Hôm nay, 28-10, TP.HCM đồng loạt tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em. Việc tiêm chủng sớm sẽ giúp trẻ có thể sớm quay lại trường học cùng với thầy cô, bạn bè của mình. Khi cho trẻ tiêm vaccine ngừa Covid-19, bố mẹ cần lưu ý những gì?
Trẻ em vẫn bị nhiễm Covid-19
Theo thông tin đến từ Bộ Y tế, trẻ em cũng có thể nhiễm Covid-19. Và cũng theo dữ liệu được Bộ Y tế cung cấp, trong số các ca COVID-19 ghi nhận tại Việt Nam, có đến 2,5% trẻ mắc Covid-19 ở độ tuổi 0-2 tuổi; 8,9% ở độ tuổi 3-12 tuổi; 5,7% ở độ tuổi 13-17 tuổi. Trong đó, tỷ lệ tử vong ở trẻ em xấp xỉ khoảng 0,2% với cụ thể tỷ lệ ở nhóm 0-2 tuổi là 0,19%; nhóm 3-12 tuổi là 0,06%; và nhóm 13-17 tuổi là 0,09%.
Nếu không triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ sớm, trẻ vẫn có thể nhiễm bệnh và phải đối diện với những nguy cơ, rủi ro về sức khỏe như: Bị nhiễm trùng xoang, tai, viêm phổi, suy hô hấp, mắc hội chứng viêm đa cơ quan và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, so với người lớn thì trẻ em nhiễm Covid-19 thường có những triệu chứng nhẹ hơn và nhanh khỏi hơn. Những trẻ trở nặng thường là trẻ có các bệnh lý nền như bệnh tim bẩm sinh, đái tháo đường, hen suyễn, bệnh hồng cầu hình liềm, suy giảm miễn dịch,…
Có cần tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em hay không?
Tuy trẻ em nhiễm Covid-19 thường có triệu chứng nhẹ, nhanh khỏi nhưng vẫn có môt số trường hợp trẻ trở nặng, phải nhập viện kéo dài và có thể để lại di chứng lâu, khó điều trị. Hơn nữa, việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ còn giúp hạn chế nguy cơ lây lan trong môi trường lớp học khi trẻ chẳng may nhiễm bệnh.
Ngoài ra, trẻ nhiễm Covid-19 còn phải đối diện với các nguy cơ mắc các chứng bệnh tâm lý, suy giảm sức khỏe tinh thần do phải đi cách ly, xa bố mẹ và gia đình, sợ hãi khi biết mình mắc bệnh,…
Nhìn chung, việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe của trẻ, hạn chế trẻ khỏi những nguy cơ suy giảm hệ miễn dịch và ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần.
Trẻ em bao nhiêu tuổi thì được tiêm vaccine Covid-19?
Hiện nay, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ cũng như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra khuyến nghị tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Tất cả trẻ từ 12 tuổi trở lên và thanh thiếu niên nếu không có chống chỉ định.
Với trẻ em dưới 12 tuổi, hiện nay chưa có đủ dữ liệu về tính an toàn khi triển khai tiêm cho trẻ em ở độ tuổi này. Do đó, cần chờ thêm các nghiên cứu và dữ liệu trước khi thực hiện tiêm chủng để đảm bảo tính an toàn cho trẻ.
Vaccine nào sẽ được tiêm cho trẻ em?
Khi triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em sẽ chọn vaccine nào là điều mà nhiều phụ huynh quan tâm. Hiện nay, vaccine của Pfizer-BioNTech đã được FDA chấp thuận để tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 12-17 tuổi. Tại Việt Nam hiện nay, trẻ em cũng sẽ được tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech.
