Dị ứng là tổng hợp những phản ứng cho thấy hệ thống miễn dịch đang bị ảnh hưởng. Dị ứng thời tiết là phản ứng của cơ thể trước các thay đổi thường là đột ngột của môi trường. Cần hiểu được nguyên nhân trẻ bị dị ứng thời tiết để tìm cách chăm sóc, điều trị phù hợp cho bé.
Dị ứng thời tiết rất phổ biến nên cha mẹ nhớ tìm hiểu để phòng ngừa cũng như chuẩn bị phương án ứng phó tốt nhất.
Nguyên nhân trẻ bị dị ứng thời tiết
Hệ thống miễn dịch ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa hoàn thiện nên dễ phản ứng trước môi trường và dẫn tới dị ứng. Dị ứng có tính di truyền. Nếu cha hoặc mẹ, hoặc cả hai đều có cơ địa dễ dị ứng thì khả năng trẻ bị dị ứng thời tiết sẽ tăng mạnh. Bên cạnh miễn dịch, còn nhiều nguyên nhân khiến trẻ nhỏ bị dị ứng:
- Thay đổi nhiệt độ đột ngột: khi nhiệt độ trong và ngoài cơ thể đột ngột có sự chênh lệch lớn thì cơ thể sẽ tiết histamin. Quá nhiều histamin sẽ dẫn tới phản ứng dị ứng, thường là nổi mề đay, mẩn đỏ, ngứa ngáy.
- Thời tiết giao mùa thường thay đổi thất thường, khi thì độ ẩm cao, khi lại khô nóng, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân nấm mốc phát triển gây dị ứng.
- Khi có tác nhân dị ứng trong môi trường như phấn hoa (thường theo mùa), bụi bẩn thì miễn dịch của trẻ sẽ ngay lập tức giải phóng histamin. Phản ứng quá mức này dẫn tới nhiều triệu chứng khó chịu như ho, sổ mũi, hắt hơi (nhằm đẩy các “kẻ xâm lược” ra khỏi cơ thể).
Triệu chứng dị ứng thời tiết ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Dị ứng thời tiết và cảm lạnh rất dễ bị nhầm lẫn do có nhiều triệu chứng tương tự nhau: chảy nước mũi, ho, hắt hơi. Do đó cha mẹ nên lưu ý cách phân biệt hai loại triệu chứng này.
Nếu trẻ bị dị ứng thời tiết, viêm mũi thường tái đi tái lại và triệu chứng gần như giống hệt nhau mỗi khi trẻ tiếp xúc với dị nguyên (phấn hoa, bụi bẩn, lông thú…). Các vấn đề do dị ứng như mệt mỏi, chán ăn, khó ngủ cũng kéo dài nếu không được điều trị đúng bệnh. Hắt hơi, ngứa mũi, thậm chí mất vị giác thường là triệu chứng của dị ứng thời tiết. Ngoài ra, dị ứng còn có thể kèm theo nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy.
Nếu bé bị sổ mũi thì hãy kiểm tra dịch tiết:
- Chất nhầy đặc, có màu (xanh hoặc vàng): cảm lạnh.
- Nước mũi lỏng, trong: thường do dị ứng.
Trẻ bị dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?
Thông thường thì dị ứng thời tiết ở trẻ không gây nguy hiểm. Bệnh chủ yếu khiến bé mệt mỏi, khó chịu, bỏ bữa nên ảnh hưởng đến sức khỏe bé lẫn người chăm sóc. Tuy thế, trong một số trường hợp dị ứng có thể dẫn tới biến chứng nghiêm trọng, gồm cả sốc phản vệ.
Các triệu chứng nặng này thường xuất hiện ngay khi bé tiếp xúc phải dị nguyên hoặc trong vòng 30 phút sau đó. Chúng bao gồm: nổi mề đay đỏ, ngứa, nôn, buồn nôn, rối loạn nhịp tim (mạch nhanh hoặc chậm bất thường), tiêu chảy, chóng mặt, khó thở, thở khò khè… lúc này cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức để được xử trí.
Trẻ bị dị ứng thời tiết phải làm sao?
Cha mẹ hãy bình tĩnh khi thấy trẻ có các triệu chứng dị ứng. Đầu tiên thì hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra xem trẻ dị ứng hay cảm lạnh. Tìm kiếm dị nguyên gây phản ứng dị ứng ở bé. Tuyệt đối không tự mua và dùng thuốc.
Khi chăm sóc trẻ bị dị ứng thời tiết, cần đảm bảo các yếu tố như:
- Thường xuyên vệ sinh và đảm bảo cơ thể bé luôn sạch sẽ, khô thoáng.
- Ở những vùng da tổn thương do khô nứt thì ngâm nước ấm sau đó bôi dưỡng ẩm ngay, tránh để khô da.
- Hạn chế không để trẻ gãi các vết da nổi mẩn ngứa bằng cách mang bao tay hoặc cắt và giũa móng cho bé.
- Cho bé mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát.
- Hạn chế đưa trẻ ra nắng gió, hạn chế cho bé ra ngoài khi thời tiết chuyển mùa.
Lưu ý việc sử dụng kem dưỡng ẩm nào cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Không phải loại kem giữ ẩm nào cũng an toàn cho da bé.
Thông thường các loại dị ứng thời tiết ở trẻ nhỏ sẽ tự động giảm nhẹ và hết sau một thời gian. Nếu tình hình không được cải thiện, cha mẹ nên đưa bé đi khám để được tư vấn cách điều trị đúng nhất.
Phòng ngừa dị ứng thời tiết ở trẻ nhỏ
Thời điểm giao mùa thì tình trạng trẻ bị dị ứng thời tiết luôn tăng cao. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, cha mẹ có thể thực hiện một số biện pháp sau để bảo vệ sức khỏe cho bé tốt nhất:
- Hạn chế để trẻ tiếp xúc với môi trường bên ngoài quá nhiều, nếu có thì nên che chắn cẩn thận, tránh để trẻ bị sốc nhiệt (như đi từ nắng nóng vào phòng máy lạnh).
- Tránh các khu vực nhiều bụi bẩn, nấm mốc như sàn nhà, gấu bông bẩn…
- Tăng cường sức đề kháng cho bé qua các bữa ăn, các trò chơi vận động thể chất. Nếu trẻ không bị dị ứng thức ăn thì không nên hạn chế, kiêng khem thực phẩm cho con.
- Giữ quần áo, khăn và các vật dụng cá nhân của bé luôn sạch sẽ.
Trẻ bị dị ứng thời tiết là hiện tượng phổ biến và gần như không nguy hiểm đến sức khỏe nếu kịp thời phát hiện và xử lý. Chỉ cần cha mẹ chú ý trong cách chăm sóc và hạn chế nguy cơ tiếp xúc tác nhân gây bệnh cho bé trong thời điểm giao mùa.