Mẹ và Con - Hoàn thiện kỹ năng nói cho trẻ là một trong những bí quyết giúp trẻ thành công trong tương lai. Tuy nhiên không phải bất kỳ trẻ nào cũng hoàn thiện kỹ năng nói đúng độ tuổi, sẽ có trẻ học nói nhanh hơn và đương nhiên sẽ có trẻ chậm nói hơn so với các bạn cùng trang lứa. Cùng Mẹ và Con tập nói cho bé 2 tuổi bằng các phương pháp sau đây nhé!

Khi bé được 2 tuổi, bé sẽ có khả năng xâu chuỗi lại một số từ trong các cụm từ ngắn từ 2 – 4 từ. Mẹ có thể nhận thấy bé nói những câu rất vô tư và đáng yêu như: “Mẹ, tạm biệt”, “Muốn… sữa”… Đồng thời trẻ sẽ hiểu một vài từ mang nghĩa trừu tượng chỉ đồ vật. Tuy nhiên nhiều trẻ 2 tuổi vẫn chưa thể diễn đạt được những câu đơn giản thì rất có thể trẻ bị chậm nói. Lúc này bố mẹ có thể áp dụng một số phương pháp tập nói cho bé 2 tuổi sau đây.

Nói chuyện với trẻ nhiều hơn

Lắng nghe cũng là một kỹ năng quan trọng để hoàn thiện kỹ năng nói của trẻ, khi nghe người khác nói bé sẽ được tiếp thu vốn từ vựng mới và kích thích trẻ giao tiếp. Với trẻ nhỏ hơn bố mẹ có thể nói với trẻ những từ đơn giản như: bố, mẹ… dần dần trẻ sẽ bắt chước và nói lại theo bạn. Đồng thời hãy luôn khen ngợi mỗi khi con đáp lại. Còn nếu trẻ không nói được, hãy kiên nhẫn lặp lại từ đó nhiều lần và khuyến khích con tiếp tục phát âm nữa.

Khi muốn dạy trẻ 2 tuổi tập nói, bạn nên tranh thủ thời gian rảnh để trò chuyện với trẻ. Hãy cố gắng nói thật chậm và rõ ràng từng chữ một. Bố mẹ tuyệt đối không phát âm dạng “ngọng” để trêu bé, việc này sẽ khiến trẻ khó phát âm khi bắt chước theo. Khi nói, bạn có thể kết hợp sử dụng các động tác tay, chẳng hạn tạm biệt thì nên kết hợp vẫy tay, nhận quà bằng 2 tay… Hãy nói chuyện mọi lúc với trẻ khi có thể. Mẹ và Con tin rằng sau một khoảng thời gian ngắn trẻ sẽ thay đổi rất nhiều.

tập nói cho bé

Nói với trẻ hành động bạn đang thực hiện

Việc giải thích cho trẻ biết bạn đang làm gì sẽ giúp trẻ mở rộng từ vựng và hiểu rằng hành động đó có tên gọi là gì. Ví dụ bạn đang nấu cơm, bạn có thể nói: “Mẹ đang nấu cơm cho bé… ăn nè”, “Mẹ đang chuẩn bị đồ cho con đi tắm”… Nếu áp dụng phương pháp tập nói cho bé 2 tuổi này, sau một khoảng thời gian bạn sẽ bất ngờ về số lượng từ vựng mà trẻ học được đấy.

Tạo cơ hội cho trẻ giải quyết vấn đề

Dù trẻ chậm nói sẽ không thể giao tiếp thông thường bằng lời nói, nhưng vẫn có thể giao tiếp bằng thái độ, cử chỉ hay điều bộ cơ thể. Nếu trẻ muốn thực hiện một điều gì đó, hãy để trẻ tự thực hiện. Ví dụ trẻ muốn lấy một món đồ gì đó hãy để trẻ tự thực hiện, miễn món đồ đó trong tầm với của trẻ và không gây nguy hiểm cho trẻ là được. Khi trẻ tự thực hiện những hành động này sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, lúc này trẻ sẽ bị đưa vào thế bắt buộc lên tiếng để diễn đạt mong muốn của mình.

