Trong những năm tháng đầu đời, bên cạnh việc mọc những chiếc răng đầu tiên, tập ăn dặm, bi bô gọi mẹ thì bé yêu sẽ làm quen với việc đứng dậy và tập đi. Thông thường, bé sẽ bắt đầu tập đi khi được 12-15 tháng tuổi. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng đạt được tốc độ phát triển này.
Một số trẻ chậm biết đi hơn so với bạn bè có thể khiến bố mẹ cảm thấy lo lắng không biết phải xử trí như thế nào cho đúng và đây là lời khuyên từ Mẹ và Con.
4 giai đoạn tập đi của trẻ
Để trẻ biết đi sẽ bao gồm các điều kiện như hệ thống thần kinh, cơ bắp phát triển bình thường và khung xương cứng cáp. Tùy theo thể trạng từng bé, trẻ có thể tập đi trong giai đoạn từ 10-18 tháng tuổi.
Có thể chia sự phát triển của trẻ trong việc tập đi thành 4 giai đoạn nhỏ, bao gồm:
- Trẻ được 6 tháng: Lúc này, trẻ chưa tập đi mà chỉ bắt đầu học cách đứng và đặt trọng tâm của cơ thể lên chân.
- Trẻ từ 9-12 tháng: Sau khi làm quen với việc đứng, trẻ sẽ bắt đầu học cách tự nâng phần thân trên lên để tự đứng dậy 1 mình. Mẹ sẽ thấy con yêu tập vịn vào một vật nào đó để đứng dậy và bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên.
- Trẻ từ 13-17 tháng: Ở giai đoạn thứ 3, trẻ sẽ bắt đầu học cách tự đứng lên và bước đi khi ngã.
- Trẻ từ 18 tháng trở lên: Trẻ có thể tự đi mà không cần vịn vào đồ đạc hay có sự trợ giúp từ người lớn. Lúc này, trẻ cũng có thể đi được những đoạn xa hơn.
Như thế nào được xem là trẻ chậm biết đi?
Thông thường, trẻ chậm biết đi là trẻ sau 18 tháng tuổi nhưng vẫn chưa thể tự bước đi một cách ổn định và không cần vịn vào đồ vật hay có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ người lớn. Tình trạng này có thể khiến bố mẹ lo lắng đối với sự phát triển của con.
Để có thể dạy trẻ chậm biết đi hoạt động bình thường, trước tiên cần đánh giá nguyên nhân vì sao trẻ chậm biết đi hơn so với tốc độ phát triển trung bình của trẻ sơ sinh trong những năm tháng đầu đời.
Dấu hiệu cảnh báo trẻ chậm biết đi
Khi quan sát tốc độ phát triển của trẻ, bố mẹ có thể dựa trên một số dấu hiệu cảnh báo trẻ chậm biết đi sau đây để có thể sớm can thiệp:
- Trẻ biết lẫy, bò hoặc ngồi chậm hơn thang đo phát triển vận động thông thường
- Trẻ từ 5 tháng tuổi vẫn không thể nâng đầu tạo góc 45 độ so với mặt giường
- Trẻ từ 7 tháng tuổi chưa thể duỗi tay ra phía trước với lấy đồ vật
- Trẻ từ 13 tháng tuổi vẫn chưa thể tự đứng lên
Nguyên nhân trẻ chậm biết đi
Một số nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến tốc độ tập đi của trẻ có thể kể đến như:
Sinh non
Tình trạng trẻ chậm biết đi có thể là do trẻ sinh non, ra đời trước khi hoàn tất quá trình lớn lên trong bào thai. Lúc này, các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là hệ vận động chưa được phát triển toàn diện khiến trẻ khó tập đi hơn so với trẻ sinh đủ tháng.
Hơn nữa, khi sinh non, cơ thể của trẻ cũng yếu ớt hơn, khiến trẻ khó có thể trụ vững và tập đi. Tình trạng trẻ chậm biết đi còn phụ thuộc vào số tháng của thai nhi nằm trong tử cung của mẹ trước khi chào đời.
Yếu tố tâm lý
Trẻ chậm biết đi có thể không phải do bất kỳ một vấn đề về sức khỏe nào mà chỉ do một số yếu tố tác động đến tâm lý của trẻ, chẳng hạn như trẻ bị ngã trong những lần tập đi đầu tiên dẫn đến nhút nhát, sợ đau,… Lúc này, bố mẹ không cần phải quá lo lắng mà có thể ở bên cạnh, an ủi động viên trẻ vượt qua nỗi sợ để có thể tập đi và phát triển như bình thường.
Yếu tố di truyền
Nếu trẻ chậm biết đi so với bạn bè đồng trang lứa thì điều này có thể xuất phát do yếu tố di truyền. Nếu bố hoặc mẹ hoặc cả hai từng chậm biết đi thì trẻ cũng sẽ có nguy cơ biết đi chậm hơn.
Tính cách của bé
Tính cách cũng là một yếu tố ảnh hưởng, tác động đến toàn bộ quá trình tập đi của trẻ. Theo đó, trẻ có tính cách hiếu động thường sẽ dễ biết đi và biết đi nhanh hơn so với trẻ trầm tính.
