Theo thống kê, một đứa trẻ khỏe mạnh có thể mắc tới 12 loại bệnh do vi rút mỗi năm trong những năm đầu đời. Trẻ bị sốt siêu vi nhiều lần trong một năm là chuyện bình thường. Nhưng điều này không có nghĩa là bố mẹ bỏ bê việc chăm sóc trẻ.
Chăm sóc trẻ đúng cách sẽ giúp trẻ bị sốt siêu vi nhanh hồi phục hơn, đỡ mệt mỏi hơn trong quá trình hành sốt cũng như hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra. Vì thế, hãy cùng xem đâu là dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốt siêu vi cũng như cách xử lý khi trẻ bị sốt bạn nhé!
Sốt siêu vi là gì ? Vì sao trẻ bị sốt siêu vi ?
Nguyên nhân trẻ bị sốt siêu vi
Sốt siêu vi còn được gọi là sốt virus, do cơn sốt xuất phát từ tình trạng nhiễm các siêu vi trùng
(virus) gây nên. Trẻ có thể nhiễm nhiều loại virus khác nhau dẫn đến tình trạng vừa hết sốt siêu vi lại tiếp tục nhiễm bệnh do mắc một chủng virus khác.
Những loại virus phổ biến thường dẫn đến sốt siêu vi ở trẻ bao gồm virus cúm, Rhinovirus, Coronavirus, Adenovirus, virus cúm, Enterovirus,…
Trẻ thường dễ bị sốt siêu vi trong giai đoạn giao mùa. Lúc này, thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại. Sự thay đổi đột ngột tạo điều kiện cho virus phát triển, kèm theo đó là sự suy giảm sức đề kháng ở trẻ khiến trẻ bị sốt siêu vi.
>> Xem thêm: Cách tăng cường sức đề kháng
Trẻ bị sốt siêu vi kéo dài bao lâu?
Tình trạng trẻ bị sốt siêu vi mấy ngày hết? Thông thường, sốt siêu vi ở trẻ thường diễn ra trong khoảng 7-10 ngày và nếu điều trị tích cực thì trẻ sẽ có thể phục hồi nhanh. Ngược lại, chậm điều trị, điều trị sai cách thì bệnh có thể diễn biến theo chiều hướng xấu, gây ra biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ.
Dấu hiệu bị sốt siêu vi ở trẻ em
Làm sao để biết trẻ bị sốt siêu vi? Theo đó, bạn có thể dựa theo những biểu hiện của trẻ để nhận biết chính xác tình trạng sức khỏe của con.
Trẻ bị sốt siêu vi thường có những dấu hiệu như:
- Mệt mỏi
- Đau nhức mình mẩy, đau khớp, đau cơ
- Có thể sốt vừa hoặc sốt cao liên tục; nhiều trường hợp sốt lên đến 40 độ C
- Chảy nước mắt, nước mũi
- Hắt hơi
- Họng đỏ, khô rát
- Nổi ban da
- Sưng ở khu vực cổ
- Quấy khóc, chán ăn
- Phát ban
- Rối loạn đường tiêu hóa, tiêu lỏng, không có máu hoặc chất nhầy
- Nôn ói
- Viêm hạch, sưng hạch nhỏ ở vùng đầu, mặt, cổ sau tai, gáy, thường kích thước nhỏ, không đau
Đây là những triệu chứng ở giai đoạn đầu khi trẻ bị sốt siêu vi. Các triệu chứng này thường khá giống với các bệnh lý thông thường nên dễ bị nhầm lẫn dẫn đến việc không kịp thời phát hiện và điều trị.