Những lưu ý khi tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em 12-17 tuổi
Để quá trình tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em được diễn ra an toàn, suôn sẻ và hiệu quả, cần có sự phối hợp giữa đội ngũ y tế, nhà trường, thầy cô và phụ huynh trong công tác chuẩn bị và tiêm phòng. Một số vấn đề cần lưu ý trước, trong và sau khi tiêm như:
Trước khi tiêm:
Trước khi tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em, nhà trường và thầy cô nên nhắn tin thông báo đến phụ huynh ngày, giờ tiêm cụ thể để phụ huynh có thể sắp xếp đưa trẻ đi tiêm, không bỏ lỡ lịch tiêm chủng của trẻ.
Ngoài ra, các nhóm đối tượng đang có bệnh nặng hoặc có sốt, hoặc được xác định là đang nhiễm/nghi ngờ nhiễm Covid-19 sẽ cần phải trì hoãn việc tiêm chủng đến thời gian cho phép.
Trước ngày tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em, cần cho trẻ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Phụ huynh cần nhắc trẻ uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, hạn chế cho trẻ sử dụng các loại nước ngọt, cà phê, chất kích thích,… Phụ huynh cũng nên nói chuyện với trẻ để con có thể hiểu được tầm quan trọng của việc tiêm vaccine cũng như vấn đề tiêm không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, trẻ không cần lo lắng về vấn đề này.
Trong khi tiêm:
Khi đến địa điểm tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em, cần yêu cầu trẻ đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay và sát khuẩn. Đặc biệt, cần thực hiện khai báo y tế cũng như căn dặn trẻ hạn chế tiếp xúc, trò chuyện với người khác, luôn đảm bảo khoảng cách theo quy định.
Tại địa điểm tiêm chủng, trẻ sẽ được khám sàng lọc theo đúng quy định của Bộ Y tế. Các trường hợp trẻ có bệnh nền hoặc tiền sử dị ứng, phản vệ với thuốc, vaccine ở những lần tiêm trước hay bất kỳ dị nguyên nào khác,… sẽ được kiểm tra cẩn thận trước khi tiêm.
Sau khi tiêm:
Tại các điểm tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em sẽ bố trí khu vực để trẻ theo dõi sau khi tiêm. Thông thường, trẻ cần được theo dõi ít nhất 30 phút tại điểm tiêm ngừa để có thể kịp thời phát hiện và xử trí nếu có các dấu hiệu bất thường.
Sau đó, cần tiếp tục theo dõi ít nhất 7-28 ngày sau khi tiêm tại nhà. Trong trường hợp trẻ có các phản ứng như mệt, tức ngực, khó thở, đau bụng dữ dội, buồn nôn/nôn, choáng váng, xuất huyết dưới da, tê quanh môi và lưỡi, cơ thể tím tái… cần thông báo ngay với cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.
Nếu trẻ có các phản ứng như đau, mẩn đỏ, sưng tấy tại vị trí tiêm hoặc/và đau đầu, mệt mỏi nhẹ, sốt nhẹ trong 1-2 ngày, buồn nôn,… thì đây là những phản ứng bình thường của việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em, bố mẹ không cần quá lo lắng. Có thể cho trẻ dùng thuốc giảm đau không chứa aspirin để giảm bớt tình trạng khó chịu này.
Sau khi tiêm về nhà, nên hạn chế cho trẻ hoạt động hoặc tập thể dục mạnh, đồng thời xây dựng thực đơn ăn uống đầy đủ và lành mạnh để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Ngoài ra, cần ghi lại lịch tiêm chủng của trẻ bởi trẻ sẽ được tiêm mũi thứ 2 sau khi hoàn thành tiêm mũi thứ 1 sau 3 tuần. Bố mẹ nên chủ động ghi nhớ lịch tiêm chủng để tránh đưa trẻ đi tiêm sai ngày.
Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em là một việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe của trẻ trước sự đe dọa tấn công của đại dịch. Vì thế, ngay khi được thông báo về lịch tiêm chủng cho con, bố mẹ hãy thu xếp để có thể cho trẻ đi tiêm đúng ngày nhé!