Là bố, là mẹ, ai cũng mong muốn con mình có thể ăn ngon và chóng lớn. Tuy nhiên, trong hành trình chăm con sẽ có lúc mẹ phải cực kỳ lo lắng vì con cứ ăn vào là nôn ra. Tình trạng trẻ bị nôn sau ăn đặc biệt phổ biến ở những trẻ dưới 5 tuổi và không phải lúc nào đây cũng là hiện tượng nôn trớ bình thường mà rất có thể đây là dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm.
Hiện tượng trẻ bị nôn sau ăn
Sau khi mẹ cho bé ăn xong hoặc đôi khi bé chỉ ăn một vài muỗng đầu tiên là đã bắt đầu nôn ói. Hiện tượng này có thể chỉ xuất hiện 1-2 lần nhưng cũng có thể xảy ra liên tục khiến trẻ mất nước, mệt mỏi. Lúc này, trẻ sẽ bắt đầu chán ăn, khó ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Nếu việc trẻ bị nôn sau ăn kéo dài nhưng không được điều trị kịp thời, trẻ có thể bị kiệt sức và tử vong.
Nguyên nhân trẻ bị nôn sau ăn
Việc trẻ bị nôn, đặc biệt là nôn sau ăn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như từ việc bố mẹ chăm sóc không đúng cách hoặc từ các vấn đề bệnh lý.
Trẻ nôn trớ do dinh dưỡng và chăm sóc không đúng cách
Trẻ hay bị nôn sau mỗi lần ăn có thể là do nôn trớ, xuất phát từ việc không được chăm sóc đúng cách và chưa có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Hiện tượng này không xuất phát từ các vấn đề bệnh lý nên bạn có thể yên tâm, không cần phải quá lo lắng. Việc trẻ bị nôn sau ăn thường do các lý do sau:
- Bé đã ăn quá nhiều hoặc uống quá nhiều sữa, bị ép ăn quá ngưỡng, dạ dày chưa kịp tiêu hóa hết
- Mẹ cho bé bú không đúng tư thế, trẻ nuốt nhiều khí vào dạ dày
- Trẻ vừa ăn no đã bị đặt vào tư thế nằm, quần áo mặc hoặc tã quấn quá chặt khiến trẻ khó thở
- Cổ họng bé bị vướng thức ăn
- Ngoài ra, vấn đề về tâm lý trẻ em như trẻ ăn một món ăn quá nhiều lần hoặc đang buồn, khóc khi ăn cũng dẫn đến hiện tượng này
Trẻ bị nôn sau ăn do bệnh lý
Việc trẻ bị nôn ói sau khi nạp thức ăn hoặc sữa có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý đường tiêu hóa, hô hấp hoặc bệnh lý toàn thân nguy hiểm đến sức khỏe như:
Viêm dạ dày
Trẻ bị nôn sau ăn có thể do virus hoặc vi khuẩn tác động đến hệ tiêu hóa của trẻ và dẫn đến viêm dạ dày. Lúc này, trẻ sẽ nôn liên tục (5-30 phút/lần) trong 12 giờ đầu tiên. Đi kèm với tình trạng nôn ói, trẻ còn có thể bị sốt cao và đau bụng dữ dội. Tình trạng này có thể kéo dài liên tục đến 3 ngày và trẻ có thể bị tiêu chảy trong 1-2 ngày đầu tiên.
Ngộ độc thực phẩm
Đồ ăn không hợp vệ sinh, quá hạn sử dụng hoặc bảo quản không đúng cách có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm khiến trẻ bị nôn sau ăn. Vì ngộ độc thực phẩm có triệu chứng gần giống với viêm dạ dày nên nhiều người có thể hiểu lầm và dẫn đến xử trí không phù hợp.
Khi bị ngộ độc thực phẩm, trẻ bị nôn sau ăn từ 2-12 giờ và thường không kéo dài quá 12 giờ. Khi bị ngộ độc thực phẩm, trẻ cũng có thể bị tiêu chảy hoặc không và thường là không có triệu chứng sốt đi kèm.
Tắc ruột
Tắc ruột là một căn bệnh ngoại khoa vô cùng nguy hiểm. Nguyên nhân tắc ruột có thể là do dính ruột, xoắn ruột, lạc nội mạc tử cung, thoát vị, viêm ruột thừa, thiếu máu cục bộ ruột… Khi bị tắc ruột, trẻ bị nôn sau ăn và kèm theo một số triệu chứng khác như người nhợt nhạt, vã mồ hôi, đau bụng dữ dội…
Các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính
Các bệnh như viêm họng, viêm phổi, viêm màng não, các vấn đề về thần kinh, não… cũng có thể khiến trẻ nôn ói. Ngoài ra, trẻ còn có các biểu hiện kèm theo như ho, sốt, chảy nước mũi liên tục…
Nhiễm trùng tiết niệu
Nếu mẹ thấy trẻ bị nôn sau ăn thì đây có thể là dấu hiệu con bị nhiễm trùng tiết niệu khiến trẻ sốt cao và nôn trong vài ngày. Để xác định trẻ có thật sự bị nhiễm trùng tiết niệu hay không, mẹ có thể quan sát và hỏi trẻ xem đi tiểu có bị đau rát hay không, nước tiểu có mùi khó chịu hay không,…
Hẹp phì đại môn vị
Trẻ từ 3-5 tuần tuổi bị nôn sau khi bú sữa, nôn rồi đói lặp đi lặp lại, nôn dữ dội có thể là do tình trạng hẹp phì đại môn vị, cần thực hiện phẫu thuật để điều trị dứt điểm.
