Mẹ và Con - Thuốc tiêm tránh thai sẽ giúp ức chế quá trình rụng trứng, hạn chế sự xâm nhập của tinh trùng từ người bạn đời cũng như hạn chế sự phát triển của niêm mạc tử cung, thai không đủ điều kiện làm tổ.

Tiêm thuốc tránh thai là một trong những phương pháp giúp tránh thai tạm thời được rất nhiều chị em tin tưởng lựa chọn. Thời gian duy trì hiệu quả của thuốc thường rất lâu nên bạn không cần phải sử dụng thuốc mỗi ngày. Tuy nhiên, cũng như dùng thuốc tránh thai đường uống thì sau khi tiêm thuốc tránh thai cũng cần phải ghi nhớ nhiều lưu ý vì có thể sẽ xảy ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

Tìm hiểu rõ hơn về tiêm thuốc tránh thai

tiêm thuốc tránh thai

Phương pháp tránh thai tạm thời này có thể đạt hiệu quả cao hơn 95%. Thuốc tiêm chứa các loại hormone, bao gồm loại chỉ có hormone progestin hoặc cả hai hormone progestin và estrogen. Loại thuốc tiêm này sẽ được chỉ định tiêm bắp sâu, định kỳ khoảng 1 – 3 tháng/lần.

Sau khi tiêm thuốc tránh thai, thời gian duy trì hiệu quả sẽ kéo dài từ 1 – 3 tháng tùy theo từng loại thuốc. Và vì thời gian tác dụng dài nên chị em không cần dùng thêm thuốc mỗi ngày để tránh xảy ra tình trạng quên uống thuốc và làm giảm tác dụng của viên tránh thai đường uống. Không những thế, nếu như có tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng không được tùy ý dừng thuốc lại ngay được.

Bên cạnh đó, thuốc tiêm tránh thai sẽ giúp ức chế quá trình rụng trứng, hạn chế sự xâm nhập của tinh trùng từ người bạn đời cũng như hạn chế sự phát triển của niêm mạc tử cung, thai không đủ điều kiện làm tổ.

Thuốc tiêm tránh thai có chống chỉ định?

Thông thường thuốc tiêm tránh thai sẽ được chỉ định dùng cho những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ muốn tránh thai tạm thời. Và bên cạnh đó, thuốc cũng sẽ chống chỉ định tuyệt đối với một số đối tượng sau đây:

  • Phụ nữ đang mang thai (có trường hợp chưa phát hiện ra)
  • Người mắc bệnh ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng
  • Đối tượng chưa đủ tuổi sử dụng (người dưới 16 tuổi).

Ngoài ra, việc tiêm thuốc tránh thai cũng chống chỉ định tương đối với những đối tượng như sau, bạn có thể tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để có được giải đáp an toàn, chính xác hơn:

  • Người mắc bệnh tăng huyết áp hoặc các bệnh lý liên quan đến mạch máu
  • Người mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống
  • Đối tượng thường bị tắc tĩnh mạch sâu hoặc đã từng bị tai biến mạch máu não
  • Người thường xuyên bị thiếu máu cơ tim
  • Phụ nữ bị ung thư vú đã khỏi 5 năm
  • Người gặp hiện tượng ra máu âm đạo bất thường và chưa biết nguyên nhân
  • Người mắc các bệnh liên quan đến gan mật làm suy giảm chức năng hệ gan hoặc khối u ở gan…

Sau khi tiêm thuốc tránh thai, nếu có mong muốn mang thai trở lại, bạn chỉ cần ngưng tiêm thuốc là được.

Tiêm thuốc tránh thai có an toàn không?

tiêm thuốc tránh thai

Nếu so với các biện pháp tránh thai khác như sử dụng bao cao su, uống thuốc tránh thai… thì tiêm thuốc ngừa thai được đánh giá là phương pháp tránh thai tiện lợi, hiệu quả cao hơn với thời gian tác dụng kéo dài. Và đây cũng là cách tránh thai an toàn và ít gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng không mong muốn. Ngoài ra, tiêm thuốc tránh thai cũng sẽ:

  • Không làm ảnh hưởng đến việc mang thai và sinh con sau này
  • Không làm ảnh hưởng đến quá trình cho con bú, không gây ảnh hưởng đến lượng sữa tiết ra và không gây ra các vấn đề tiêu cực đến bé
  • Không tương tác với các thuốc khác, không gây phù hoặc rối loạn huyết áp, mạch và không làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch
  • Tiêm thuốc tránh thai không cần phải sử dụng thuốc mỗi ngày hoặc trước hay sau khi quan hệ
  • Có tác dụng tránh thai khá cao, hiệu quả lên đến hơn 95% nếu như tiêm đúng lịch.

Tiêm thuốc tránh thai vào thời điểm nào?

Đối với những phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản: Thời điểm tốt nhất sẽ là vào những hành kinh (trong khoảng 7 ngày từ khi có kinh nguyệt).

Đối với những trường hợp phá thai hoặc sảy thai: Nên tiêm sau đó khoảng 7 ngày để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi sau khi nạo phá thai hoặc sảy thai, cơ thể bạn đang rất yếu, nên nếu tiêm thuốc tránh thai có thể sẽ dẫn đến nhiều biến chứng khó lường.

