Các cột mốc nhận thức thể hiện những bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Phát triển nhận thức đề cập đến cách trẻ suy nghĩ, học hỏi, khám phá, ghi nhớ và giải quyết vấn đề. Từ giai đoạn sơ sinh cho đến 5 tuổi, trẻ sẽ trải qua những giai đoạn phát triển nhận thức khác nhau.
Các cột mốc phát triển nhận thức của trẻ
Trong lịch sử, trẻ sơ sinh thường được coi là “những sinh vật đơn giản, thụ động”. Thậm chí, trước thế kỷ 20, trẻ em thường được coi đơn giản là phiên bản thu nhỏ của người lớn. Mãi cho đến khi các nhà tâm lý học như Jean Piaget đề xuất rằng, trẻ em suy nghĩ khác với người lớn thì mọi người mới bắt đầu ghi nhận các cột mốc phát triển nhận thức của trẻ và đồng ý rằng, từ lúc chào đời thì nhận thức của trẻ đã bắt đầu phát triển.
Trên thực tế, trẻ sơ sinh luôn học hỏi, suy nghĩ và khám phá thế giới xung quanh. Ngay cả trẻ sơ sinh từ 0-6 tháng tuổi cũng đang tích cực tiếp nhận thông tin và học hỏi những điều mới. Ngoài việc thu thập thông tin mới về con người và thế giới xung quanh, trẻ sơ sinh còn liên tục khám phá những điều mới về bản thân. Và sự phát triển nhận thức của trẻ sẽ không ngừng được “nâng cấp”, cụ thể:
Từ sơ sinh đến 3 tháng
Ba tháng đầu đời của một đứa trẻ là khoảng thời gian kỳ diệu. Các mốc phát triển chính ở độ tuổi này tập trung vào việc khám phá các giác quan cơ bản và tìm hiểu thêm về cơ thể và môi trường.
Trong giai đoạn này, hầu hết trẻ sơ sinh bắt đầu:
- Thể hiện các hành vi như tìm và mút ở vị trí của núm vú hoặc bình sữa
- Phát hiện sự khác biệt về cao độ và âm lượng của âm thanh
- Nhận biết các đối tượng rõ ràng hơn trong khoảng cách 33 cm
- Tập trung vào các đối tượng chuyển động, bao gồm cả khuôn mặt của bố mẹ và những người chăm sóc trẻ
- Nhìn được tất cả các màu của quang phổ thị giác của con người
- Phân biệt giữa các vị, từ ngọt, mặn, đắng, chua
- Sử dụng nét mặt để biểu thị một số cảm xúc của trẻ
Từ 3 đến 6 tháng
Ở giai đoạn đầu đời, khả năng nhận thức của trẻ sơ sinh vẫn đang phát triển. Từ 3–6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh bắt đầu phát triển khả năng nhận thức mạnh mẽ hơn. Ở độ tuổi này, hầu hết các bé bắt đầu:
- Bắt chước nét mặt
- Phản ứng với những âm thanh quen thuộc
- Nhận ra những khuôn mặt quen thuộc
- Đáp lại nét mặt của người khác
Từ 6 đến 9 tháng
Hiểu được suy nghĩ của trẻ sơ sinh khi con chưa biết nói không phải là một chuyện dễ dàng với bố mẹ và những người chăm sóc trẻ bởi lúc này, trẻ sẽ không thể biểu đạt rõ ràng cảm xúc, trạng thái của mình thông qua lời nói. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bố mẹ không thể hiểu được trẻ vì con sẽ có những cách ra tín hiệu khác.
Từ 6 đến 9 tháng, trẻ có thể:
- Nhìn lâu hơn vào những thứ gây chú ý cho trẻ, chẳng hạn như các vật lơ lửng trên không trung
- Biết cách ra hiệu cho bố mẹ như cựa quậy, bám mẹ hơn, khóc khi gặp điều mình không thích,…
Nhận biết sự khác biệt giữa các hình ảnh mô tả số lượng đối tượng khác nhau - Hiểu sự khác biệt giữa các đối tượng động và đứng yên
- Xác định khoảng cách của một đối tượng
Từ 9 đến 12 tháng
Khi trẻ sơ sinh trở nên “lão luyện” hơn về thể chất, và điều này giúp trẻ phát triển nhận thức tốt hơn, có thể khám phá thế giới xung quanh nhiều hơn. Ngồi dậy, bò và đi chỉ là một số cột mốc quan trọng về thể chất cho phép trẻ sơ sinh hiểu biết nhiều hơn về thế giới xung quanh.
Khi gần một tuổi, hầu hết trẻ sơ sinh có thể:
- Thích xem sách ảnh
- Bắt chước cử chỉ và một số hành động cơ bản của người lớn
- Có những thao tác với các đồ vật xung quanh bằng cách lật chúng lại, cố gắng đặt đồ vật này vào đồ vật khác,…
- Trả lời bằng cử chỉ và âm thanh
Từ 1 đến 2 tuổi
Sau khi được một tuổi, sự phát triển về thể chất, xã hội và nhận thức của trẻ dường như vượt bậc hơn rất nhiều. Trẻ em ở độ tuổi này dành rất nhiều thời gian để quan sát hành động của người lớn, vì vậy điều quan trọng là bố mẹ và người chăm sóc trẻ phải làm gương cho con.
Hầu hết trẻ một tuổi bắt đầu phát triển nhận thức theo những cách như:
- Xác định các đối tượng giống nhau
- Bắt chước hành động và ngôn ngữ của người lớn
- Tìm hiểu thông qua khám phá
- Chỉ ra những đồ vật và con người quen thuộc trong sách ảnh
- Hiểu và trả lời những câu nói đơn giản từ mọi người xung quanh
Từ 2 đến 3 tuổi
Khi được 2 tuổi, trẻ ngày càng trở nên độc lập. Giờ đây trẻ có thể khám phá thế giới tốt hơn và học, khám phá được nhiều thứ hơn. Bố mẹ cũng sẽ bất ngờ về tốc độ phát triển nhận thức của trẻ trong giai đoạn này.
Hầu hết trẻ hai tuổi đều có thể:
- Xác định hình ảnh phản chiếu của chính trẻ trong gương
- Bắt chước những hành động phức tạp hơn của người lớn (chơi trò chơi trong nhà, giả vờ giặt giũ,…)
- Ghép đồ vật với công dụng của chúng
- Kể tên các đồ vật trong sách tranh
- Trả lời các hướng dẫn đơn giản từ cha mẹ và người chăm sóc
- Sắp xếp các đối tượng theo danh mục (ví dụ: động vật, hoa, cây cối,…)
Từ 3 đến 4 tuổi
Trẻ ngày càng có khả năng phân tích thế giới xung quanh phức tạp hơn. Khi họ quan sát mọi thứ, trẻ bắt đầu sắp xếp và phân loại chúng thành các loại khác nhau. Sự phát triển nhận thức của trẻ trong giai đoạn này được thể hiện nhiều nhất qua việc trẻ thường xuyên đặt câu hỏi về thế giới xung quanh. “Tại sao?” trở thành một câu hỏi rất phổ biến xung quanh độ tuổi này.
Ở tuổi lên ba, hầu hết trẻ em đều có thể:
- Đặt câu hỏi “tại sao” để có được thông tin
- