Mẹ&Con - Khi có ý định mang thai, bạn nên đi khám sức khỏe toàn diện và tiêm phòng những bệnh có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Có rất nhiều bệnh nếu được tiêm phòng ngay từ đầu sẽ giảm thiểu được khả năng mắc bệnh.

Khám sức khỏe toàn diện

Trước khi có thai, hai vợ chồng bạn nên thu xếp đi khám sức khỏe toàn diện để có thể điều trị kịp thời. Nếu bạn mắc bệnh tim mạch sẽ cần phải có chế độ theo dõi sức khỏe đặc biệt, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và bé, ngoài ra còn có các bệnh động kinh, viêm gan hay thiếu máu, v.v.. Các bệnh mãn tính khác cũng cần được chú ý như thận, đái tháo đường. Các bệnh viêm nhiễm ở đường sinh dục (nếu có) nên điều trị khỏi cho cả hai vợ chồng trước khi bạn mang thai.

Một số xét nghiệm bạn nên làm

– Xét nghiệm công thức máu: Xem bạn có bị mắc các bệnh về máu như thiếu máu, bất thường tế bào máu, v.v. hay không. Xét nghiệm này cũng cho bạn biết nhóm máu của mình.

– Xét nghiệm hóa sinh máu: Kiểm tra bệnh tiểu đường, xem xét chức năng gan, thận cũng như phát hiện các bất thường khác nếu có.

– Xét nghiệm nước tiểu: Để xem bạn có các yếu tố bất thường về hồng cầu, bạch cầu, protein, glucose, vi khuẩn, v.v. hay không.

– Siêu âm ổ bụng: Nhằm phát hiện các bất thường trong ổ bụng như: gan, lách, tụy, thận, tử cung, buồng trứng.

– Điện tâm đồ: Phát hiện các bệnh về tim như rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, v.v..

– Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường máu: viêm gan B, HIV/AIDS, v.v..

– Kiểm tra các bệnh di truyền: Một số bệnh như chứng máu không đông, u nang xơ, v.v. đều có nguy cơ di truyền cho bé. Do đó, nếu bạn hoặc chồng hoặc người thân của hai vợ chồng mắc bệnh có thể di truyền, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi hai vợ chồng quyết định có con để đánh giá mức độ rủi ro mà bạn có thể gặp phải. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng, chỉ khi nào cả hai vợ chồng cùng mang gen di truyền gây bệnh thì bé mới có nguy cơ mắc bệnh cao.

Phòng bệnh trước thai kỳ

Khám phụ khoa

Khám phụ khoa nhằm kiểm tra các yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc mang thai như: viêm nhiễm đường sinh dục, cổ tử cung, v.v.. Bạn cũng có thể đề nghị kiểm tra về khả năng thụ thai của mình. Những xét nghiệm cần thiết sẽ giúp bạn xác định rõ những nguy cơ mà bạn hay bé yêu có thể gặp phải trong thai kỳ.

 Khám nha khoa

Đừng nghĩ nha khoa thì chẳng liên quan gì đến việc mang thai mà bỏ qua khâu này. Nếu không kiểm tra nướu răng và điều trị kịp thời các bệnh nha chu (nếu có), bạn có thể mắc chứng tiền sản giật (cao huyết áp thai kỳ). Bên cạnh đó, chế độ ăn uống đặc biệt trong quá trình mang thai và sau khi sinh cũng ảnh hưởng xấu đến răng miệng của bạn.

Để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh viêm lợi, viêm quanh cuống, abces răng, v.v. sẽ gây khó khăn trong thời kỳ mang thai và cho con bú, bạn cần được lấy cao răng, làm sạch răng thường xuyên bằng chỉ nha khoa. Ngoài ra, nếu muốn làm trắng răng, bạn hãy đợi sau khi có em bé, vì vẫn chưa chắc chắn những chất làm trắng có đủ an toàn cho bạn và thai nhi hay không.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm

Bệnh cúm là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Nhiễm vi rút cúm ngay trước khi mang thai sẽ khiến bạn có nguy cơ bị sẩy thai khá cao. Còn nếu bị cúm trong 3 tháng đầu của thai kỳ, bé sinh ra có nguy cơ mắc dị tật. Vì thế, bạn nên tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm trước khi mang thai. Vắc-xin cúm chỉ có tác dụng trong vòng 1 năm và sau khoảng 2 tháng tiêm phòng, bạn mới nên có thai.

 Vắc-xin bệnh Rubella

Nếu mắc bệnh Rubella trong thời kỳ mang thai, bé có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bạn cần kiểm tra xem đã từng bị nhiễm Rubella chưa bằng xét nghiệm máu; nếu đã tiêm phòng Rubella, hoặc có kháng thể chống bệnh Rubella thì không cần phải chích ngừa nữa mà chỉ cần kiểm tra lại để xem kháng thể chống Rubella còn hiệu quả không.

Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý, nếu cơ thể có nồng độ kháng thể chống Rubella (tự nhiên hay do chích ngừa) quá cao thì cũng rất dễ bị sẩy thai. Do đó, muốn tiêm phòng bệnh này, bạn cần có sự chỉ dẫn, tư vấn của bác sĩ. Khi tiêm phòng Rubella, tốt nhất 3 – 4 tháng sau mới nên có thai. Trong trường hợp bạn tiêm phòng cả cúm và Rubella thì mỗi mũi phải cách nhau 1 tuần.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên chích ngừa các bệnh viêm gan B, uốn ván và thủy đậu, nếu chưa từng được chích ngừa các bệnh này. Với bệnh uốn ván, bạn chỉ cần tiêm phòng nếu lần tiêm phòng trước cách đây đã 10 năm.

* Lưu ý: Thời gian tốt nhất để bạn mang thai là 3 – 6 tháng sau khi tiêm phòng.

> Uống thuốc trị mụn có gây vô sinh không

> 5 bữa ăn dinh dưỡng cho bà bầu

Tags:

Bài viết liên quan

uống thuốc trị mụn

Bác sĩ giải đáp: Uống thuốc trị mụn có gây vô sinh không?

Mẹ và Con - Hiện nay trong lĩnh vực làm đẹp đã xuất hiện nhiều phương pháp trị mụn và gây ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây mụn, ngăn ngừa sự tái phát của mụn. Trong đó, có nhiều chị em chọn cách uống thuốc trị mụn, tuy nhiên uống thuốc trị mụn có gây vô sinh không, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!