phụ nữ bị tổn thương tâm lý, xúc phạm danh dự, chửi bới, đe dọa).
Các dấu hiệu bạo hành phụ nữ thường gặp trong các gia đình bao gồm:
- Dùng vũ lực tác động lên cơ thể người phụ nữ, hành hung phụ nữ
- Cưỡng ép quan hệ tình dục
- Mắng nhiếc, chửi bới
- Ép buộc người phụ nữ làm những điều cô ấy không thích (ép buộc sinh con, ép buộc phụ nữ phải cắt đứt các mối quan hệ bạn bè, ép buộc phụ nữ phải chăm sóc gia đình một mình,…)
- Lạm dụng tài chính
- Can thiệp quá mức vào cuộc sống của người phụ nữ
Dù bạo hành phụ nữ được diễn ra ở hình thức nào đi chăng nữa thì đây cũng là một vấn nạn cần được chấm dứt ngay lập tức. Bởi lẽ, người phụ nữ trải qua bạo hành sẽ chịu nhiều tổn thương và có những vết thương vĩnh viễn không thể phục hồi…
Hậu quả của việc bạo hành phụ nữ là gì?
Phụ nữ trải qua bạo hành lâu dài, nghiêm trọng sẽ dẫn đến những tổn thương về thể chất và tâm thần. Cụ thể, những hậu quả của việc bạo hành phụ nữ có thể kể đến như:
- Chấn thương ở các bộ phận trên cơ thể (thủng màng nhĩ, có vết rách, vết cào, vết bầm tím, các vết xước, chấn thương phần mềm, gãy xương, tổn thương cơ quan sinh dục,…)
- Trầm cảm, rối loạn lo âu dẫn đến mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, suy nhược cơ thể,…
- Rơi vào tình trạng “hội chứng phụ nữ bị đánh đập” (battered woman syndrome) – một dạng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) dẫn đến tình trạng bất lực, cho rằng mình không thể thoát khỏi tình trạng bị bạo hành gia đình.
- Phụ nữ bị bạo hành nếu không thể thoát ra khỏi tình trạng này có nguy cơ tự sát cao hơn.
4 giai đoạn tâm lý phụ nữ có thể trải qua khi bị bạo hành
Việc bạo hành phụ nữ có thể đẩy người phụ nữ rơi vào 4 giai đoạn tâm lý sau đây:
- Giai đoạn 1 – Phủ nhận sự thật: Lúc này, bạn không thể chấp nhận được việc bản thân mình đang bị bạo hành. Bạn sẽ tìm cách trốn tránh, không nghĩ về việc này hoặc tự biện minh rằng chuyện này chỉ xảy ra một lần, đối phương không cố ý bạo hành bạn.
- Giai đoạn 2 – Cảm giác tội lỗi: Nếu việc bạo hành phụ nữ diễn ra nhiều lần hơn, bạn sẽ bắt đầu rơi vào trạng thái tự nhận hết mọi lỗi lầm về phía bản thân, cho rằng mình chính là nguyên nhân của tình trạng bạo hành này và việc chồng bạo hành phụ nữ là do mình mà ra.
- Giai đoạn 3 – Nhận thức: Sau một thời gian bị bạo hành, bạn có thể nhận ra rằng mình không xứng đáng bị bạo hành như vậy, việc bạo hành phụ nữ là một hành vi hoàn toàn sai và không được phép diễn ra.
- Giai đoạn 4 – Phản kháng: Đã đến lúc bạn cần phải tìm cách thoát ra khỏi tình trạng bạo hành phụ nữ này, để tình trạng bạo hành được chấm dứt và người bạo hành phải chịu trách nhiệm cho những chuyện đã diễn ra.
Tuy nhiên, đáng buồn là rất nhiều trường hợp, người phụ nữ không thể vượt qua được giai đoạn 2 – 3 hoặc cố gắng không phản kháng, luôn nhẫn nhịn để giữ cho gia đình được êm ấm, để không bị người ngoài phán xét.
Vì sao phụ nữ thường nhẫn nhịn dù cho bị bạo hành?
Vì sao tình trạng bạo hành phụ nữ diễn ra nhiều đến thế nhưng số phụ nữ phản kháng lại luôn rất ít? Thậm chí có những người phụ nữ chọn cách im lặng, không phản kháng. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau:
Vẫn còn rất yêu chồng
Tình yêu khiến người phụ nữ có thể tha thứ cho mọi thứ, kể cả khi bị bạo hành. Họ tin rằng, mình có thể cảm hóa được đối phương, khiến đối phương thay đổi. Và họ cũng tin rằng, với tình yêu cả hai vợ chồng dành cho nhau, vấn đề bạo hành phụ nữ có thể giải quyết.
Vì tình yêu với con cái và bố mẹ hai bên gia đình
Tình cảm, hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân của bố mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của trẻ. Nếu bố mẹ không hạnh phúc thì trẻ cũng không thể hạnh phúc được. Do đó, nhiều người phụ nữ sợ phải phản kháng, sợ nói ra vấn đề của mình vì lo lắng con cái khi biết chuyện bố làm tổn thương mẹ sẽ không còn hạnh phúc, mất niềm tin vào bố mẹ của mình, bị tổn thương về mặt tinh thần.
