Mẹ và Con - Cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da sao cho hiệu quả để cải thiện màu da của bé nhanh chóng là mối quan tâm của nhiều bậc cha mẹ. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con khám phá bí quyết qua bài viết dưới đây nhé!

Trẻ sinh non thường dễ gặp tình trạng vàng da. Tắm nắng là một trong những phương pháp khắc phục hiệu quả. Tuy nhiên, việc tắm nắng cho trẻ có biểu hiện vàng da cần thực hiện khác so với trẻ bình thường. Vậy làm thế nào để tắm nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da an toàn và hiệu quả?

Vàng da ở trẻ sơ sinh là như thế nào?

Vàng da ở trẻ sơ sinh là tình trạng da và niêm mạc của trẻ mới sinh trở nên vàng do sự gia tăng nồng độ bilirubin toàn phần trong máu, dẫn tới bilirubin lắng đọng trên da. Tình trạng này thường xuất hiện trong 2 tuần đầu đời. Đây là nguyên nhân phổ biến làm nhiều trẻ phải nhập viện sau sinh. Trong tuần đầu tiên sau khi sinh, các trường hợp sinh đủ tháng bị vàng da là khoảng 60%, sinh non là 80%.

Các loại vàng da ở trẻ sơ sinh

Vàng da sinh lý

Vàng da sinh lý thường xuất hiện trong 1-2 tuần đầu sau sinh và tự biến mất, không gây ra bất kỳ triệu chứng bất thường nào. Do đó, ba mẹ có thể hoàn toàn yên tâm. Tình trạng vàng da nhẹ thường chỉ xuất hiện tại vùng mặt, cổ, ngực và bụng trên rốn, đi kèm những dấu hiệu bất thường khác.

tắm nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da

Vàng da bệnh lý

Theo một số nghiên cứu, vàng da bệnh lý chiếm khoảng 2-5% tổng số trẻ sơ sinh. Nếu sau 2 tuần, trẻ vẫn vàng da toàn thân, bao gồm cả lòng bàn tay, bàn chân và giác mạc, kèm theo các biểu hiện bất thường như bỏ bú, trẻ lên cơn co giật, ba mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Điều trị chậm trễ có thể dẫn đến nhiễm độc thần kinh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Tắm nắng có chữa được vàng da cho trẻ sơ sinh?

Nhiều mẹ tin rằng tắm nắng cho trẻ sơ sinh có thể chữa vàng da ở trẻ. Tuy nhiên, quan điểm này chỉ đúng với trường hợp vàng da sinh lý. Đối với vàng da bệnh lý, khi chỉ số bilirubin quá cao, tắm nắng cho trẻ sơ sinh sẽ không còn hiệu quả mà cần sự can thiệp của y học hiện đại để điều trị.

Đối với trẻ bị vàng da sinh lý, tắm nắng là phương pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng này. Tuy nhiên, ba mẹ không nên cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng ngay sau khi chào đời, vì lúc này da bé còn rất mỏng manh và dễ bị tổn thương. Tốt nhất, nên bắt đầu tắm nắng cho bé sau khoảng 1-2 tuần tuổi.

Khi trẻ bị vàng da, nuôi con bằng sữa mẹ thường xuyên là cách tốt nhất để bổ sung dinh dưỡng và hỗ trợ cơ thể loại bỏ bilirubin ra khỏi cơ thể. Bên cạnh đó, tắm nắng cho trẻ sơ sinh không chỉ giúp cải thiện tình trạng vàng da mà còn cung cấp vitamin D, giúp xương và răng chắc khỏe. Biện pháp này còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tuần hoàn máu và kích thích tái tạo hồng cầu, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu sinh lý ở trẻ sơ sinh.

Cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da

Thông thường, tắm nắng chỉ phù hợp để điều trị vàng da sinh lý ở trẻ. Đối với các trường hợp vàng da bệnh lý, ba mẹ nên đưa trẻ đi khám để nhận được phương pháp điều trị thích hợp. Dưới đây là các bước tắm nắng đúng cách cho trẻ:

Trong ngày đầu tắm nắng, mẹ nên đặt bé trong bóng râm để bé làm quen dần. Hãy cho bé mặc quần áo bình thường, sau đó kéo áo lên để lộ phần bụng và lưng, giúp ánh nắng tiếp xúc trực tiếp với da. Sang ngày thứ hai, chỉ nên tắm nắng cho bé từ 5-10 phút để bé dần thích nghi với ánh nắng mặt trời.

tắm nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da đúng cách

Mẹ cần chú ý theo dõi có biểu hiện bất thường gì trên da của trẻ không để điều chỉnh thời gian tắm nắng phù hợp. Khi trẻ dần quen với việc tắm nắng, trong những ngày tiếp theo, mẹ có thể tiến hành tắm nắng cho trẻ sơ sinh trong 15 – 20 phút và tối đa 30 phút.

Khi tăm nắng cho trẻ sơ sinh, mẹ không nên cho bé mặc quá nhiều quần áo, chỉ cần quần đùi để bé có thể hấp thụ ánh nắng tốt hơn. Lưu ý, luôn đội mũ và quấn khăn che mắt để bảo vệ đầu và mắt của bé khỏi tác động của ánh nắng mặt trời, mẹ nhé!

Lưu ý khi tắm nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da

Để thực hiện tắm nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da hiệu quả nhất, các bậc phụ huynh nên nắm rõ những lưu ý quan trọng này:

  • Có thể thực hiện tắm nắng cho bé sau 7 – 10 ngày tuổi.
  • Thời điểm phù hợp để tắm nắng cho trẻ là khi mặt trời vừa lên.
  • Tránh tắm nắng vào lúc 10 – 16 giờ trong ngày, do đây là thời điểm tia cực tím hoạt động mạnh sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho da.
  • Mỗi ngày, ba mẹ có thể tăng thêm 5 phút tắm nắng cho con.
  • Tuỳ theo thời tiết mỗi vùng miền, với khu vực nhiều nắng, thời gian tắm nắng của con nên được rút ngắn.
  • Tránh tắm nắng cho con qua cửa kính, do da bé không được tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
  • Cho trẻ bú sau khi tắm nắng, giúp con bù lại năng lượng đã mất.
  • Ưu tiên cho trẻ mặc tã hay quần áo ngắn tay khi tắm nắng.
  • Tránh tắm với nước ngay cho con sau khi mới tắm nắng.
  • Khi tắm nắng, mẹ nên sử dụng khăn mềm thấm mồ hôi liên tục, tránh tình trạng mồ hôi tích tụ trên da lâu, dễ gây cảm lạnh cho bé cưng.
  • Trong quá trình tắm nắng, nếu mẹ thấy xuất hiện biểu hiện kích ứng da của trẻ, hãy đưa bé đi khám ngay nhé.

lưu ý khi tắm nắng cho trẻ sơ sinh

Trên đây là những thông tin hữu ích về cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bé nhanh chóng cải thiện tình trạng vàng da, hấp thu vitamin D. Đối với những bé bị vàng da nặng, ba mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời, nhằm tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé sau này nhé.

Bài viết liên quan