Mẹ&Con - Khi Covid-19 diễn ra, tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan đến sức khỏe tinh thần như trầm cảm, mất ngủ, stress,... ngày càng nhiều. Vậy cách hóa giải là gì?

Covid-19 được xem là đại dịch của thế giới và là thảm họa của năm 2020. Không chỉ khiến nhiều người tử vong mà đại dịch lần này còn khiến tỷ lệ người mắc các vấn đề về sức khỏe tinh thần tăng cao. Có lẽ, ngay khi đại dịch chưa kết thúc thì nhân loại sẽ phải đối diện với một nỗi lo mới cũng không kém phần nghiêm trọng: nỗi lo về các căn bệnh tâm lý diễn ra trong và sau đại dịch.

covid-19

Covid-19 đã ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe tinh thần chúng ta?

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Úc của Đại học New South Wales và nhiều cơ quan khác, trong thời điểm Covid-19 bùng phát ở Úc, trong số 5070 người trưởng thành được khảo sát thì chỉ có 0,15% người nhiễm Covid. Tuy nhiên, số lượng người bị ảnh hưởng tâm lý bởi đại dịch lại cao hơn rất nhiều. Cụ thể: hơn một phần tư (25,9%) đã rất hoặc cực kỳ lo lắng về việc nhiễm virus và hơn một nửa (52,7%) rất lo lắng cho gia đình và bạn bè của họ.

Hơn nữa, hầu hết những người được khảo sát đều chia sẻ rằng, sức khỏe tinh thần của họ đã xấu đi rất nhiều khi đợt dịch Covid-19 bùng phát. Có đến 55% nói rằng tinh thần đã xấu đi một chút và 23% nói rằng tinh thần của họ đã bị ảnh hưởng rất nhiều vì đại dịch lần này.

sức khỏe tinh thần mùa covid

Tại Singapore, đường dây nóng chăm sóc quốc gia được thiết lập từ tháng 4-2020 đã nhận được 23.000 cuộc gọi tư vấn về vấn đề tài chính lẫn tâm lý liên quan đến dịch COVID-19 (theo báo Tuổi Trẻ).

Tại Trung Quốc, quốc gia được cho là đã có số người mắc bệnh cao trong lần bùng dịch đầu tiên vào đầu năm 2020, 35% người dân nơi đây đã gặp tình trạng sức khỏe tinh thần giảm sút, bị căng thẳng trong và sau các biện pháp phong tỏa.

Tại Mỹ, số cuộc gọi đến đường dây nóng hỗ trợ thảm họa chỉ trong tháng 3-2020 đã tăng đến 891% (theo Đài CNN). Trung tâm dữ liệu y tế quốc gia Mỹ cũng thống kê dữ liệu cho thấy, 1/3 người trưởng thành ở nước này đang có các biểu hiện rối loạn lo âu.

Tại Việt Nam, ThS.BS Bùi Văn San – Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Tỉ lệ bệnh nhân đi khám ngoại trú tại Viện Sức khỏe tâm thần tăng lên đáng kể, đạt khoảng 250 đến 300 người mỗi ngày. Họ chủ yếu gặp những vấn đề về rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng lo lắng…

sức khỏe tinh thần

4 căn bệnh tâm lý xuất hiện nhiều nhất đợt Covid

Trầm cảm

Từ khi Covid-19 bắt đầu xuất hiện, tỷ lệ người mắc bệnh trầm cảm tăng cao. Người bệnh cảm thấy mất năng lượng, luôn trong trạng thái lo lắng vì đại dịch và lo lắng về tình trạng của bản thân. Người mắc bệnh trầm cảm cũng không còn hứng thú để làm bất cứ việc gì khác.