Không chỉ vậy, nếu biết tin có bạo hành phụ nữ, có bạo lực gia đình trong chính tổ ấm của những đứa con của mình, bố mẹ gia đình hai bên sẽ rất phiền lòng. Để tránh ảnh hưởng đến bố mẹ, gia đình hai bên, tiếp tục chịu đựng việc bị bạo hành vẫn là quyết định mà nhiều phụ nữ lựa chọn…
Sợ dị nghị
Không phải ai cũng có thể thông cảm được khi chứng kiến cảnh bạo hành phụ nữ. Thậm chí, nhiều người còn có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân, cho rằng phụ nữ phải có lỗi như thế nào thì mới bị chồng bạo hành, phụ nữ bị bạo hành không phải lỗi của người đàn ông, chỉ phụ nữ không tốt thì mới bị bạo hành và như vậy, việc chồng bạo hành phụ nữ chẳng có gì sai cả,…
Cũng chính vì sợ mọi người dèm pha, dị nghị mà nhiều người phụ nữ vẫn không dám lên tiếng, không dám phản kháng khi bị bạo hành.
Nỗi sợ hãi khi bỏ đi
Một lý do khác khiến nhiều người phụ nữ dù bị bạo hành vẫn không dám bỏ đi đó chính là hội chứng sợ hãi khi phải rời đi. Bạn có thể sợ sự cô đơn khi không có chồng ở bên cạnh, sợ phải rời bỏ căn nhà quen thuộc, sợ con cái không có ai chăm sóc,…
Những nỗi sợ quẩn quanh lấy bạn, khiến bạn không dám tưởng tượng đến viễn cảnh nếu mình ly hôn do chồng hay bạo hành phụ nữ thì sẽ như thế nào…
Không đủ tài chính
Sau khi kết hôn, nhiều gia đình đã chọn cách chồng đi làm và chịu trách nhiệm chính về mặt tiền nong, còn vợ sẽ ở nhà chăm sóc gia đình nhà cửa. Vì thế, kinh tế của người phụ nữ phụ thuộc phần lớn vào người chồng của mình. Và đây chính là nguyên nhân dù bạo hành phụ nữ diễn ra hằng ngày trong gia đình thì người vợ – đối tượng chịu tổn thương chính vẫn không thể lên tiếng.
Sự phụ thuộc về mặt tài chính như sợi dây trói buộc người phụ nữ, khiến họ không phản kháng cũng chẳng thể rời đi. Đặc biệt, điều này càng đúng hơn nếu chồng là người đang chịu trách nhiệm trong việc nuôi dạy con cái.
Ám ảnh về lỗi của bản thân
Một lý do khác khiến việc bạo hành phụ nữ vẫn được diễn ra liên tục chính là do người phụ nữ chịu quá nhiều lời đả kích, tin rằng tất cả lỗi lầm đều xuất phát từ phía bản thân mình. Do đó, việc chồng bạo hành là chuyện có thể hiểu được và mình không có quyền lên tiếng trong câu chuyện này.
Phụ nữ cần làm gì khi bị bạo hành?
Việc thoát khỏi bạo hành không phải là chuyện ngày 1 ngày 2 là có thể kết thúc được. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể ngăn chặn và góp phần chấm dứt bạo hành phụ nữ.
Nếu bạn đang là nạn nhân của bạo hành phụ nữ:
- Tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài: Bạn có thể chia sẻ với gia đình, người thân hoặc bạn bè mà mình tin tưởng. Nếu bạn liên tục bị bạo hành, đừng ngần ngại quay phim, ghi lại hình ảnh và âm thanh, đi kiểm tra sức khỏe để có xác nhận tổn thương từ cơ quan y tế để tố giác, thông báo với chính quyền địa phương.
- Chuẩn bị tài chính: Nếu bạn phụ thuộc vào kinh tế của chồng, ngay từ khi anh ấy có những biểu hiện bạo hành phụ nữ đầu tiên, hãy chuẩn bị tài chính để có thể sử dụng trong trường hợp cả hai ly hôn.
- Nghĩ cho con cái và bố mẹ: Con cái của bạn sẽ không thể hạnh phúc nếu mẹ của chúng chịu bạo hành mỗi ngày. Gia đình hai bên cũng sẽ rất đau lòng khi bạn bị bạo hành. Do đó, việc bạn cần làm không phải là nhẫn nhịn mà là mau chóng phản kháng để kết thúc tình trạng này.
- Phớt lờ những lời dèm pha: Mọi người không phải là bạn nên không thể hiểu rõ được bạn. Vì thế, đừng vì những lời chỉ trích của mọi người mà cố gắng chịu đựng bạn nhé!
- Đặt ra giới hạn với người bạo hành: Đối tượng chính của hành vi bạo hành phụ nữ chính là người chồng của bạn. Hãy trao đổi và đặt ra giới hạn với anh ấy, cho anh ấy biết nếu anh ấy còn lặp lại những hành động đó thì sẽ nhận lại được hậu quả như thế nào.
Nếu bạn đang chứng kiến cảnh bạo hành phụ nữ:
- Hỗ trợ ghi lại hình ảnh và âm thanh để nạn nhân có thể cung cấp cho cơ quan điều tra nếu cần
- Thông báo với các cơ quan chính quyền để nhận được hỗ trợ
- Chia sẻ, an ủi với nạn nhân, không đổ lỗi cho nạn nhân
- Không tự ý can thiệp, dùng bạo lực để tránh các tình huống xấu có thể xảy ra
Bạo hành phụ nữ là một hành vi không thể chấp nhận được và dù nguyên nhân bạo hành là gì thì hành vi này cũng cần phải chấm dứt. Bởi phụ nữ là để yêu thương, hãy kiên trì và mạnh mẽ vì chính mình và vì những người phụ nữ khác, bạn nhé!