Mẹ&Con – Dị ứng thức ăn là phản ứng của cơ thể đối với một số chất có trong thức ăn (dị nguyên). Theo thống kê, có đến 40% trẻ bị dị ứng thức ăn. Tỉ lệ này sẽ giảm dần theo độ tuổi và phụ thuộc vào sự thay đổi thói quen ăn uống của trẻ.

Những loại thức ăn dễ gây dị ứng ở trẻ

Với trẻ nhỏ, các thức ăn dễ gây dị ứng như: lạc, hạnh nhân, cá, hải sản, trứng (đặc biệt lòng trắng trứng), sữa… Nên nhớ rằng, hệ thống miễn dịch của trẻ cần có thời gian để hình thành phản ứng miễn dịch với dị nguyên có trong thức ăn. Chính vì thế, dị ứng thức ăn ít khi xảy ra khi lần đầu tiếp xúc với loại thức ăn đó.

Các biểu hiện khi trẻ bị dị ứng thức ăn

Dị ứng có thể xảy ra vài phút hoặc vài giờ sau ăn. Các triệu chứng hay gặp khi trẻ bị dị ứng thức ăn bao gồm: sưng, ngứa họng, miệng, đau bụng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt, nổi ban đỏ, ngứa trên da. Nặng hơn là khó thở, huyết áp giảm, thậm chí tử vong…

 

Một số trẻ xuất hiện các triệu chứng muộn (vài ngày sau khi ăn thức ăn chứa dị nguyên) gồm viêm da, hen, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, ho dai dẳng, chảy nước mũi, táo bón, ra mồ hôi, biếng ăn, giảm tập trung và ngủ kém.

Trẻ bị dị ứng thức ăn

Điều trị dị ứng thức ăn ở trẻ như thế nào?

Nguyên tắc điều trị dị ứng là phát hiện ra các dị nguyên nào là nguyên nhân gây dị ứng và tránh tiếp xúc với các dị nguyên đó. Nhiều khi phải thay đổi thói quen ăn uống và cẩn trọng hơn trong việc sử dụng thức ăn cho trẻ.

Khi trẻ bắt đầu ăn dặm nên bắt đầu với các thức ăn ít dị ứng như gạo và các loại củ. Tránh cho trẻ dùng các loại thức ăn chế biến theo lối công nghiệp như: thịt lợn xông khói, thịt lợn muối, các chất nhuộm màu, gia vị nhân tạo…

Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa khi nghi ngờ trẻ bị dị ứng thức ăn. Các bác sĩ sẽ thăm khám, hỏi bệnh và có thể thực hiện một số xét nghiệm chuyên khoa như: xét nghiệm trên da của trẻ hoặc làm xét nghiệm máu để xác định một cách chắc chắn trẻ có bị dị ứng hay không và thức ăn mà trẻ bị dị ứng là gì.

Khi biết trẻ dị ứng với một loại thức ăn nào đó, nên loại bỏ nó ra khỏi thực đơn của trẻ. Không nên chế biến hoặc đựng thức ăn của trẻ chung với các thức ăn mà trẻ dị ứng.

Trẻ bị dị ứng thức ăn

Trẻ bị dị ứng thức ăn có ảnh hưởng đến sự phát triển?

Việc loại trừ một số thức ăn khỏi chế độ ăn của trẻ có thể dẫn đến sự mất cân đối của những chế độ ăn này và gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Do đó, tốt nhất các mẹ nên tham khảo ý kiến của các nhà dinh dưỡng để tìm được một chế độ ăn thích hợp cho con mình, việc bổ sung các vitamin và muối khoáng có thể là cần thiết.

Lưu ý: Dị ứng thức ăn có thể hết khi trẻ lớn lên, chính vì thế bạn không cần bắt trẻ kiêng khem kéo dài một loại thực phẩm nào cả. Sau một thời gian, bạn có thể cho trẻ ăn lại thức ăn đó (ngoại trừ những món gây phản ứng dị ứng cấp tính như sốc phản vệ).

Bài viết liên quan