Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị tiêu chảy có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu không chăm sóc trẻ đúng cách, trẻ có thể mất nước, kiệt sức và gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Tiêu chảy là gì?
Bạn có thể tìm thấy rất nhiều kết cấu, màu sắc và mùi khác nhau trong tã lót có phân của trẻ dựa trên những gì mà trẻ đang ăn (trẻ bú sữa mẹ hay sữa công thức). Tuy nhiên, nhìn chung thì phân của trẻ sơ sinh và đặc biệt là trẻ dưới 1 tháng tuổi thường mềm hơn và lỏng hơn nhiều so với phân của người lớn. Mặc dù trẻ sơ sinh thường đi ngoài phân lỏng hơn so với người lớn, nhưng nếu bạn nhận thấy rằng trẻ đi ngoài phân lỏng hơn bình thường, đi ngoài nhiều hơn, rất có thể trẻ đang bị tiêu chảy.
Vậy chính xác tình trạng tiêu chảy là khi trẻ đi cầu có phân lỏng diễn ra liên tục, hơn 3 lần trong một ngày. Theo các thống kê hiện nay, tình trạng trẻ bị tiêu chảy đang rất phổ biến ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị tiêu chảy
Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị tiêu chảy có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Nhiễm trùng do vi rút, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Trẻ sơ sinh có thể nhiễm những vi trùng này khi tiếp xúc với thức ăn hoặc nước không sạch hoặc khi chạm vào bề mặt có vi trùng rồi cho tay vào miệng.
- Rối loạn tiêu hóa
- Dị ứng thực phẩm (sữa công thức) hoặc nhạy cảm với thuốc.
- Ngộ độc (có thể do núm vú hoặc bình sữa không được vệ sinh sạch sẽ, sữa công thức hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng,…)
- Hội chứng ruột kích thích.
Các dấu hiệu bé bị tiêu chảy
Khi trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị tiêu chảy, bên cạnh tình trạng đi ngoài có phân lỏng hơn bình thường, bố mẹ cũng có thể quan sát và bắt gặp một số dấu hiệu khác như:
- Trẻ biếng ăn
- Nằm li bì
- Trẻ có biểu hiện mệt mỏi
- Trẻ đi cầu nhiều lần, phân dạng lỏng có màu vàng hoặc xanh. Một số trẻ có thể bị mót, đi tiêu ra phân sống (có kèm máu, thức ăn hoặc đàm).
Ngoài ra, trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị tiêu chảy có thể bị mất nước nếu bố mẹ không kịp thời bổ sung nước cho bé. Lúc này, những biểu hiện mất nước phổ biến gồm có:
- Trẻ sơ sinh đi tiểu ít hơn (tã ít ướt hơn)
- Có những hành động kỳ lạ, cáu kỉnh
- Khô miệng
- Không có nước mắt khi trẻ khóc
- Buồn ngủ hoặc uể oải bất thường
- Da không đàn hồi như bình thường (không đàn hồi khi bạn nhẹ nhàng véo và thả ra)
- Tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp
Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị tiêu chảy có nguy hiểm không?
Tình trạng tiêu chảy khiến cơ thể mất quá nhiều nước và chất khoáng gọi là chất điện giải. Do đó, khi trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị tiêu chảy, trẻ cũng có thể bị mất nước. Đặc biệt cần lưu ý rằng trẻ sơ sinh có thể bị mất nước rất nhanh, chỉ trong vòng một hoặc hai ngày sau khi bắt đầu bị tiêu chảy. Tình trạng này có thể rất nguy hiểm nếu không bổ sung nước kịp thời cho trẻ.
Ngoài ra, việc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm hay nhiễm khuẩn có thể khiến trẻ bị sốt, co giật, mệt mỏi,… làm trẻ bỏ bú và dễ mất sức hơn. Vì vậy, khi trẻ có những dấu hiệu bị tiêu chảy, nên có cách điều trị và xử lý kịp thời để tránh nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Cách xử trí khi trẻ bị tiêu chảy
Với trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị tiêu chảy thì cần chăm sóc như thế nào? Đầu tiên, cần lưu ý hãy chắc chắn rằng trẻ vẫn được bú sữa để không bị mất nước. Bạn có thể tiếp tục cho con bú sữa mẹ như bình thường. Việc nuôi con bằng sữa mẹ giúp ngăn ngừa tiêu chảy và con bạn sẽ hồi phục nhanh hơn.
Nếu bạn đang cho trẻ dùng sữa công thức, hãy kiểm tra lại chất lượng sữa và cân nhắc việc thay đổi một loại sữa thích hợp hơn cho con nhưng tuyệt đối không được để trẻ ngừng bú. Vẫn pha sữa công thức và cho trẻ bú bình như bình thường. Đặc biệt, cần lưu ý trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị tiêu chảy có thể bị nôn trớ. Do đó, mỗi lần chỉ cho bé bú một ít sữa (khoảng 3-5ml) và cho bé bú liên tục sau 10 đến 15 phút.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị tiêu chảy cũng có thể bị hăm tã. Để ngăn ngừa hăm tã, cần lưu ý:
- Thay tã cho bé thường xuyên.
- Vệ sinh vùng kín của trẻ sơ sinh bằng nước sạch và khăn vải mềm.
- Để mông bé khô thoáng.
- Dùng kem trị hăm.
Quan sát những biểu hiện của trẻ và kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện nếu có các dấu hiệu bất thường.
Khi nào cần phải đi khám bác sĩ?
Nếu trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị tiêu chảy kèm theo những dấu hiệu dưới đây, nên chủ động đưa trẻ đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt:
- Trẻ có biểu hiện quấy khóc nhiều
- Trẻ tiêu chảy quá 3 ngày
- Trẻ nôn ói nhiều
- Trẻ có các triệu chứng mất nước
- Tiêu chảy kèm sốt cao liên tục trên 38,5 độ C.
- Tiêu đàm máu
Tùy theo nguyên nhân gây tiêu chảy là gì mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp nhất với trẻ.
Phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi
Để tránh tình trạng trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi bị tiêu chảy, cần lưu ý:
- Cố gắng cho trẻ bú sữa mẹ đến 18 – 24 tháng tuổi.
- Nếu trẻ bú sữa công thức, chú ý vệ sinh tay trước khi pha sữa cho trẻ. Sử dụng nguồn nước sạch để vệ sinh bình sữa, núm vú và pha sữa.
- Khi pha sữa công thức, chú ý nhiệt độ nước phù hợp với khuyến cáo trên nhãn hộp sữa.
Trong hành trình nuôi con khôn lớn, những ngày đầu tiên luôn là những ngày bố mẹ lo lắng nhất khi thấy con có bất kỳ điều gì khác lạ. Vì thế, Tạp chí Mẹ và Con hy vọng với những giải đáp về tình trạng trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị tiêu chảy phía trên, bạn sẽ bình tĩnh và biết cách xử lý khi bé yêu gặp vấn đề tương tự. Đừng quên theo dõi Mẹ và Con để đón đọc những thông tin bổ ích bạn nhé!