Với những ai yêu thích nấu nướng, rượu nấu ăn là một nguyên liệu không còn xa lạ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ cách ứng dụng mỗi loại rượu khi chế biến món ăn.
Rượu nấu ăn là gì?
Rượu nấu ăn (rượu gia vị) được dùng như một loại gia vị trong nấu ăn. Loại rượu này thường có mùi thơm, hương vị đặc trưng. Do đó, khi nấu nướng sẽ làm khơi dậy mùi vị đậm đà và thơm ngon cho món ăn. Hơn nữa, một vài loại rượu nấu ăn còn có khả năng khử mùi nguyên liệu, giúp món ăn chín mềm nhanh chóng.
Công dụng của rượu nấu ăn
Rượu nấu ăn có nhiều công dụng, thường được chia thành 3 phần gồm công dụng trong sơ chế, công dụng trong nấu ăn, công dụng trong bảo quản.
Công dụng của rượu nấu ăn trong sơ chế
- Khử mùi tanh của cá: Khi muốn khử mùi tanh của cá, bạn hãy ngâm cá vào trong rượu. Rượu sẽ giúp hòa tan những chất amin gây mùi tanh. Khi nấu với nhiệt độ cao, rượu bay hơi làm những chất tanh cũng theo rượu bay mất.
- Diệt khuẩn cho rau quả: Để loại bỏ vi khuẩn và bụi bẩn cho rau quả, bạn có thể thử ngâm rau quả với rượu trắng thay vì muối. Tuy nhiên, bạn tránh thực hiện cách này với các món salad, vì có thể làm thay đổi hương vị món ăn.
- Ướp thịt thơm hơn: Bạn có thể lấy rượu nấu ăn ướp với nước sốt thịt. Khi được nướng lên, thịt sẽ vừa thơm vừa ngon. Bởi rượu nấu ăn có thể phản ứng với những axit tự do để tạo thành este mùi thơm.
- Giúp làm lông gà, lông vịt dễ dàng: Khi làm lông gà và lông vịt, dùng rượu nấu ăn sẽ giúp bạn vặt lông gà, lông vịt dễ dàng hơn. Vì nguyên liệu này sẽ làm thân nhiệt của gà và vịt nóng lên, phần chân lông nở ra. Nhờ đó, bạn có thể dễ dàng nhổ lông các loại gia cầm này.
- Giúp thịt bò mềm hơn: Khi sơ chế thịt bò, bạn thêm vài giọt rượu vang đỏ có thể giúp làm mềm thịt. Vì rượu có tính axit nên khi tác động lên protein trong thịt bò sẽ giúp làm thịt mềm, từ đó sẽ làm các món ngon từ thịt bò trở nên hấp dẫn hơn.
Công dụng của rượu nấu ăn khi chế biến
- Khử mùi hôi của thịt lợn: Khi chế biến thịt lợn, nhiều người thường dùng rượu trắng để thịt lợn luộc thơm hơn, đánh bay mùi hôi khó chịu từ thịt. Khi luộc thịt gần chín, bạn hãy nhỏ vài giọt rượu trắng vào nồi nhé.
- Làm chín cơm sống: Khi cơm bị nửa sống nửa chín, bạn hãy cho vài muỗng rượu vào nồi cơm, sau đó nấu thêm khoảng 5-10 phút là cơm của bạn sẽ chín mềm.
- Giảm vị chua của giấm: Để tạo độ chua cho món ăn, nhiều người thường giấm. Tuy nhiên, khi lỡ cho giấm quá nhiều vào trong món ăn, bạn có thể thêm một ít rượu trắng. Điều này sẽ giúp độ chua của giấm giảm đi rất nhiều. Do rượu sẽ làm oxy hoá giấm thành CO2 và H2O, giảm độ chua dung dịch.
