Theo thông tin từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc Unicef, cứ 39 giây lại có 1 trẻ qua đời vì viêm phổi. Có thể thấy, viêm phổi là một căn bệnh nghiêm trọng và đặc biệt nguy hiểm. Vậy nguyên nhân gây ra viêm phổi ở trẻ em là gì, dấu hiệu nhận biết cũng như cách điều trị và phòng tránh căn bệnh này như thế nào luôn là điều khiến nhiều bố mẹ lo lắng? Tạp chí Mẹ và Con sẽ giải đáp những thắc mắc này cho bố mẹ qua bài viết dưới đây.
Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em
Viêm phổi ở trẻ em là tình trạng các túi khí trong phổi bị nhiễm trùng dẫn đến hình thành các dịch nhầy, ngăn cản sự trao đổi oxy giữa cơ thể với môi trường ngoài. Nguyên nhân gây ra căn bệnh này ở trẻ em thường xuất phát từ các loại vi khuẩn như tụ cầu vàng, phế cầu, liên cầu pyogenes,… hoặc các loại virus, nấm như adenovirus, rhinovirus cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV),….
Đối với những trẻ dưới 1 tuổi thường do sinh non, sức khỏe yếu, sức đề kháng kém khiến trẻ không đủ sức chống lại những tác động từ môi trường. Những trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc lá cũng có khả năng cao sẽ bị mắc viêm phổi.
Mặc dù viêm phổi ở trẻ em không lây lan những những vi khuẩn, virus gây ra căn bệnh này luôn có mặt ở khắp mọi nơi, nhất là xung quanh những người có bệnh về đường hô hấp. Để trẻ tiếp xúc gần với các bệnh nhân này hoặc dùng chung đồ dùng, dụng cụ sinh hoạt cũng sẽ khiến trẻ bị viêm phổi.
Dấu hiệu nhận biết viêm phổi ở trẻ em
Viêm phổi ở trẻ em có các triệu chứng giống cảm cúm thông thường, nên bố mẹ thường bị nhầm lẫn và không điều trị kịp thời cho trẻ. Dưới đây là những dấu hiệu để nhận biết liệt trẻ có bị viêm phổi hay không:
- Họ thường xuyên, liên tục, trẻ thường phải rặn khi ho
- Thở khò khè, nhanh và gấp. Khi thở trẻ cần gắng sức mới có thể hít đủ khí oxy so với bình thường.
- Vùng môi và các đầu ngón tay, ngón chân trở nên xanh xám do cơ thể không được cung cấp đủ lượng khí oxy cần thiết.
- Một số trẻ sẽ có hiện tượng sốt cao đột ngột, cơ thể ớn lạnh, không muốn ăn hoặc bú sữa (ở trẻ sơ sinh).
Nếu bé nhà bạn có những biểu hiện của bệnh viêm phổi ở trẻ em trên đây, bạn nên ngay lập tức xác định tình trạng của trẻ xem có nên điều trị tại nhà hay cần phải đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để có chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nhóm trẻ em có nguy cơ mắc viêm phổi cao
Một số trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nếu bé có trong nhóm đối tượng này, bạn nên cẩn thận quan sát những triệu chứng bất thường của bé để có thể kịp thời đến bệnh viện chẩn đoán, điều trị:
- Trẻ sinh non, nhẹ cân
- Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh (28 ngày đầu sau sinh)
- Trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ mà chỉ dùng hoàn toàn sữa công thức
- Trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh, dị dạng đường hô hấp, suy giảm miễn dịch bẩm sinh.
- Trẻ được nuôi dưỡng trong điều kiện môi trường không tốt, nhiều khói bụi, ô nhiễm, thường xuyên phải hút khói thuốc lá
- Trẻ có cơ địa dị ứng, mẫn cảm.
Cách điều trị an toàn và hiệu quả tại nhà
Sau khi đã nhận được chẩn đoán điều trị của bác sĩ về căn bệnh viêm phổi ở trẻ em này, bạn nên tuân theo đúng phác đồ điều trị để có được kết quả tốt nhất. Đối với những trẻ bị viêm phổi dạng nặng, bé sẽ được bệnh viện yêu cầu ở lại điều trị. Tuy nhiên, nếu bé nhà bạn mới bị viêm phổi dạng nhẹ thì bác sĩ sẽ kê thuốc và cho theo dõi tại nhà.
