Mẹ&Con - Sẽ là một nỗi đau và là chuyện hoàn toàn không mong đợi nếu như lần mang thai đầu tiên bạn bị… sẩy. Nhưng thay vì buồn bã, nặng nề nghĩ mãi đến chuyện ấy, bạn nên bình tĩnh có một sự chuẩn bị mới, để lần mang thai sau có được kết quả tốt hơn. Phi Thanh Vân đau buồn vì bị sẩy thai Uống nước dừa dễ gây sẩy thai Bạn đã biết cách ăn trước lúc mang thai?

Nếu như bạn bị sẩy mất giọt máu đầu tiên, hãy biết rằng bạn không phải là người mẹ đau khổ duy nhất trên đời này rơi vào hoàn cảnh ấy. Rất nhiều cặp vợ chồng đã không thể giữ được mầm sống đầu lòng vừa kịp kết tinh trong bụng mẹ, mà phần nhiều là do thiếu kiến thức và chưa có kinh nghiệm. Vì thế, điều quan trọng hơn cả việc khóc lóc và đau buồn, ân hận với con chính là bạn phải vững vàng đứng lên, vượt qua giai đoạn khó khăn, đảm bảo sức khỏe cho chính mình và có những bước chuẩn bị làm mẹ lại từ đầu, để lần mang thai sau, chuyện buồn không còn lặp lại.

Nên chuẩn bị những gì sau lần sẩy trước?

Có câu nói nôm na trong dân gian: Một lần sẩy bằng bảy lần sinh. Dẫu rằng xét về mặt y học, nói thế thì hơi… quá, nhưng quả thật, những ảnh hưởng về mặt sức khỏe và tinh thần cho thai phụ sau một lần sẩy là rất lớn. Bạn cần hiểu rõ điều này, để biết rằng cơ thể mình sau khi sẩy thai đã yếu đi rất nhiều, đặc biệt là tử cung và âm đạo. Có người, chính vì sẩy một lần đầu nên gặp rất nhiều khó khăn trong những lần mang thai kế tiếp, thậm chí dẫn đến tình trạng sẩy thai liên tiếp. Nói như vậy không phải để dọa… bạn, mà thực tế là để bạn có thể hiểu hết tầm quan trọng của việc chuẩn bị trở lại từ đầu để làm mẹ, sau những rủi ro đầu đời.

Bạn phải mất bao lâu mới được phép thả và chờ cho có thai trở lại sau khi sẩy? Con số cơ bản là: Tối thiểu 3 tháng. Vì phải mất 3 tháng, tử cung, âm đạo của bạn mới hoàn toàn bình phục và trở về trạng thái gần gần như ban đầu. Điều đó nghĩa là bạn nên có sự phòng tránh thai thật cẩn thận trong thời gian này, đừng đùa với… lửa.

Bạn cũng nên có một đợt khám sức khỏe tổng quát (kỹ hơn cả các phụ nữ chuẩn bị có thai lần đầu), nói rõ cho bác sĩ về việc sẩy thai trước đó của mình. Bác sĩ cần trực tiếp khám, thực hiện một số xét nghiệm để đánh giá được tình hình sức khỏe của bạn, có những lời khuyên phù hợp cho bạn trong lần chuẩn bị làm mẹ khó khăn gấp bội này.

tung-say-thai-can-chuan-bi-gi-de-duoc-lam-me

Trong đa số trường hợp chuẩn bị làm mẹ sau lần sẩy trước, bác sĩ sẽ cho bạn uống bổ sung sắt. Điều này rất dễ hiểu, vì trong lần sẩy trước, có thể bạn đã bị mất nhiều máu, dẫn đến nguy cơ thiếu sắt. Việc bác sĩ chỉ định cho bạn bổ sung sắt đầy đủ trước khi có kế hoạch mang thai trở lại là rất bình thường. Ngoài sắt, bác sĩ cũng có thể tùy tình hình sức khỏe của bạn mà đưa ra thêm một số lời khuyên nhất định. Ví dụ như nên tăng thêm vài cân, nên ăn nhiều một số chất dinh dưỡng… Đây là những lời khuyên quan trọng nên bạn đừng lơ là. Hãy luôn ghi nhớ việc mình chuẩn bị có thai trở lại sau một lần sẩy khó khăn hơn rất nhiều so với việc chuẩn bị có thai lần đầu.

