Lượng hóc-môn sinh sản càng cao càng giảm khả năng thụ thai
Từ trước đến nay, các nhà khoa học đều tin rằng lượng hóc-môn cao là một trong những yếu tố quan trọng giúp phụ nữ tăng cơ hội thụ thai khi áp dụng phương pháp IVF. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy điều ngược lại.
Nghiên cứu mới nhất từ Đại học bang Michigan vừa được công bố trên tạp chí Fertility and Sterility cho thấy phụ nữ có quá nhiều hormone kích thích nang (FSH) sẽ làm giảm khả năng sinh sản. Công bố này đã đi ngược lại với niềm tin của các nhà khoa học khi trước đó họ đều cho rằng càng nhiều hóc-môn FSH thì cơ hội thụ thai sẽ càng cao.
FSH tăng cao là nguyên nhân bất lợi cho sự sống sót của các phôi thai trong IVF
Trong nghiên cứu này, các dữ liệu tập hợp từ hơn 650.000 chu kỳ IVF được tiến hành trên những phụ nữ Mỹ. Đồng tác giả của nghiên cứu, giáo sư James Ireland cho biết: “Nghiên cứu này khẳng định FSH tăng cao là nguyên nhân bất lợi cho sự sống sót của các phôi thai”. Ông cũng cho biết thêm “nồng độ FSH tăng cao, sẽ làm giảm 15-20% cơ hội sống sót của các phôi thai” và “nghiên cứu này không chỉ cho biết hiệu ứng ngược của sự gia tăng nồng độ FSH mà còn cung cấp dữ liệu trong tương lai để giúp xác định đúng tỷ lệ FSH trong việc tiến hành phương pháp IVF”.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng tỷ lệ thành công của phương pháp IVF còn phụ thuộc nhiều vào độ tuổi của phụ nữ: dưới 35 tuổi tỷ lệ thành công là 41%; phụ nữ tuổi từ 35-37 tỷ lệ thành công là 32% và con số này sẽ là 23% đối với những phụ nữ tuổi từ 38-40.
Vai trò thực sự của hóc-môn sinh sản FSH
Hóc-môn sinh sản (FSH) có nhiệm vụ kích thích sinh sản. Nó được tuyến yên trong não sản xuất ra và được kiểm soát bởi một hệ thống phức tạp liên quan đến các hóc-môn được sản xuất bởi các cơ quan sinh dục (buồng trứng hoặc tinh hoàn), tuyến yên và vùng dưới đồi.
Ở nữ giới: Hóc-môn FSH có nhiệm vụ kích thích trứng trong buồng trứng chín và rụng đúng chu kỳ kinh nguyệt. Việc duy trì mức FSH ổn định trong suốt chu kỳ sẽ mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với khả năng sinh sản. Và nhiệm vụ giúp tuyến yên kiểm soát lượng FSH ổn định sẽ do estradiol và progesterone đảm nhận. Cả hai hoc-môn này đều được sinh ra trong các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt.
Khi tiến hành phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, các bác sĩ sẽ dùng FSH để kích thích các nang trong buồng trứng trưởng thành càng nhiều càng tốt nhằm có thể thu hồi được một lượng lớn để phục vụ cho công việc.
Ở nam giới: FSH có nhiệm vụ kích thích tinh hoàn sản xuất tinh trùng trưởng thành, đồng thời hỗ trợ cơ thể sản xuất các protein liên kết với androgen. Vào tuổi dậy thì, mức độ FSH ở nam giới đã tương đối ổn định.