Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ còn yếu nên việc bé bị ho sổ mũi diễn ra rất thường xuyên. Ho, sổ mũi là những triệu chứng thường gặp ở trẻ sơ sinh khi bị cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng hay viêm phế quản.
Tuy nhiên, có những trường hợp trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi nhưng không sốt và dễ khiến nhiều phụ huynh bối rối. Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là gì và cách xử lý ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi nhưng không sốt
Bé bị ho sổ mũi là do có kích thích hoặc nhiễm trùng niêm mạc đường hô hấp trên. Nguyên nhân cụ thể khiến trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi nhưng không sốt phổ biến gồm:
- Dị ứng: Trẻ sơ sinh có thể bị dị ứng với các tác nhân trong không khí: Khói thuốc, bụi, phấn hoa, lông thú… Khi các tác nhân này đi vào hệ hô hấp trẻ sẽ bị kích thích gây nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi trong suốt. Kèm theo ho do niêm mạc mũi và họng bị viêm nhẹ. Dị ứng thường không khiến trẻ phát sốt.
- Cảm lạnh: Cảm lạnh là bệnh do virus. Bệnh thường lây do tiếp xúc người bệnh hoặc các vật dụng có virus, virus cũng có thể tồn tại một thời gian khá dài trong môi trường. Trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao vì hệ thống miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Triệu chứng phổ biến của cảm cúm là trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi nhưng không sốt. Ngoài ra trẻ có vẻ chán ăn, khó ngủ và hay quấy khóc vì khó chịu. Một số trường hợp thì bé có sốt.
- Viêm mũi: Viêm mũi là tình trạng viêm nhiễm ở niêm mạc mũi do virus hay vi khuẩn gây ra. Trẻ sơ sinh bị viêm mũi có thể có các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mũi đặc và có màu vàng hoặc xanh lá cây, ho do dịch mũi chảy xuống họng. Nếu tình trạng viêm còn nhẹ thì trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi nhưng không sốt.
Trẻ sơ sinh ho sổ mũi nhưng không sốt có nguy hiểm không?
Tùy vào nguyên nhân gây ho sổ mũi mà trẻ có thể mắc thêm các triệu chứng khác và mức độ nguy hiểm cũng khác. Thông thường, nếu trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi nhưng không sốt thì bệnh không nguy hiểm và có thể tự khỏi. Mẹ chú ý cho bé bú đủ, giữ không gian sạch sẽ để tránh nguy cơ bệnh. Ngoài ra, có thể kiểm tra xem trẻ có bị dị ứng với tác nhân nào không.
Tuy nhiên, cha mẹ không nên chủ quan mà cần theo dõi sát sao diễn tiến bệnh. Nếu tình trạng ho trở nặng kèm các triệu chứng như khó thở, ho ra đờm lẫn máu, hoặc trẻ sốt cao bất thường thì cần đưa bé đi khám ngay.
Cách xử lý khi trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi nhưng không sốt
Khi trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi nhưng không sốt, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau để giảm các triệu chứng và nhanh hồi phục:
Vệ sinh mũi cho trẻ
Đây là cách đơn giản nhưng hiệu quả để thông mũi cho trẻ, giúp loại bỏ dịch nhầy và vi khuẩn gây viêm nhiễm. Với trẻ sơ sinh thì dùng nước muối sinh lý NaCl 0,9% nhỏ giọt vào từng bên mũi để vệ sinh, 3-4 giọt mỗi bên. Lưu ý dùng bông hoặc khăn giấy thấm sạch nước mũi chảy ra ngoài. Có thể vệ sinh mũi cho bé đúng cách khoảng 3-4 lần trong ngày hoặc khi thấy trẻ nghẹt mũi nặng.
- Massage mũi và cho ngủ nghiêng ở tư thế đầu cao: Massage nhẹ nhàng dọc theo hai bên mũi có thể giúp thông khí và tác động làm loãng dịch nhầy. Khi bé ngủ nên để đầu của bé cao hơn cơ thể. Tư thế ngủ này giúp tránh dịch mũi chảy xuống họng và gây ho.
- Thoa dầu giữ ấm vào lòng bàn chân: Đây là mẹo dân gian được nhiều người áp dụng khi trẻ bị ho sổ mũi nhưng không sốt. Thoa một ít dầu vào lòng bàn chân rồi mang tất cho bé. Cách này có thể giúp giảm ho và kích thích tuần hoàn máu. Lưu ý không thoa quá nhiều dầu vì có thể làm bỏng da bé.
- Xông mũi: Cho trẻ sơ sinh bị sổ mũi nhưng không sốt hít hơi nước ấm sẽ giúp bé thông mũi. Vì bé còn nhỏ nên chỉ cần đun nước nóng vừa đủ, cảm thấy nước bốc hơi lên là được, không cần để sôi. Lúc này, hơ mũi bé trong 2-3 phút trên làn nước để giúp thông khí, loãng đờm. Cẩn thận tránh để nước bắn vào người bé.
- Tránh tiếp xúc với dị nguyên: Cha mẹ nên giữ cho không khí trong nhà luôn trong lành và thoáng mát. Tránh để trẻ tiếp xúc với các tác nhân có thể gây kích thích. Nếu trẻ bú mẹ, bạn cũng cần kiểm tra xem bé có dị ứng thực phẩm mẹ ăn hay không.
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Nếu trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi do nhiễm trùng đường hô hấp, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được tư vấn và kê đơn thuốc phù hợp. Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc hoặc siro không rõ nguồn gốc và không phù hợp với độ tuổi của trẻ. Ngoài ra, cũng không nên sử dụng quá nhiều thuốc xịt mũi. Vì có thể gây tác dụng phụ như làm khô niêm mạc mũi hay khiến cơ thể “nghiện”, không có thuốc thì không thể tự làm sạch dịch nhầy.
Cách phòng ngừa ho sổ mũi ở trẻ sơ sinh
Để giảm nguy cơ trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi nhưng không sốt, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp phòng ngừa sau:
- Giữ ấm cho bé, tránh tắm trẻ sơ sinh quá thường xuyên hay trong thời gian dài.
- Tránh để bé tiếp xúc với người bệnh hoặc đến các nơi đang có dịch bệnh.
- Luôn vệ sinh cho bé sạch sẽ, cha mẹ hay người chăm sóc cũng phải rửa sạch tay khi tiếp xúc với bé.
- Đảm bảo thực hiện theo lịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ.
Nhìn chung, trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi nhưng không sốt không phải tình trạng nguy hiểm tức thời. Chỉ cần theo dõi hỗ trợ bé giảm triệu chứng bệnh. Nếu có dấu hiệu trở nặng thì bạn cần đưa bé đi khám sớm.