Đặc biệt, trong quá trình khám sức khỏe tổng quát trước khi cho phép bạn có thai trở lại, bác sĩ cũng có thể phát hiện một số dấu hiệu nguy cơ nào đó (là nguyên nhân của lần sẩy thai trước). Trong trường hợp này, bác sĩ có thể yêu cầu bạn phải kéo dài thời gian chuẩn bị mang thai lên hơn 3 tháng (có thể từ 4-6 tháng hoặc lâu hơn), hoặc yêu cầu bạn chữa trị một bệnh đang mang trong người (ví dụ như tiểu đường, rối loạn hệ thống miễn dịch, nghẽn mạch máu…) để tránh tình trạng lại sẩy thai lần nữa.

Nếu bạn từng bị tình trạng có thai ngoài tử cung rồi mới sẩy thai trước đó, hoặc đã bị sẩy thai trên 2 lần thì phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn thụ thai lại.

Hãy có một khởi đầu thật tốt cho lần sau

Đã qua một lần vấp váp với thai kỳ, nhưng bạn không nên dằn vặt mình quá nhiều. Thay vào đó, hãy giữ một trạng thái lạc quan, vui vẻ nhất có thể, để vượt qua những chuyện không may kia. Nhiều phụ nữ cứ ám ảnh chuyện mình bất cẩn dẫn đến việc con không được chào đời, rồi thậm chí đi… bói toán, cầu cơ, lên đồng, làm đủ việc mang tính tâm linh nhằm giải tỏa những ức chế của mình. Tuy nhiên, lời khuyên của bác sĩ là đừng nên như thế! Những lời “phán” bừa của thầy bói, đồng cô bóng cậu có thể gây ức chế tinh thần cho bạn, khiến bạn càng khó có thai lần sau hơn.

tung-say-thai-can-chuan-bi-gi-de-duoc-lam-me

Hãy luôn nhắc mình, đó chỉ là chuyện không may, là một chút vấp váp với bạn. Bạn nên cùng chồng thực hiện một chuyến “trăng mật” mới, để thư giãn, giải tỏa nỗi buồn, và cũng đồng thời là để giúp cơ thể được hồi phục, nghỉ ngơi hoàn toàn trở lại, chuẩn bị thật tốt cho lần mang thai tiếp theo.

Một số người luôn thấy lo sợ sau khi chẳng may bị sẩy lần đầu. Nhưng thật ra, bạn đừng quá lo lắng! Có đến 85% các bà mẹ lỡ sẩy thai lần đầu có con lại rất dễ dàng ở những lần tiếp theo…

Ngoài việc nghỉ ngơi, bạn cũng nên tăng cường sức khỏe với những thực phẩm giàu sắt, axit folic, bỏ tuyệt đối những thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu. Nên tập thể dục nhẹ nhàng đều đặn mỗi ngày. Đặc biệt, nên giải phóng đôi chân của bạn khỏi… đôi giày cao gót. Rất tiếc, nhưng chính giày cao gót là nguyên nhân cho không ít vụ sẩy thai, khi mà người mẹ mang thai nhưng lại… không kịp biết, vẫn mang giày cao gót, vẫn huỳnh huỵch đi lại quá nhiều.

Bạn cũng cần để tâm đến việc theo dõi chu kỳ, canh ngày rụng trứng, hỏi bác sĩ nếu như sau khi sẩy thai lần đầu quá lâu (trên 1 năm) vẫn không thấy có thai trở lại. Trường hợp nếu may mắn có thai, cần khám thai thường xuyên (nhiều hơn mức phụ nữ bình thường có thai lần đầu) nhằm tránh nguy cơ tái diễn cảnh cũ.

Nếu đến lần thứ hai mang thai, bạn vẫn tiếp tục sẩy thì phải lập tức báo với bác sĩ, kiểm tra thật kỹ để tìm nguyên nhân tại sao có hiện tượng bất thường, khiến thai không phát triển được. Ngoài các nguyên nhân như di truyền, stress vì công việc quá nhiều áp lực, tiếp xúc với hóa chất độc hại hàng ngày, sẩy thai liên tiếp còn có thể là dấu hiệu báo động bạn có bất thường ở tử cung như u xơ tử cung, tử cung bị dị tật… 

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành
(BV Đại học Y Dược) 

Tags:

Bài viết liên quan