Mẹ và Con - Đừng vì nỗi lo lắng về Covid-19 mà tin theo những cách điều trị không theo khoa học, không được kiểm chứng và công nhận như xông mũi bằng dầu gió hay các loại nước lá để tránh các hậu quả có thể xảy ra bạn nhé!

Hiện nay, trên Internet đang lan truyền các “bài thuốc” chữa Covid-19, trong đó có các thông tin như người dương tính với SARS-COV2 cần xông mũi bằng dầu gió, dầu xanh hay nước lá thì sẽ mau khỏi bệnh hơn. Liệu đây có phải là một cách chữa Covid-19 hiệu quả?

Cơ chế hoạt động của corona virus?

Để biết được tính hiệu quả của các bài thuốc xông mũi bằng dầu gió, nước lá,… cần hiểu được Covid-19 tồn tại và hoạt động trong cơ thể người như thế nào.

Theo các chuyên gia, virus corona không nằm bên ngoài tế bào của chúng ta mà tấn công trực diện vào tế bào niêm mạc đường hô hấp. Như vậy, tế bào của người dương tính với Covid-19 sẽ sản sinh ra nhiều virus mới, thông qua khoảng kẽ ở tế bào để xâm nhiễm qua các tế bào lân cận khác.

mắc covid

Xông mũi bằng dầu gió, nước lá có thể diệt được Covid-19?

Nhiều người vẫn tin rằng, việc xông mũi bằng dầu gió, nước lá có thể khiến virus “tiêu tan”. Tuy nhiên, với cơ chế hoạt động của virus, việc xông nóng sẽ không diệt được chúng bởi chúng ta chỉ đang tác động ở bên ngoài lớp niêm mạc trong khi virus đang ở bên trong các tế bào của chúng ta.

Việc áp dụng các hình thức xông mũi bằng dầu gió hay nước lá chỉ giúp bạn cảm thấy đỡ khô họng, nghẹt mũi, loãng đàm. Như vậy, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.

Ngoài ra, nhiều người cho rằng việc khò nước muối hay uống nước chanh sả gừng cũng có tác dụng diệt virus corona. Tuy nhiên, trên thực tế, khò nước muối chỉ giúp sạch họng, từ đó giảm tình trạng bội nhiễm vi trùng. Còn việc uống nước chanh sả gừng chỉ giúp bạn làm ấm bụng chứ không có tác dụng diệt virus như bạn vẫn nghĩ.

Cần làm gì khi bị mắc COVID-19 và tự theo dõi tại nhà?

Nếu không thể xông mũi bằng dầu gió hay nước lá để diệt virus, những bệnh nhân có kết quả dương tính với Covid-19 và được chỉ định theo dõi tại nhà cần phải làm gì?

Nếu đã có kết quả chính xác, bạn nên thực hiện các bước sau để bảo vệ sức khỏe bản thân và những thành viên khác trong gia đình:

Ở phòng riêng, hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh

Nếu được chỉ định cách ly tại nhà, bạn nên ở phòng riêng, không tiếp xúc với tất cả những người khác trong gia đình. Nếu bạn cần người chăm sóc, cần lưu ý cả bệnh nhân và người chăm sóc đều phải đeo khẩu trang và kính chống giọt bắn khi tiếp xúc với nhau. Sau khi tiếp xúc, người chăm bệnh phải rửa tay, khử khuẩn sạch sẽ.

Trong thời gian tự cách ly tại nhà, bệnh nhân nên sử dụng đồ đạc riêng, đặc biệt là đối với các vật dụng cá nhân như khăn lau mặt, quần áo,… Tốt nhất nên dùng nhà vệ sinh và nhà tắm riêng biệt. Trong trường hợp sử dụng chung, cần lau dùi, dọn rửa sạch sẽ.

covid-19

Tự theo dõi các triệu chứng của bản thân

Thay vì lo lắng tìm cách trị Covid-19 tại nhà như xông mũi bằng dầu gió, nước lá hay uống nước chanh sả gừng, bạn nên theo dõi sức khỏe tại nhà để có thể kịp thời thông báo đến cơ quan y tế nếu có các dấu hiệu trở nặng.

Thông thường, trong những ngày đầu tiên các triệu chứng sẽ nhẹ hơn, người bệnh vẫn cảm thấy bình thường, khỏe khoắn. Tuy nhiên, không nên chủ quan mà cần tiếp tục theo dõi các triệu chứng tại nhà để kịp thời thông báo với cơ quan y tế khi có các dấu hiệu chuyển nặng:

  • Cơ thể có sốt trên 38,5 độ C hay không? Nếu có, bạn có thể sử dụng thuốc hạ sốt (Paracetamol) theo liều lượng hướng dẫn (không quá 4 lần/ngày, mỗi lần uống cách nhau 4-6 tiếng). Với người bị viêm gan hoặc mẫn cảm với Paracetamol thì không nên dùng mà có thể tham khảo ý kiến của cơ quan y tế để sử dụng thuốc thay thế.
  • Do độ bão hòa oxy: Cần liên hệ cơ sở y tế nếu độ bão hòa oxy dưới 94%
  • Tự đặt tay lên ngực và thở nhẹ nhàng, đều đặn để đo nhịp thở bản thân. Hãy đếm số lần lồng ngực nhô lên trong 1 phút xem nhịp thở có vượt quá 24 lần/phút hay không
  • Ngoài ra, nếu có các triệu chứng sau đây chứng tỏ bệnh đang diễn biến nặng, cần thông báo cơ quan y tế để được kịp thời điều trị: đau ngực, thắt ngực, khó thở, môi nhợt nhạt, da tái xanh, đầu ngón tay/chân bị lạnh, không thể tự ăn uống hoặc đi lại, lẫn lộn thời gian, nói trước quên sau, nói không đầy đủ câu,…

Sinh hoạt lành mạnh

Cố gắng có thói quen sinh hoạt lành mạnh có thể giúp bệnh nhân mau khỏe hơn:

  • Nên ăn uống đủ chất, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và bổ sung thêm vitamin bằng cách ăn rau xanh, trái cây để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
  • Uống nhiều nước, bổ sung thêm nước uống oresol để bù nước cho cơ thể.
  • Vận động, tập thể dục nhẹ nhàng. Bạn có thể tập yoga hoặc đơn giản là đứng lên đi lại vòng quanh phòng, tránh nằm một chỗ quá nhiều khiến cơ thể thêm mệt mỏi, suy nhược.
  • Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, tích cực. Bạn nên tìm các hoạt động thư giãn, giải trí như xem phim, đọc sách, nghe nhạc,… để giữ cho mình luôn vui vẻ. Hạn chế theo dõi quá nhiều tin tực về dịch bệnh khiến bạn suy nghĩ nhiều, căng thẳng, áp lực dẫn đến bệnh nặng hơn.
  • Nên ngủ đủ giấc, ngủ sớm, không thức quá khuya để tránh cơ thể mệt mỏi, suy nhược. Có thể nằm nghiêng hoặc nằm sấp khi ngủ để cảm thấy dễ chịu hơn.

tập yoga

Covid-19 đã mang đến cho chúng ta một nỗi hoang mang, lo sợ đến tột đỉnh. Tuy nhiên, đừng vì vậy mà bất chấp tin theo những cách điều trị Covid-19 chưa được kiểm chứng và công nhận như xông mũi bằng dầu gió, nước lá, uống chanh sả gừng,… Thay vào đó, hãy duy trì lối sống lành mạnh để cùng vượt qua đại dịch bạn nhé!

Bài viết liên quan