Để trẻ có thể mau chóng hồi phục khi điều trị tại nhà, bạn nên lưu ý một số điều dưới đây:
- Cho trẻ uống đúng liều lượng thuốc mà bác sĩ đã kê đơn. Không nên vì vội vã mà cho trẻ uống quá liều hoặc không đủ liều. Điều này sẽ khiến bệnh không thể khỏi dứt điểm, thậm chí có thể gây diễn biến xấu hơn.
- Thường xuyên vệ sinh mũi miệng và những dụng cụ, đồ chơi của trẻ để hạn chế vi khuẩn, virus gây bệnh.
- Cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, dễ nuốt để cung cấp đủ dưỡng chất và nâng cao sức đề kháng của trẻ
- Cho trẻ uống đủ nước để có thể dễ dàng hòa loãng phần đờm và đẩy được đờm ra khỏi cơ thể.
- Thường xuyên quan sát về nhịp độ thở của trẻ, màu môi, các đầu ngón chân, ngón tay để nắm bắt tình trạng trẻ một cách tốt nhất.
- Tuyệt đối không áp dụng những bài thuốc dân gian, bài thuốc truyền miệng chữa viêm phổi ở trẻ em khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ. Những bài thuốc này không chỉ không có tác dụng mà đôi khi sẽ khiến bệnh tình của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.
Quá trình chăm sóc trẻ khi bị mắc viêm phổi cần sự kiên nhẫn và cẩn thận nên bạn hãy dành thật nhiều thời gian ở bên trẻ lúc này nhé!
Khi nào trẻ cần nhập viện?
Nếu tình trạng viêm phổi ở trẻ em chỉ ở mức độ nhẹ, bạn có thể cho trẻ điều trị tại nhà theo những phương pháp mà Tạp chí Mẹ và Con chia sẻ phía trên. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ bị viêm phổi nặng, có triệu chứng thở gắng sức, rút lõm lồng ngực, bố mẹ cần lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Nếu không biết trẻ có đang thở gắng sức hay không, khi trẻ nằm yên, không bú, không khóc, bạn có thể vén áo trẻ lên cao để nhìn vùng ngực và bụng trẻ, bạn nhé!
Bên cạnh đó, nếu trẻ có các triệu chứng như ngủ li bì, không thể bú được, bú kém, co giật, thở có tiếng rít, sốt hoặc lạnh, tím quanh môi, nổi vân tím toàn thân, bạn nên ngay lập tức đưa trẻ đi cấp cứu để tránh nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Cách phòng chống viêm phổi ở trẻ em
Khi trẻ bị mắc viêm phổi, quá trình điều trị sẽ khó khăn và vất vả nên bố mẹ hãy luôn trong phòng ngừa bệnh này cho trẻ để hạn chế tối đa khả năng mắc bệnh.
- Tiêm đầy đủ các loại vắc-xin theo yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa khi trẻ đủ tuổi để phòng tránh những bệnh hay gặp ở trẻ.
- Cho trẻ bú đầy đủ sữa mẹ từ lúc mới sinh đến đủ 2 tuổi. Theo nghiên cứu, sữa mẹ cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu giúp trẻ có hệ miễn dịch tốt hơn trong những năm tháng đầu đời.
- Vệ sinh nơi ở của trẻ. Tránh để trẻ tiếp xúc với nơi ô nhiễm, khói bụi, khói thuốc lá….
- Không để trẻ tiếp xúc hoặc dùng chung đồ với những bệnh nhân mắc bệnh về đường hô hấp. Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện của trẻ sẽ không đủ sức chống lại những vi khuẩn, virus có xung quanh những bạn nhỏ mắc viêm phổi ở trẻ em khác.
- Nên chú ý giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là trong những ngày mua hoặc khi thời tiết chuyển mùa.
Trên đây là những thông tin bổ ích về căn bệnh viêm phổi ở trẻ em. Hy vọng rằng sau bài viết này, bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức để nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ tốt hơn. Hãy đón đọc thêm những bài viết của Tạp chí Mẹ và Con để luôn cập nhập những thông tin cần thiết trong quá trình nuôi dạy con nhé!