Về mặt y học thì bệnh tắc ruột hiểu một cách đơn giản là các chất trong lòng ruột không thể lưu thông được. Chúng tích tụ trong cơ thể trẻ và gây ra các triệu chứng tắc ruột. Do đó, bố mẹ nên chú ý các dấu hiệu tắc ruột non ở trẻ em để đưa bé đi kiểm tra, có chẩn đoán chính xác từ bác sĩ.
Hội chứng tắc ruột là gì?
Hội chứng tắc ruột là hiện tượng các chất trong lòng ruột bị tắc nghẽn. Bao gồm tắc ruột non và tắc đại tràng. Các chất này ứ đọng lâu ngày tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn sinh sôi nảy nở và có nguy cơ dẫn biến chứng nguy hiểm như hoại tử, thủng ruột.
Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi. Riêng tắc ruột non phổ biến nhất ở người già và trẻ nhỏ. Ở trẻ dưới 3 tuổi thì đường tiêu hóa còn chưa khỏe nên càng dễ bị tắc.
Tắc ruột chia làm 2 loại: Tắc ruột cơ năng và tắc ruột cơ học. Trong đó:
- Tắc ruột cơ năng: Do cơ năng của cơ thể bị hỏng như liệt ruột, rối loạn điện giải, bị tai biến phải nằm lâu…
- Tắc ruột cơ học: Do nguyên nhân vật lý như ruột bị xoắn hay bị dây chằng gây nghẹt; do bị bít lại, do khối u, do búi giun hay do bã thức ăn…
Tắc ruột ở trẻ em có nguy hiểm không?
Bệnh tắc ruột là bệnh lý nguy hiểm cần được phát hiện và xử trí nhanh. Triệu chứng tắc ruột ở giai đoạn đầu không thực sự điển hình nên dễ bị nhầm lẫn. Bệnh khó chẩn đoán chính xác nếu chỉ dựa vào biểu hiện lâm sàng. Bố mẹ cần đưa con đi siêu âm mới có chẩn đoán chính xác.
Mức độ nguy hiểm của bệnh tắc ruột ở trẻ nhỏ phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
- Vị trí tắc ruột non hay đại tràng, tắc ở ruột cao hay thấp.
- Mức độ tắc như thế nào, một phần hay hoàn toàn.
- Tắc ruột cơ năng hay cơ học.
- Ruột bị tắc vì bít tắc (chẳng hạn như thức ăn) hay bị thắt lại (do dây chằng).
Tắc ruột khiến đoạn ruột bị căng trướng, tăng áp lực lòng ruột, gây phù nề, tổn thương niêm mạc, giảm hấp thụ dinh dưỡng. Bé biếng ăn, bỏ ăn, suy dinh dưỡng và luôn trong tình trạng mệt mỏi. Nếu triệu chứng tắc ruột là nôn trớ nhiều thì bé bị mất nước, mất điện giải có thể gây suy thận. Nặng hơn là biến chứng đe dọa tính mạng bé.
Nguyên nhân và triệu chứng tắc ruột trẻ em
Ở trẻ nhỏ, nguyên nhân chính gây tắc ruột là lồng ruột và bã thức ăn. Do cấu tạo ruột trẻ nhỏ thẳng và dài như ống nên có một phần lồng ruột trượt vào đoạn ruột ở gần gây nghẽn. Chế độ ăn có quá nhiều chất xơ, dai, khó tiêu hóa cũng góp phần gây tắc ruột. Những nguyên nhân bên ngoài như dị vật, giun sán, trẻ bị giảm độ toan dịch vị, viêm xơ tụy, suy tụy làm tiêu hóa kém.
Triệu chứng tắc ruột thường gặp ở trẻ em gồm:
- Đau bụng: Cơn đau xảy ra đột ngột, dữ dội trong 2-3 phút sau đó giảm dần rồi lại xuất hiện lại. Tần suất lẫn cường độ đau tăng dần theo thời gian. Cơn đau bụng xuất hiện trên rốn và nhanh chóng lan ra toàn ổ bụng.
- Chướng bụng: Khá dễ phát hiện, nếu chướng bụng kéo dài thì cần phải cho bé đi kiểm tra ngay.
- Buồn nôn, nôn: Buồn nôn và nôn thường đi kèm chướng bụng. Ban đầu trẻ sẽ nôn thức ăn, sau đó đến dịch mật, dịch tiêu hóa. Nếu đến mức trẻ nôn ra phân thì triệu chứng tắc ruột này đã rất nghiêm trọng.
- Bí trung đại tiện: Nhiều bố mẹ chủ quan, nhầm lẫn rằng đây chỉ là tình trạng táo bón thông thường. Tuy nhiên, bí trung đại tiện là do đường ruột bị tắc, các chất bị ngưng trệ lưu thông, không tiêu hóa, không thải được. Đây là triệu chứng lâm sàng mang tính quyết định để chẩn đoán trẻ bị tắc ruột.
Do các triệu chứng tắc ruột dễ nhầm lẫn nên chẩn đoán tắc ruột sớm thường khó. Siêu âm hay chụp X-quang không phải lúc nào cũng thấy được khi tình trạng chỗ tắc chưa nghiêm trọng.
Vậy nên cha mẹ nên chú ý thật kỹ. Nếu sau khi ăn trẻ đau bụng, nôn, đại tiện ra máu hoặc không thể tiêu tiểu thì cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra ngay.
Mẹo chữa tắc ruột
Không có mẹo chữa tắc ruột tại nhà. Nếu chẩn đoán tắc ruột thì trẻ cần được điều trị và theo dõi tại bệnh viện. Một số phương pháp chữa tắc ruột ở trẻ hiện nay:
- Truyền dịch: Truyền qua đường tĩnh mạch với trường hợp tắc ruột do bã thức ăn, dị vật… dịch truyền làm mềm và đẩy chúng ra khỏi ruột.
- Thụt tháo: Nhanh chóng lấy khối tắc nghẽn ra khỏi ruột. Nếu thụt tháo thành công thì không cần điều trị thêm.
- Phẫu thuật: Đây là biện pháp cuối cùng và hiển nhiên cũng triệt để nhất. Theo đó bác sĩ sẽ phẫu thuật để tháo gỡ đoạn ruột bị tắc/thắt.
Phòng ngừa bệnh tắc ruột cho trẻ nhỏ
Nhìn chung, tắc ruột ở trẻ nhỏ là bệnh nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng con. Do vậy, bố mẹ nên biết cách phòng bệnh ngay từ đầu để ngăn ngừa biến chứng xấu. Áp dụng các biện pháp sau để bảo vệ sức khỏe con bạn:
- Nấu mềm thức ăn, chọn các món ăn dễ nhai, dễ tiêu hóa.
- Tránh các món chiên xào, nhiều dầu mỡ, hạn chế thực phẩm nhiều nhựa, có vị chát vì nhựa dễ kết dính.
- Khẩu phần ăn nên có nhiều chất xơ, bổ sung các loại rau trái nhiều nhớt như mồng tơi, đậu bắp…
- Chia nhỏ các bữa ăn, tránh để bé ăn quá no.
- Thường xuyên khám tổng quát cho con, ít nhất 6 tháng/lần.
- Cho bé uống nhiều nước.
Tắc ruột ở trẻ là một bệnh lý tiềm ẩn nhiều rủi ro. Triệu chứng tắc ruột lại khó phân biệt với nhiều vấn đề sức khỏe khác. Vậy nên bố mẹ nhớ phòng bệnh thật kỹ và đưa bé đi khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ nhé.