Lúc này, khi bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát thì ngoài sốt cao, trẻ còn có thể bị co giật, hôn mê, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện sau đây thì không được chần chừ mà phải lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sĩ sớm chẩn đoán can thiệp:
- Trẻ sốt cao liên tục trên 2 ngày
- Toàn thân phát ban
- Lạnh chân tay, run rẩy bất thường dù được giữ ấm
- Nôn ói, đau bụng
- Đi ngoài ra máu, phân đen
- Giật mình hoảng hốt
Cách chăm sóc khi trẻ bị sốt siêu vi
Chỉ cần chăm sóc trẻ bị sốt siêu vi đúng cách thì bệnh sẽ mau chóng thuyên giảm, giúp trẻ phục hồi nhanh, không còn cảm giác khó chịu. Vậy, nếu trẻ bị sốt siêu vi, cần chăm sóc như thế nào?
Theo thông tin cập nhật từ Bộ Y tế, cách chăm sóc trẻ bị sốt siêu vụ như sau:
- Cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát để cơ thể tỏa nhiệt, hạ sốt.
- Không đắp quá nhiều chăn mền hay cho trẻ bị sốt siêu vi mặc quá nhiều quần áo.
- Nếu trẻ sốt trên 38 độ C, có thể cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt. Thuốc hạ sốt thường dùng ở trẻ em là Acetaminophen (Paracetamol), cho trẻ uống theo liều 10-15 mg/kg/lần, ngày uống 4 lần. Thuốc sẽ có tác dụng trong vòng 30 phút sau khi uống và hiệu quả được kéo dài từ 4-6 giờ sau khi trẻ dùng thuốc.
- Dùng nước ấm để lau mát cho trẻ, giúp mạch máu dưới da giãn nở tốt hơn, thải nhiệt và hỗ trợ trẻ hạ sốt. Cách này áp dụng với trẻ từ 6 tháng – 5 tuổi. Trẻ sơ sinh không được lau mát vì dễ dẫn đến mất nhiệt, hạ thân nhiệt. Dừng lau khi nhiệt độ của trẻ dưới 38 độ C.
- Cần lưu ý không dùng nước lạnh hay nước đá để lau mình khi trẻ bị sốt siêu vi.
- Nếu trẻ sốt cao, đang chờ tác dụng của thuốc hạ sốt hoặc có biểu hiện co giật thì cũng có thể lau mát bằng nước ấm.
- Lấy khăn thấm nước ấm, đắp ở 2 bên nách và 2 bên bẹn của trẻ rồi thường xuyên theo dõi thân nhiệt. Lấy khăn ra khỏi cơ thể trẻ nếu trẻ đã hạ sốt, thân nhiệt hạ thấp dưới 38 độ C.
- Cho trẻ uống nhiều nước, bù nước điện giải bằng cách uống Oresol. Một gói Oresol sẽ được pha cùng với 1 lít nước và cho trẻ uống thành từng ngụm, uống nhiều lần trong ngày.
- Tắm cho trẻ bằng nước ấm, vệ sinh cơ thể sạch sẽ.
- Dùng Natrichlorua 0,9% để nhỏ mắt và nhỏ mũi cho trẻ, tránh trường hợp trẻ bị bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.
- Không cho trẻ đến trường để tránh trẻ bị sốt siêu vi lây cho các bạn khác.
- Về chế độ dinh dưỡng, nên ưu tiên đồ ăn dễ tiêu. Cho trẻ ăn lỏng nhưng phải đảm bảo thức ăn đầy đủ các nhóm dinh dưỡng cần thiết. Không bắt trẻ phải kiêng ăn.
- Đặc biệt, nói không với việc nặn chanh, sả hay đổ thuốc vào miệng trẻ bị sốt siêu vi đang co giật vì dễ bị tắc đường thở, tăng nguy cơ tử vong.
- Không cạo gió, cắt lể cho trẻ.
Khi thấy trẻ bị sốt siêu vi, bố mẹ thường lo lắng bối rối dẫn đến không biết phải xử trí như thế nào. Hãy cứ bình tĩnh áp dụng cách chăm sóc trẻ bị sốt siêu vi được các chuyên gia y tế hướng dẫn phía trên và cùng con dần bình phục bạn nhé.