Công dụng của rượu khi bảo quản thức ăn
- Giúp bảo quản thịt được lâu mà không cần tủ lạnh: Nếu tủ lạnh bị hư mà bạn muốn bảo quản thịt, thì đã có rượu nấu ăn. Sau khi rửa sạch thịt, bạn hãy cho rượu trắng vào một chiếc tô (lượng rượu xâm xấp lượng thịt), sau đó lấy tay bóp nhẹ cho rượu ngấm vào thịt. Tiếp theo, bạn cho thịt đã ngấm rượu vào túi nilon rồi bọc kín, đặt ở nơi khô thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp. Bí quyết này sẽ giúp bạn bảo quản thực phẩm không cần tủ lạnh trong khoảng 2-3 ngày.
- Bảo quản thịt gà và thịt vịt tươi ngon, tránh nhạt màu: Nếu muốn bảo quản thịt gà và thịt vịt lâu mà không mất dưỡng chất hoặc nhạt màu, bạn hãy tẩm rượu vào thịt rồi bịt kín chúng và cất vào tủ lạnh nhé.
Các loại rượu nấu ăn phổ biến
Rượu Mirin
Đây là loại rượu được sử dụng trong nhiều món ăn Nhật. Rượu Mirin được làm bằng cách lên men koji, nếp, cồn khoảng 40 – 60 ngày, nhằm tiết ra các loại đường. Sau đó, người ta sẽ ép lấy nước cốt, lọc cặn và thu được rượu Mirin dùng để nấu ăn.
Loại rượu này có nồng độ cồn 14% và có vị ngọt. Vì thế, rượu Mirin là sự lựa chọn lý tưởng khi bạn nêm nếm các món ăn.
Rượu Ryorishu
Rượu Ryorishu cũng có nguồn gốc từ Nhật Bản. Loại rượu này được lên men từ gạo, koji, men, nước. Khi tất cả nguyên liệu đã lên men sẽ được mang đi ép, lọc lấy phần nước cốt.
Nồng độ cồn trong Ryorishu vừa phải. Loại rượu này sẽ giúp thịt mềm, tươi và ngọt hơn khi chế biến. Vì thế, rượu Ryorishu rất phù hợp khi nấu cùng những món thịt.
Rượu vang
Nhắc đến những món Âu, thì trong gia vị không thể thiếu rượu vang. Những loại rượu vang đỏ, trắng từ Ý, châu Âu sẽ mang tới hương vị hơi chát, nồng và khử mùi thịt rất tốt.
Rượu vang lên men từ nho, cũng thường được cho lên men và ép lấy phần nước cốt. Do có khả năng khử mùi cao, loại rượu này thường được dùng trong chế biến những món thịt như thịt cừu, thịt bò…
Rượu mai quế lộ
Rượu mai quế lộ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Loại rượu này được nấu từ gạo hoa hồng, đường phèn và những nguyên liệu như hồi, quế, thảo quả. Tất cả sẽ tạo nên mùi hương thơm ngon đặc trưng.
Rượu mai quế lộ thường được dùng trong chế biến các món nưåớng, món trứng muối, bánh trung thu để khử mùi và giúp món ăn có màu sắc bắt mắt.
Một số lưu ý khi dùng rượu nấu ăn
Khi sử dụng rượu nấu ăn, bạn nên lưu ý những điều này nhé:
- Lượng rượu được thêm vào sẽ tùy thuộc món ăn, khối lượng bạn nấu và tính đặc trưng của hương vị món ăn đấy.
- Khi ướp thịt, bạn hãy áp dụng tỷ lệ vàng là 1 muỗng canh rượu : 1kg thịt.
- Tránh chế biến món ăn với rượu không rõ nguồn gốc, rượu chất lượng thấp, rượu hết hạn. Bởi chúng sẽ làm mất hương vị đặc trưng và độ thơm ngon của các món ăn.
- Khi ướp rượu cho các món nướng, bạn nên ướp trong 2 tiếng. Với các món hấp hoặc luộc, rượu nấu ăn thường được cho vào trong lúc chế biến.
Rượu nấu ăn là nguyên liệu vô cùng quen thuộc trong bếp của chị em nội trợ hiện đại. Hy vọng với những thông tin trên phái đẹp có thể hiểu hơn về rượu nấu ăn và cách dùng mỗi loại đúng cách. Bạn hãy dùng rượu nấu ăn một cách sáng tạo để tạo ra các món ăn ngon và hấp dẫn cho bữa cơm gia đình nhé.