Lo âu lan tỏa 

Khi sức khỏe tinh thần sụt giảm, nhiều người bắt đầu mắc chứng lo âu lan tỏa. Bệnh nhân có xu hướng lo lắng quá mức khi nghe bất kỳ thông tin nào về đại dịch, chẳng hạn như số người nhiễm bệnh ngày một nhiều, số người chết tăng cao, khi nào thì có vắc-xin phòng ngừa… Người mắc chứng lo âu lan tỏa thường không thể tìm cách để kiểm soát nỗi lo của mình, luôn sống trong trạng thái căng thẳng, hồi hộp, sợ hãi.

chứng lo âu lan tỏa

Mất ngủ

Chứng trầm cảm và tình trạng lo lắng quá mức thường đi kèm với các vấn đề về giấc ngủ. Thậm chí nhiều người chỉ có dấu hiệu của bệnh trầm cảm nhẹ hay chỉ là trạng thái căng thẳng hơn bình thường cũng bắt đầu có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, ngủ không ngon giấc, thường xuyên trằn trọc suy nghĩ các vấn đề về dịch bệnh.

Stress

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn – Phó Viện trưởng Viện sức khỏe Tâm thần Quốc gia, dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều người bị stress bởi phải thường xuyên sống trong trạng thái lo lắng, khó chịu và nhiều áp lực. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, stress còn tác động đến sức khỏe thể chất, khiến bạn sụt cân, suy giảm trí nhớ, chán ăn…

căng thẳng, rối loạn lo âu

Vì sao tâm lý xã hội lại bị Covid-19 tác động nhiều đến thế?

Covid-19 đã tác động trực tiếp lẫn gián tiếp lên hầu hết tất cả mọi người trên thế giới. Có thể chia các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng về tinh thần bởi dịch bệnh thành 3 nhóm:

  • Dễ thấy nhất có lẽ chính là đội ngũ y bác sĩ phải ngày đêm làm việc, chiến đấu để chống lại đại dịch nguy hiểm lần này. Không chỉ vậy, họ còn các nỗi lo lắng không có ai chăm sóc gia đình, bản thân mình bị nhiễm bệnh và lây cho những người khác trong gia đình.
  • Nhóm người thứ 2 sức khỏe tinh thần giảm sút khi Covid-19 xuất hiện là những người trực tiếp mắc bệnh. Nỗi lo đầu tiên của họ chính là về tình trạng sức khỏe: Liệu mình có thể khỏi bệnh hay không. Đặc biệt, nỗi lo này còn tăng cao hơn khi họ được cập nhật các thông tin về số người tử vong do Covid. Và bên cạnh đó, tinh thần người bệnh còn bị tác động bởi các vấn đề khác như: sự nhàm chán trong khu cách ly, nỗi lo phải cách ly không thể đi làm khiến kinh tế bị ảnh hưởng, nỗi nhớ gia đình và người thân…
  • Nhóm người chưa mắc bệnh: Liệu những người chưa mắc bệnh có bị ảnh hưởng hay không? Câu trả lời chính là có! Covid-19 khiến nhiều nơi phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội, hạn chế đi lại. Hàng loạt công ty, cơ sở dịch vụ đóng cửa, hàng trăm ngàn người mất việc, mất thu nhập, suy thoái kinh tế, áp lực cơm áo gạo tiền… đã tác động không nhỏ đến sức khỏe tinh thần của mọi người. Hơn nữa, chúng ta còn hàng tá các vấn đề về tâm lý khác trong những lần cách ly xã hội như: không được gặp người thân, gia đình; không cân bằng được thời gian làm việc tại nhà và thời gian chăm sóc trẻ khi các trường học đóng cửa; không được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí thường ngày,…

mất ngủ

Mách bạn cách tăng cường sức khỏe tinh thần

Dĩ nhiên, chẳng ai thích giãn cách xã hội, phải ở nhà và từ bỏ tất tất tần những thói quen như ra ngoài shopping, gặp gỡ bạn bè, du lịch… Tuy nhiên, nếu Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát thì đây là biện pháp giúp chúng ta có thể hạn chế lây nhiễm chéo trong cộng đồng hiệu quả.

