Khi bé đến tuổi phải biết nói, biết đi mà vẫn chưa thể thực hiện những khả năng trên thì thật lo lắng đúng không nào? Có nhiều bé đã ba, bốn tuổi nhưng chỉ có thể bập bẹ vài từ đơn giản mà vẫn chưa thể nói một câu dài hoàn chỉnh, thì đây là một dấu hiệu của trẻ chậm nói mà bố mẹ cần đặc biệt quan tâm. Để giúp trẻ chậm nói, bạn cần làm những gì? Bài viết dưới đây của Tạp chí Mẹ và Con sẽ dành những lời khuyên hữu ích cũng như mách nhỏ cách giúp trẻ chậm nói nhanh chóng bi bô. Các bậc phụ huynh có con gặp tình trạng này, cùng tìm hiểu ngay nhé!
Nếu không phát hiện sớm, trẻ chậm nói sẽ có hậu quả như thế nào?
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu ở độ tuổi từ 2 – 4 tuổi mà trẻ vẫn không có khả năng nói thì trong tương lai, chúng có thể sẽ phát triển theo hai hướng sau:
Khoảng 20–30% trẻ sẽ hoàn toàn không thể khắc phục chứng chậm phát triển ngôn ngữ của mình. Những bé này sẽ gặp khó khăn khi lớn hơn, chúng không thể giao tiếp một cách rành rọt và khó tiếp xúc với bạn bè, những đứa trẻ cùng tuổi. Vì vậy, những bé chậm nói cần được can thiệp sớm để con cải thiện, khả năng ngôn ngữ và kỹ năng nói, đọc và viết.
Còn lại, khoảng 70–80% trẻ chậm nói sẽ có thể bắt kịp các bạn cùng trang lứa vào thời điểm con bắt đầu đi học. Bé sẽ cải thiện kỹ năng nói và phát âm của mình nhờ môi trường học và tiếp xúc với bè bạn cũng như nhờ sự hướng dẫn của giáo viên. Tuy vậy, bạn cũng nên chuẩn bị tâm lý rằng, trẻ chậm nói sẽ có khả năng thấp hơn khi thực hiện những bài kiểm tra chung.
Những hạn chế ở trẻ chậm nói
Trẻ chậm nói sẽ gặp một số vấn đề ngôn ngữ như đọc viết. Trẻ sẽ khó am hiểu từ vựng, ngữ pháp và khó phát âm theo những quy tắc chung. Điều đáng nói là những hạn chế này có thể kéo dài cho đến khi trẻ bước qua khỏi tuổi vị thành niên.
Vì những khó khăn về ngôn ngữ mà trẻ gặp phải, kỹ năng xã hội như giao tiếp, tổ chức, tham gia vào đội nhóm của con cũng không được thuận lợi. Các nhà nghiên cứu đã cho những đứa trẻ từ 3 đến 5 tuổi mắc chứng chậm nói làm một vài bài kiểm tra khả năng nghe – hiểu của chúng. Kết quả là họ nhận thấy rằng, não của trẻ chậm nói không thể xử lý thông tin mà chúng nghe được một cách dễ dàng như những đứa trẻ khác. Chứng chậm nói có thể cản trở sự phát triển ngôn ngữ và khả năng đọc viết của các con chúng ta sau này.
Bố mẹ có thể làm gì để giúp trẻ chậm nói?
Chúng ta cần phải giúp con khắc phục tình trạng này càng sớm càng tốt. Sự can thiệp sớm và kịp thời có thể giúp tình trạng của con được cải thiện đáng kể.
Trò chuyện khi ở cùng con
Nếu con bạn là trẻ chậm nói, bạn cần tích cực trò chuyện cùng con mọi lúc mọi nơi, để giác quan của trẻ luôn được hoạt động và làm trẻ tập trung hơn trong việc điều chỉnh phát âm và tập nói. Bé sẽ học được thêm nhiều vốn từ vựng khi nghe bạn nói. Hãy cố gắng sử dụng những từ ngữ dễ hiểu, những câu nói ngắn gọn và súc tích để trẻ kịp thời nắm bắt và bắt chước theo một cách từ từ.
Đặc biệt, bạn nên nói đi nói lại một số từ ngữ mà con bị ngọng khó phát âm hoặc chưa hiểu nghĩa một cách thường xuyên. Việc này không chỉ kích thích sự rèn luyện của con mà còn giúp tiềm thức của con thu nhận một cách tự nhiên. Ví dụ: nếu con bạn chưa biết nói hoặc chỉ nói được một từ một lần, bạn có thể dạy con bằng cách nói các ghép các từ đơn lẻ thành một cụm từ có nghĩa chẳng hạn như “Bóng. Ném. Ném bóng. Trái bóng”.
Ngoài ra, nếu con bạn chủ yếu có thể nói được những cụm từ ngắn gọn, thì bạn nên thường xuyên giao tiếp với con bằng những câu đơn và yêu cầu con tập trả lời lại bằng những câu từ có đầy đủ cấu trúc chủ vị. Bằng sự kiên nhẫn và nỗ lực bạn sẽ giúp bé dần dần cải thiện được những hạn chế của mình.
Nói kết hợp với ngôn ngữ cơ thể
Trong khi nói, bạn nên kết hợp với động tác diễn tả. Điều này sẽ giúp cho con tưởng tượng và cảm nhận tốt hơn. Vì bé chỉ gặp khó khăn về ngôn ngữ, nhưng không có trở ngại về mặt trí não và khả năng tư duy, tưởng tượng nên khả năng này có thể kết hợp hỗ trợ cho việc phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Thực tế, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, ngôn ngữ ký hiệu đóng vai trò như một công cụ tuyệt vời để khiến trẻ nói (hoặc nói nhiều hơn), đặc biệt là những đứa trẻ chậm nói. Một khi học được sức mạnh của giao tiếp thông qua ký hiệu, con sẽ cố gắng giao tiếp hơn, vì đối với con đó có thể là một cách vô cùng đơn giản mà hiệu quả để bày tỏ ý niệm, cảm xúc và mong muốn của mình.
Khuyến khích con kể về những hành động bé đang làm
Cách này rất giống với cách thứ nhất nhưng thay vì nói về những gì bạn đang làm, bạn sẽ nói về những gì con bạn đang làm. Bạn động viên và khuyến khích con trình bày, kể về hoạt động của mình. Trẻ sẽ chỉ tiến bộ hơn khi tích cực làm những chuỗi hành động nào đó một cách thường xuyên.
Con trẻ chậm nói là một trong những nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, nếu con bạn gặp phải tình trạng này, đùng vội thất vọng và nản chí. Hãy giữ vững tinh thần để cùng con vượt qua những khó khăn đầu đời. Có bạn, chắc chắn con sẽ làm được mà. Hãy vững tin như thế nhé!