Không bắt chước cách nói chuyện của trẻ

Chắc hẳn trong quá trình dạy trẻ tập nói sẽ xuất hiện tình trạng nói ngọng, nói líu lưỡi… đây được xem là giai đoạn đáng yêu của trẻ. Vì vậy nhiều bố mẹ cố tình trêu con để nghe được những câu “không chuẩn” của trẻ với mục đích là gây cười. Việc làm này là hoàn toàn không đúng các bố mẹ nhé! Vì khi tập nói cho bé 2 tuổi những hành động nhại lại giọng con sẽ khiến con dễ bị hiểu lầm là mình đã nói đúng, điều này ảnh hưởng rất lớn đến cách phát âm sau này của trẻ. 

dạy bé tập nói

Tạo môi trường để trẻ phát huy khả năng nói của mình

Các chương trình trên tivi, video clip trên điện thoại có thể giúp trẻ tăng vốn từ vựng nhưng không thể giúp trẻ nói chuyện tốt. Chỉ có những người bạn đồng trang lứa là “người dạy” trẻ nói chuyện nhanh nhất.  Vì vậy, các bạn nên tạo điều kiện để trẻ có thể tiếp xúc và chơi với nhiều trẻ cùng tuổi. Khi được tiếp xúc với trẻ cùng tuổi, trẻ sẽ dần trở nên dạn dĩ, nhanh nhẹn và bộc lộ cảm xúc qua lời nói tốt hơn.

Đọc sách, đọc truyện cho trẻ nghe 

Sách chính là “liều thuốc” thần kỳ đối với trẻ chậm nói. Khi ôm con vào lòng, bố mẹ nên cầm trên tay một quyển sách, cuốn truyền, tập thơ… phù hợp với độ tuổi của trẻ. Qua những con chữ bé nghe được từ bố mẹ sẽ giúp nâng cao vốn từ vựng của trẻ. Bên cạnh đó, bạn cũng giúp trẻ kích thích trí não và nâng cao kiến thức phù hợp với độ tuổi của trẻ. Khi đọc sách cho con, bạn nên chọn những quyển có hình ảnh và màu sắc tươi sáng để trẻ cảm thấy thích thú hơn nhé.

Hát cho con nghe

Để tập nói cho bé 2 tuổi, các bạn không nên bỏ qua phương pháp hát cho trẻ mỗi ngày. Đây là cách tốt nhất để giúp trẻ ghi nhớ vốn từ vựng mới mà không hề gây nhàm chán. Bên cạnh đó, giai điệu vui tươi từ những bài hát thiếu nhi cũng góp phần giúp trẻ ghi nhớ từ lâu hơn. Đây là một cách dạy trẻ chậm nói khá đơn giản nhưng lại rất hiệu quả mà các chuyên gia nhi khuyến cáo bạn nên sử dụng.

Gọi tên bé

Đối với các bé 2 tuổi đã có thể phản xạ lại khi được gọi tên. Chính vì vậy, gọi tên bé là phương pháp tập nói cho bé 2 tuổi nhanh nhất mà bố mẹ nên áp dụng. Vì tên của bé chính là âm thành mà bé thường xuyên nghe nên ghi nhớ được rất lâu. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên lưu ý việc giao tiếp ánh mắt với trẻ. Tránh tình trạng nói chuyện với bé nhưng lại quay sang chỗ khác, hay tệ hơn là làm một việc khác. Bằng cách gọi tên và giao tiếp bằng mắt sẽ giúp bé dễ dàng đoán được ý của câu nói hơn.

tập nói

Mô tả các đồ vật mà trẻ đang tương tác

Mỗi độ tuổi sẽ có những vấn đề được quan tâm khác nhau, đối với bé 2 tuổi chắc hẳn sẽ là những món đồ chơi quen thuộc và yêu thích. Vì vậy, khi bố mẹ tập nói cho bé 2 tuổi nên thường xuyên miêu tả những món đồ chơi, dụng cụ ăn uống, quần áo yêu thích của trẻ. 

Ví dụ: bạn có thể nói, “Đây là thìa của con!” hoặc “con có muốn chăn của mình không? Đây là chiếc chăn ấm áp đẹp đẽ của con đây”.

Ngay cả khi bé vừa chào đời, bé cũng dần hình thành một thói quen nào đó như bú sữa, cầm nắm… tuy rằng bé sẽ không biết phát âm nhưng khi bố mẹ nhắc đến hành động đó bé sẽ hiểu ý và làm theo. 

Tập nói cho bé 2 tuổi là một trong những giai đoạn đầy khó khăn của nhiều bố mẹ. Chính vì vậy sẽ nảy sinh nhiều vấn đề không hề dễ chịu, nhưng bạn không nên ép trẻ khi trẻ không thích. Đồng thời cũng đừng quên khen ngợi mỗi khi trẻ đọc to rõ một từ vựng nào đó. Đây sẽ là động lực rất lớn giúp trẻ yêu thích hơn với việc tập nói.

Bài viết liên quan