Thầy trò đều phấn chấn sau 2 tuần thí điểm
Sau 2 tuần thí điểm tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh (HS) lớp 9, lớp 12, theo đánh giá của các trường, tỷ lệ đi học thực tế cao hơn rất nhiều so với con số thống kê ý kiến đồng thuận của phụ huynh HS. Trước đó, khi khảo sát ý kiến phụ huynh HS lớp 9, 12 thì toàn TP chỉ có hơn 79% đồng thuận, có những trường chỉ có 50% phụ huynh đồng ý. Đến nay, thực tế đã có hơn 95% HS lớp 9, 12 đến trường, có nhiều trường đạt 100%…
Số lượng học sinh lớp 12 tại TP.HCM đến trường học trực tiếp tăng cao sau 2 tuần thí điểm. ĐÀO NGỌC THẠCH |
Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đánh giá sau 2 tuần thí điểm cho HS đi học lại, các hoạt động ở trường THCS, THPT diễn ra với những tín hiệu đáng mừng. Hầu hết các trường cho biết HS đi học thoải mái, vui vẻ, tiếp thu bài tốt hơn so với thời gian học trên internet.
TP.HCM xây dựng lộ trình đưa học sinh trở lại trường từ đầu năm 2022. ĐÀO NGỌC THẠCH |
Sau 2 tuần trở lại dạy trực tiếp, thạc sĩ Phan Thế Hoài, giáo viên (GV) Trường THPT Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân), chia sẻ: “Thái độ học tập của học trò thấy rõ sự phấn chấn, cố gắng. Không chỉ trả lời câu hỏi của GV mà các em chủ động mở rộng kiến thức bằng các câu hỏi đặt vấn đề với thầy cô chứ không ù lì, ngồi trước màn hình, không có tinh thần học tập như trước đây”.
Đề xuất lộ trình mở rộng từng giai đoạn
Với mong muốn sớm đưa HS trở lại trường học trong điều kiện đảm bảo an toàn nên nhiều trường đã tổ chức thăm dò ý kiến phụ huynh nhằm xây dựng phương án tổ chức phù hợp nhất.
Đến thời điểm hiện tại, theo ghi nhận của phóng viên Báo Thanh Niên, tỷ lệ đồng thuận cho HS trở lại trường học tăng dần theo cấp lớp. Phụ huynh từ lớp 1 đến lớp 6 thể hiện sự e dè lo ngại vì con em chưa tiêm vắc xin, trong khi đó phụ huynh từ lớp 7 trở lên có sự an tâm khi con em trở lại trường.
Tại Q.8, có 37,8% phụ huynh HS tiểu học đồng ý cho con em đến trường học trực tiếp; tỷ lệ này ở bậc THCS với khối lớp 6 là 42,4%, lớp 7 là 57,7%, lớp 8 là 59,2% ; bậc THPT với khối lớp 10 là 66,2%; khối lớp 11 là 61,6%.
Từ thực tế này, ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD-ĐT Q.8, cho hay phòng đề xuất mở rộng đối tượng HS đến trường học trực tiếp từ ngày 3.1.2022 cho HS từ lớp 6 trở lên.
Riêng đối với bậc tiểu học, lãnh đạo Phòng GD Q.8 bày tỏ quan điểm: “Mong muốn được tổ chức cho HS bậc tiểu học được sớm đến trường bởi thực tế, hiệu quả của việc học trực tuyến với lớp 1, lớp 2 còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, để những HS chưa đến độ tuổi tiêm vắc xin trở lại với việc học trực tiếp thì cần tham khảo ý kiến của ngành y tế về độ an toàn và những tác động của dịch bệnh để phụ huynh, nhà trường an tâm phối hợp”.
Theo thống kê của TP.Thủ Đức, tỷ lệ phụ huynh HS bậc THCS đồng ý với việc đi học trở lại từ ngày 3.1.2022 trung bình là 28% và bậc THPT là 31%. Nếu đi học sau Tết Nguyên đán, tức sau ngày 7.2.2022 thì tỷ lệ đồng thuận cao gần gấp đôi.
Trong buổi họp với Sở GD-ĐT TP.HCM, về lộ trình đề xuất sau thời gian thí điểm, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD TP.Thủ Đức, cho biết nên từng bước mở rộng đối tượng HS đến trường học trực tiếp. Thời điểm từ ngày 3.1.2022 tổ chức cho HS các khối lớp 7, 8, 10, 11 học trực tiếp cùng với HS lớp 9, 12 vì đã tiêm vắc xin.
Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Thanh Niên, căn cứ từ khảo sát ý kiến của phụ huynh cùng với đề xuất của UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện, tại buổi họp của UBND TP.HCM vào chiều 28.12, Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất lộ trình học trực tiếp từ ngày 3.1.2022. Theo đó, sau HS lớp 9, lớp 12 đã trở lại trường từ ngày 13.12 thì từ ngày 3.1, HS từ lớp 7, 8, 10, 11 sẽ đến trường. Lộ trình học trực tiếp các khối lớp còn lại sẽ thực hiện vào ngày 7.2 (tức sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán). Dự kiến, với đề xuất của các sở, ban ngành, UBND TP sẽ có những quyết định chính thức cho lộ trình mở rộng các hoạt động, trong đó có lĩnh vực giáo dục vào ngày 30.12.
Học sinh trở lại trường sẽ kiểm tra cuối kỳ trực tiếp
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết các khối lớp THCS và THPT sẽ được kiểm tra đánh giá học kỳ 1 theo hình thức trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.
Cụ thể, Sở đã có hướng dẫn việc tổ chức kiểm tra học kỳ 1 cho tất cả các trường THCS, THPT. Theo người phụ trách chuyên môn của Sở, việc kiểm tra phải đảm bảo nguyên tắc đánh giá công bằng, khách quan, trung thực nên phải được tổ chức trực tiếp ở cơ sở giáo dục, trước hết tổ chức cho các học sinh khối 9 và khối 12 theo đúng quy định. Đối với những trường hợp HS không thể đến trường vì lý do bất khả kháng thì việc kiểm tra đánh giá định kỳ sẽ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
Các địa phương quy định việc học sinh trở lại trường ra sao?
Đà Nẵng: Ngày 28.12, Sở GD-ĐT cho biết do tình hình dịch diễn biến phức tạp nên các cấp độ vùng dịch cũng thay đổi liên tục, dẫn đến bản đồ học trực tiếp và trực tuyến của các trường liên tục thay đổi. Hiện tại, bậc tiểu học vẫn học trực tuyến; 24,59% trường THCS chưa thể tiến hành dạy học trực tiếp hoặc chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến; 32,79% kết hợp vừa dạy học trực tiếp và trực tuyến. Với bậc THPT, có 35,29% vẫn dạy học trực tuyến; 26,47% trường kết hợp vừa dạy, học trực tiếp và trực tuyến, số còn lại ở vùng an toàn được học trực tiếp. Theo Sở GD-ĐT, địa phương vẫn chưa có kế hoạch học trực tiếp cho bậc tiểu học và mầm non, dự kiến phải sau khi kết thúc chương trình học kỳ 1 và bắt đầu chương trình học kỳ 2.
Quảng Trị: Đa phần HS đã đến trường trực tiếp, nhưng ở những địa phương điểm nóng dịch Covid-19 thì bắt buộc học trực tuyến. Theo Sở GD-ĐT, đến hôm qua 28.12, toàn tỉnh vẫn còn 77 trường dạy học trực tuyến, 16 trường dạy học kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Toàn bộ 44 trường học tại TP.Đông Hà và toàn bộ 20 trường học ở H.Gio Linh đều đã chuyển sang dạy học trực tuyến vì tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Thừa Thiên-Huế: Từ ngày 13.12, HS THPT và THCS (từ 12 – 15 tuổi đã tiêm mũi 1) được trở lại trường học trực tiếp. UBND tỉnh giao Sở GD-ĐT, UBND các huyện, TP chỉ đạo các trường THPT, THCS linh hoạt khi diễn biến dịch phức tạp, chủ động xử lý và cho HS nghỉ học trực tiếp, chuyển sang các hình thức học trực tuyến tại nhà.
Bình Phước: Sở GD-ĐT dự kiến tổ chức dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn chia thành 3 giai đoạn. Từ ngày 3.1.2022, dạy học trực tiếp cho các HS khối lớp 11, 12 ở các trường thuộc địa bàn có dịch Covid-19 cấp độ 1, 2. Từ ngày 10.1.2022, dạy học trực tiếp cho các HS khối lớp 7, 8, 9 và lớp 10 thuộc địa bàn có dịch Covid-19 cấp độ 1, 2. Từ ngày 15.1.2022, căn cứ vào kết quả đánh giá việc tổ chức dạy học trực tiếp và diễn biến cụ thể của dịch Covid-19, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh xem xét quyết định mở rộng tổ chức dạy và học trực tiếp cho các khối lớp còn lại.
Đồng Nai: Thí điểm cho HS đi học trực tiếp trở lại từ ngày 22.11. Mỗi huyện, thành phố chọn từ 1 – 4 trường, trong đó ưu tiên các khối 1, 2, 9 và 12. Đến nay, sau hơn 1 tháng thí điểm, 91 trường tổ chức cho HS đi học lại, khối học cũng rải đều từ lớp 1 đến lớp 12, số lượng HS mỗi lớp đi học đạt trên 90%. Sở GD-ĐT cũng cân nhắc việc cho một số trường bậc mầm non đặc thù được đón trẻ đến trường.
Theo Thanh Niên