Giữa sở thích hằng ngày và sức khỏe, chúng ta buộc phải ưu tiên cho điều quan trọng hơn. Nhưng nếu cứ mãi quanh quẩn với 4 bức tường trong nhiều ngày liền, bạn rất dễ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng. Cộng thêm sự lo lắng về dịch bệnh, công ty giảm lương, tài chính không ổn định, con người dễ rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu. Vì thế, Mẹ&Con sẽ mách bạn 5 hoạt động thư giãn tinh thần sau đây nhé:

Tập thể dục

Thể dục thể thao không chỉ giúp bạn tăng cường sức khỏe, giúp cơ thể có cơ hội phục hồi cao hơn khi mắc bệnh mà các bài tập thể dục, đặc biệt là yoga còn giúp bạn giải phóng những suy nghĩ tiêu cực, giúp hạn chế tình trạng lo lắng quá mức, trầm cảm. Mỗi ngày, chỉ cần 30 phút dành cho các bài tập, bạn sẽ thấy sự thay đổi rõ rệt về sức khỏe tinh thần của bản thân.

tập yoga

Gọi điện thoại cho người thân, bạn bè

Nếu chẳng may lệnh giãn cách xã hội xảy ra, bạn có thể ở nhà và gửi tin nhắn thoại hay gọi video call cho người thân, bạn bè của mình. Thông thường, chúng ta sẽ không có đủ thời gian để làm những điều này. Vậy sao không tranh thủ ngay những dịp như thế để gắn kết tình cảm với mọi người nhỉ?

Nấu ăn

Khi Covid xuất hiện, các chuyên gia y tế cũng cho rằng chúng ta không nên đến các hàng quán đông người để ăn uống. Vì thế, đây là lúc để bạn cho ra lò những món ăn tự tay nấu. Những món ăn này không chỉ giúp bạn tiết kiệm kha khá tiền mua đồ ăn ngoài, hạn chế tiếp xúc với người khác mà cũng là cách để bạn thư giãn.

Trong khoảng thời gian vào bếp nấu ăn, bạn sẽ được sáng tạo những món ăn theo ý tưởng của mình, tận hưởng khoảnh khắc được làm một điều gì đó cho những người mình yêu thương mà trước nay chưa đủ thời gian để làm. Như vậy sức khỏe tinh thần sẽ tốt lên rất nhiều đấy!

cả gia đình nấu ăn

Trồng cây

Nếu bạn cảm thấy tâm trạng đang tuột dốc do ảnh hưởng của đại dịch, hãy thử dành thời gian để trồng cây bạn nhé! Cây xanh trong không gian sống mang đến cảm giác gần gũi với thiên nhiên hơn, giúp bạn thư giãn và quên đi những áp lực đang có.

Tập suy nghĩ tích cực hơn

Khi chúng ta nghe những tin tức xấu về dịch bệnh, chúng ta thường có xu hướng suy nghĩ mọi thứ tiêu cực và dẫn đến trạng thái lo lắng quá mức. Và khi lo lắng, chúng ta lại nhìn mọi thứ ở một góc nhìn tiêu cực hơn. Đây là một vòng lẩn quẩn không hồi kết và không tốt cho tâm trạng của bạn.

Vì thế, thay vì cứ mãi lo lắng, bạn có thể tập suy nghĩ mọi thứ tích cực hơn. Chẳng hạn như hiện nay Việt Nam đang làm rất tốt công tác phòng chống dịch bệnh, vắc-xin phòng bệnh cũng đang được nghiên cứu và sớm có thể sử dụng mà thôi. Hay đơn giản, bạn có thể thay đổi góc nhìn về Covid bởi bên cạnh những ảnh hưởng xấu, Covid cũng chính là “cơ hội” để bạn có nhiều thời gian nhìn lại chính mình, nhìn lại các mối quan hệ, có thời gian cho bản thân để làm những điều mình muốn nhưng vẫn bận chưa làm được…

Giữa mùa dịch, khi mọi thứ vẫn đang diễn biến phức tạp thì việc giữ cho sức khỏe tinh thần được ổn định là điều cực kỳ quan trọng. Mẹ&Con tin rằng, cùng nhau “chiến đấu” chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch. 

Bài viết liên quan