Phụ nữ sau sinh và đang cho con bú: Nên tiêm sau 6 tuần. Hoặc nếu như đang không cho con bú, bạn có thể tiêm sau 3 tuần kể từ khi sinh bé.

Tiêm thuốc tránh thai bao lâu có thể quan hệ?

Đây cũng là thắc mắc được rất nhiều chị em quan tâm, câu trả lời thường sẽ phụ thuộc vào việc bạn tiêm thuốc tránh thai vào thời điểm nào. Một số thông tin bạn có thể tham khảo như:

  • Nếu tiêm trong vòng 7 ngày kể từ ngày có kinh đầu tiên: Thông thường hiệu quả có thể ngay trong suốt chu kỳ đó và bạn không cần phải kiêng quan hệ.
  • Những thời điểm khác trong chu kỳ kinh nguyệt: Bạn nên tránh quan hệ hoặc nếu quan hệ nên sử dụng thêm các phương pháp ngừa thai khác như dùng bao cao su trong 7 ngày kế tiếp sau khi tiêm.
  • Nếu lần tiêm thứ 2 đúng lịch hẹn của bác sĩ thì bạn không cần kiêng quan hệ trong suốt chu kỳ đó.

Ưu nhược điểm của tránh thai bằng đường tiêm

Mỗi biện pháp tránh thai đều có những ưu và nhược điểm riêng. Việc hiểu rõ các ưu – nhược điểm này sẽ giúp chị em có thể cân nhắc kỹ lưỡng hơn cho bản thân của mình.

Ưu điểm của tiêm thuốc tránh thai 

  • Một số loại thuốc tiêm hấp thu chậm, tác dụng kéo dài lâu. Vì thế sau khi tiêm thuốc sẽ phát huy hiệu quả và kéo dài trong 3 tháng và bạn hoàn toàn không cần sử dụng thêm phương pháp tránh thai nào khác.
  • Đối với những chị em đang cho con bú, thuốc còn có khả năng duy trì và tăng sự tiết sữa ở mẹ.
  • Đảm bảo an toàn cho hệ miễn dịch và quá trình sản xuất steroid trong cơ thể.
  • Không gây ra các phản ứng phù nề cho người sử dụng hoặc làm phát triển u xơ tử cung, người bị u xơ tử cung có thể sử dụng được (bạn nên tham khảo thêm sự tư vấn của bác sĩ).
  • Những người mắc bệnh van tim chưa biến chứng vẫn có thể đảm bảo được an toàn khi sử dụng.

Nhược điểm của tiêm thuốc tránh thai

Dù được đánh giá là khá an toàn khi sử dụng, nhưng đã là thuốc thì vẫn có thể xảy ra một số tác dụng phụ nhất định. Đa phần các tác dụng phụ sẽ chỉ xuất hiện trong lần tiêm đầu tiên và kéo dài khoảng 2 – 3 tháng cho đến khi cơ thể quen dần với thuốc:

  • Mất kinh hoặc vô kinh: Do niêm mạc tử cung không phát triển dày lên và bong ra nên sẽ không có hiện tượng kinh nguyệt. Nhìn chung, khi sử dụng phương pháp này, các thay đổi vè chu kỳ kinh nguyệt và các tác dụng phụ phổ biến nhất.
  • Rong kinh/rong huyết: Đây cũng là một tỏng những triệu chứng khá đặc trưng, thời gian hành kinh có thể sẽ kéo dài hơn 7 ngày và máu kinh ra nhiều hơn. Với trường hợp này, chị em nên quan sát và theo dõi kỹ lưỡng, nếu như vẫn kéo dài và xuất hiện ở các lần tiêm sau thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Trong khi theo dõi, bạn nên chú ý bổ sung thêm nhiều thực phẩm giàu sắt hoặc thuốc sắt đường uống để tránh thiếu máu do thiếu sắt.
  • Tăng cân: Thuốc tránh thai có thể gây tăng cân nhanh, thậm chí là tăng 5% cân nặng trong khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, nếu bạn chú ý chế độ dinh dưỡng vẫn có thể phòng ngừa tình trạng này.
  • Loãng xương tạm thời: Phụ nữ tiêm thuốc ngừa thai có thể bị loãng xương tạm thời. Nếu như thời gian dùng thuốc càng lâu thì nguy cơ loãng xương càng cao. Tuy nhiên bạn không quá lo lắng, mật độ xương sẽ trở lại sau khi ngừng tiêm thuốc. Vì thế, để bảo vệ xương, bạn nên rèn luyện cơ thể thường xuyên, chú ý bổ sung thêm canxi thông qua thực phẩm hoặc viên uống bổ sung.
  • Tác dụng phụ khác: Khi tiêm thuốc tránh thai, bạn cũng có thể mắc các tác dụng phụ khác như nhức đầu, căng thẳng lo âu, nổi mụn, rụng tóc…

Trên đây là các thông tin về biện pháp tránh thai bằng tiêm thuốc để chị em có thể cân nhắc khi có nhu cầu áp dụng phương pháp. Các thông tin trên chỉ mang tính tham khảo cao nhằm phục vụ nhu cầu tìm kiếm của chị em. Việc quyết định có nên áp dụng tiêm thuốc tránh thai hay không vẫn cần nhờ vào sự tư vấn kỹ lưỡng của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc về nhà để thực hiện biện pháp tiêm vì có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. 

Bài viết liên quan