Mẹ và Con - Dẫu biết rằng mỗi trẻ sơ sinh sẽ có tốc độ phát triển khác nhau. Thế nhưng khi đã đủ tháng, đủ ngày mà bé chậm biết đi thì phải làm sao? Bố mẹ cần phải có biện pháp gì? Mời bạn cùng tìm hiểu!

Trẻ sơ sinh có tốc độ phát triển nhanh chóng đặc biệt là trong những tháng đầu tiên. Các bé có thể thích nghi và bắt chước rất nhanh để học cách cầm bình sữa, học cách lật, cách bò và học cách đi một cách tự nhiên mà không cần đến trợ giúp từ bố mẹ. Thế nhưng khi đã đủ tháng, đủ ngày, nhất là trên 12 tháng tuổi mà bé chậm biết đi thì sao?

be tap di

Hẳn các bố mẹ có con chậm biết đi sẽ rất lo lắng về vấn đề này. Trong bài viết này, Tạp chí Mẹ và Con sẽ giúp bạn hóa giải nỗi lo đó với những thông tin liên quan hữu ích dưới đây nhé!

Quá trình tập đi ở trẻ

Bé sẽ có thể tập đi những bước đầu tiên khi cơ và xương đã phát triển hoàn thiện. Ở giai đoạn trẻ sơ sinh, các cơ và chân của trẻ không đủ khỏe để nâng đỡ trọng lượng cơ thể. Thông thường, trẻ sơ sinh bắt đầu tập bò hoặc trườn vào khoảng 7 tháng tuổi. Ở giai đoạn này, bé cũng bắt đầu có sự vận động bàn chân và bắp chân khi được giữ ở tư thế đứng. 

tre cham biet di

Khoảng 8 đến 9 tháng tuổi, một số em bé thậm chí còn nhấc chân lên xuống trong khi giữ chặt một đồ vật. Bé không chỉ học cách đứng lên một mình mà còn biết điều khiển đôi chân của mình và phối hợp chúng nhịp nhàng để không bị ngã. Đây là quá trình cần rất nhiều thời gian để bé biết đi.

Trẻ chậm biết đi do quá trình phát triển không giống nhau 

Trẻ sơ sinh có thể phát triển các cơ và xương chân ở các độ tuổi khác nhau, nên việc một số trẻ tập đi sớm hơn những trẻ khác là điều bình thường. Một số trẻ sơ sinh có những bước đi đầu tiên ngay từ tháng tuổi thứ 9 hay thứ 10. Trong khi đó, một số trẻ phải chờ đến sau 12 tháng tuổi mới đi chập chững. 

cham biet di

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá lo lắng mà hãy nhớ rằng, các bé có quá trình phát triển không giống nhau. Có thể bé này biết đi sớm nhưng lại không thể ăn được thức ăn cứng vì răng mọc chậm hoặc ngược lại. Vậy nên, khi đã được một tuổi mà con vẫn chưa thể tự bước đi, ba mẹ hãy kiên nhẫn cùng con tập luyện, vì thời gian dài nhất để bé đi được vững là khoảng 16 đến 17 tháng sau sinh.

Trẻ sinh non chậm biết đi hơn trẻ bình thường 

Một số trẻ sinh non bắt đầu biết đi muộn hơn so với những bé sinh đủ tháng. Nếu con bạn sinh non, đừng quá lo lắng về việc con chậm biết đi. 

Bạn nên sử dụng ngày dự sinh ban đầu của bé để tính đâu là thời gian chuẩn mà bé có thể biết đi, thay vì sử dụng ngày bé chào đời để tính cột mốc này. Ví dụ, nếu bạn có con 14 tháng nhưng bạn sinh sớm ba tháng. Trong trường hợp này, sự phát triển của bé chỉ được tính bằng với những bé được 11 tháng tuổi và bé có thể mất thêm 2-3 tháng để học cách giữ thăng bằng và đi lại một cách bình thường. 

Phân biệt chậm biết đi và suy giảm chức năng vận động 

Để xác định xem việc bé chậm biết đi có thật sự là dấu hiệu của việc phát triển bất thường hay không, các mẹ hãy lưu ý cẩn thận những kỹ dấu hiệu của bé. 

Ví dụ, em bé của bạn chưa thể đi lúc 14 tháng, nhưng bé vẫn có thể thực hiện các kỹ năng vận động khác mà không có vấn đề gì như bò, đứng một mình, cầm nắm đồ đạc. Những biểu hiện này chứng tỏ, bé vẫn vận động tốt nhưng hơi chậm biết đi một chút. Bé sẽ từ từ có những bước đi đầu đời trong thời gian tiếp theo. Tuy nhiên, nếu bé không bước đi trong giới hạn cho phép, cũng không thể có những kỹ năng vận động cơ bản như lẫy, trườn, bò, ngồi… bạn nên cân nhắc đến nguy cơ con bị suy giảm chức năng vận động nhé.   

Cách giúp bé chậm biết đi tập đi

Trẻ chậm biết đi rất cần sự giúp đỡ và luyện tập dưới sự hỗ trợ, quan sát của các bậc phụ huynh. Để giúp trẻ sơ sinh bước đi những bước đầu tiên, bố mẹ và người chăm sóc có thể nắm tay trẻ khi trẻ ở tư thế đứng. Chúng ta bắt đầu bước từng bước ngắn để trẻ có thể bước đi. Bài tập này dạy bé cách nhấc chân và di chuyển. Nó cũng giúp trẻ phát triển cơ chân khỏe hơn và cải thiện khả năng giữ thăng bằng. 

be cham biet di

Ngoài ra, sử dụng xe tập đi thường được sử dụng như một công cụ hỗ trợ cho các bé chậm biết đi, nhưng đây không phải là sự lựa chọn an toàn. Bạn có thể cân nhắc sử dụng xe tập đi với điều kiện phải luôn giám sát bé để đảm bảo bé không bị lật ngửa ra phía sau hay bị bất cứ chấn thương nào trong quá trình sử dụng xe tập đi.

Một số bố mẹ cũng nghĩ rằng việc xỏ giày vào chân con có thể giúp con học đi mau chóng hơn.  Sự thật là những đôi giày thường khiến các bé khó khăn hơn trong những bước đi đầu tiên. Giày được khuyến khích sử dụng khi bé đi bộ ngoài trời. Đôi chân trần sẽ là cách hữu hiệu để những bé chậm biết đi có thể tập đi tốt nhất.

Khi bạn giúp bé tập đi, bạn nên đặt những tấm thảm có độ bám tốt thay vì những vật liệu dễ gây trơn trượt cho bé và loại bỏ bàn hoặc kệ có cạnh sắc để ngăn chặn sự va chạm, ảnh hưởng đến sự an toàn của con.  

Bé chậm biết đi không phải lúc nào cũng là bệnh lý, mà có thể do những đặc điểm phát triển của riêng bé. Vì thế, Mẹ và Con khuyên bạn không nên quá lo lắng mà hãy chú ý, chăm sóc con nhiều hơn nhé. Chúc bé của bạn vui khỏe! 

Bài viết liên quan