Trẻ bị viêm tai giữa
Viêm tai giữa cũng là một nguyên nhân khiến trẻ bị nôn sau ăn. Khi bị viêm tai giữa, trẻ sẽ có biểu hiện tiêu chảy, chán ăn và cần đưa đến các cơ sở y tế để kịp thời điều trị, tránh những chuyển biến xấu có thể xảy ra.
Lồng ruột
Nếu mẹ quan sát thấy trẻ bị nôn sau ăn kèm theo tình trạng đi ngoài phân lỏng, có máu trong phân, chân co về phía trước… thì đây là biểu hiện trẻ bị lồng ruột và cần lập tức đưa trẻ đi cấp cứu để được điều trị. Bởi đây là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm.
Trẻ bị nôn sau ăn, cần làm gì?
Với trẻ bị nôn sau ăn, mẹ có thể thực hiện một vài thao tác sau đây:
- Giữ tư thế phù hợp: Trong lúc trẻ bị nôn, nên đỡ trẻ ngồi dậy hoặc cho trẻ nằm nghiêng, tránh chất nôn tràn vào khí quản phổi gây ngừng thở, tử vong
- Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ: Nếu trẻ không kiểm soát được tình trạng nôn ói của mình và làm bẩn quần áo, cơ thể, mẹ nên vệ sinh sạch sẽ cho con theo thứ tự miệng – họng – mũi – cơ thể.
- Cho trẻ uống nhiều nước: Sau khi bị nôn, trẻ sẽ bị mất nước nên dễ mệt lả người và dẫn đến co giật, bất tỉnh. Vì thế, nên cho trẻ uống nhiều nước, kịp thời bổ sung lượng nước mất đi bằng cách cho trẻ uống từng thìa nước đun sôi để nguội hoặc dung dịch bù nước Oresol. Khi cho trẻ uống nước, nên tránh để trẻ uống nhanh và liên tục khiến trẻ bị ngạt.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng: Khi trẻ bị nôn sau ăn, trẻ thường có cảm giác chán ăn, mệt mỏi. Vì thế, nên cho trẻ ăn các loại thức ăn thanh đạm, không chứa nhiều dầu mỡ… Thay vào đó, nên cho trẻ ăn thức ăn loãng, dễ nuốt, không mùi như nước canh hầm, súp, cháo…
- Không tự ý cho trẻ sử dụng thuốc: Khi chăm sóc trẻ nôn ói, bạn tuyệt đối không được cho trẻ sử dụng bất cứ loại thuốc chống nôn nào nếu chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Khi nào thì nên đưa trẻ đi khám?
Khi trẻ vừa bắt đầu nôn, bạn chưa cần đưa trẻ đến bệnh viện. Tuy nhiên, nếu trẻ bị nôn sau ăn đi kèm với các dấu hiệu sau đây, cần lập tức đưa trẻ đến các cơ sở uy tín để được thăm khám và điều trị:
- Có dấu hiệu mất tri giác
- Đau đầu, sốt cao
- Đau bụng quằn quại
- Có biểu hiện mất nước (miệng khô, tiểu ít)
- Nghi ngờ trẻ bị ngộ độc thức ăn
- Nôn ra máu hoặc mật xanh vàng
- Lơ mơ hoặc ở trạng thái kích thích
- Nôn liên tục hoặc nôn kéo dài trên 24 tiếng
- Co giật
Phòng tránh trẻ bị nôn sau ăn như thế nào?
Khi bị nôn, trẻ sẽ rất mệt mỏi, không thể hấp thụ được dưỡng chất trong thức ăn. Vì thế, mẹ nên bỏ túi một số bí quyết để phòng tránh tình trạng nôn ói ở trẻ sau khi ăn:
- Giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là tay-chân-bụng để tránh trẻ bị cảm lạnh
- Thường xuyên vệ sinh tai mũi họng và rửa tay chân mặt, tránh tình trạng trẻ gặp các bệnh về đường hô hấp
- Cho trẻ ăn các loại thực phẩm an toàn, ăn chín uống sôi, thực phẩm dễ tiêu và có nguồn gốc rõ ràng
- Không để đồ ăn của trẻ qua đêm
- Nên cho trẻ ăn vừa phải, không ép trẻ ăn quá no
- Chia nhỏ bữa ăn, cho trẻ ăn nhiều bữa
- Nếu trẻ bú bình, nên đổ sữa ngập phần núm vú, hạn chế trẻ nuốt không khí vào dạ dày
- Sau khi trẻ bú xong, bế trẻ và nhẹ nhàng vuốt lưng trẻ từ 10-15 phút trước khi đặt trẻ nằm xuống
- Cho trẻ ăn các loại thức ăn từ lỏng đến đặc và đa dạng hóa các loại thức ăn của trẻ
- Bổ sung thêm các loại men vi sinh và vitamin nhằm nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa
Trẻ bị nôn sau ăn có thể xuất phát từ các vấn đề bệnh lý nguy hiểm. Do đó, cần quan sát các triệu chứng đi kèm để có thể xác định cần đưa trẻ đến bệnh viện hay không bạn nhé!