Yếu tố bệnh lý
Ngoài những yếu tố kể trên, không thể loại trừ việc trẻ chậm biết đi là do bị ảnh hưởng của các yếu tố bệnh lý. Một số loại bệnh sẽ làm giảm khả năng vận động của trẻ, có thể kể đến như:
- Bại não: Trẻ bại não sẽ gặp khó khăn trong các tư thế ngồi, đứng cũng như việc vận động, sinh hoạt hằng ngày.
- Các bệnh về cơ: Các bệnh như teo cơ, loạn dưỡng cơ, viêm cơ, bệnh cơ bẩm sinh… có thể khiến trẻ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tập đứng vững và tập đi.
- Các hội chứng và bệnh mãn tính: Hội chứng Down, Hội chứng Prader-Willi, Hội chứng Williams… không chỉ khiến trẻ suy giảm khả năng ngôn ngữ, nhận thức mà còn có thể khiến trẻ chậm biết đi so với bình thường.
Các vấn đề thể chất khác
Nguyên nhân trẻ chậm biết đi có thể xuất phát từ các vấn đề thể chất, chẳng hạn như trẻ bị viêm màng não, bệnh tim bẩm sinh, trẻ từng bị chấn thương ở đầu, trẻ suy dinh dưỡng,…
Ngoài ra, trước khi sinh hoặc trong thai kỳ, mẹ mắc bệnh nhiễm trùng hoặc nhiễm độc tố cũng có thể gây ảnh hưởng đến tốc độ phát triển và khả năng vận động của trẻ.
Trẻ chậm biết đi có đáng lo ngại?
Việc trẻ chậm tập đi và biết đi hơn so với bạn bè luôn là nỗi lo của bố mẹ khi chăm sóc con. Tuy nhiên, việc bé yêu có cột mốc phát triển chậm hơn bình thường cũng không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng vì tốc độ phát triển cơ bắp chân của từng trẻ sẽ khác nhau dẫn đến trẻ biết đi sớm hoặc muộn.
Nếu trẻ chậm biết đi, bố mẹ cần quan sát tổng thể sự phát triển của con. Nếu con vẫn có thể vận động, sinh hoạt bình thường (có kỹ năng ngôn ngữ và nhận thức, có thể cầm nắm đồ vật khéo léo, có thể vịn đồ vật để đứng lên,…) thì bố mẹ có thể an tâm rằng trẻ vẫn đang phát triển bình thường.
Tuy nhiên, trong trường hợp nếu trẻ đã được 12 tháng nhưng vẫn chưa thể đứng lên (kể cả khi vịn vào đồ vật hoặc được người lớn hỗ trợ) và 18 tháng chưa thể bước đi thì có thể do các vấn đề về bệnh lý. Lúc này, bố mẹ nên chủ động đưa trẻ đến các cơ sở y tế để bác sĩ có thể thăm khám và chẩn đoán chính xác hơn về tình trạng của con.
Làm gì khi trẻ chậm biết đi?
Nếu phát hiện trẻ chậm biết đi, bên cạnh việc để bác sĩ thăm khám tình hình sức khỏe của trẻ, bố mẹ cũng có thể can thiệp bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, sử dụng thêm các loại thuốc hỗ trợ để bổ sung các vi chất và muối khoáng…
Ngoài ra, có thể một số cách dạy trẻ chậm biết đi do thiếu sự vận động như:
- Nắn tay, chân cho trẻ: Việc nắn chân, tay thường xuyên sẽ giúp tăng lưu lượng máu lưu thông, tuần hoàn đến các cơ. Hơn nữa, phương pháp này còn làm tăng khả năng phản xạ của gân xương giúp trẻ dễ tập đi hơn.
- Kích thích trẻ vận động: Bố mẹ có thể để đồ chơi xa tầm với của con để trẻ phải với, trườn, bò, từ đó giúp con vận động nhiều hơn.
- Tạo không gian trẻ tập đi: Nên tạo không gian rộng rãi và an toàn để trẻ có thể tập đi những bước chân đầu tiên
- Cổ vũ tinh thần của trẻ: Nếu trẻ chậm biết đi do yếu tố tâm lý, bố mẹ nên cổ vũ, khuyến khích trẻ, đồng thời cho trẻ thấy bố mẹ luôn ở bên con để tạo cảm giác an toàn cho trẻ
- Để trẻ ở gần bạn bè cùng trang lứa: Thấy bạn bè vận động cũng có thể kích thích tâm lý của trẻ, khiến con muốn được như bạn bè của mình và mạnh dạn hơn trong việc tập đi
Nếu trẻ chậm biết đi, bố mẹ cũng không nên quá lo lắng mà thay vào đó hãy luôn ở bên cạnh con và giúp con có thể phát triển bình thường bố mẹ nhé! Hy vọng những chia sẻ phía trên sẽ giúp bố mẹ có thêm nhiều kiến thức bổ ích đối với hành trang nuôi dạy con của mình.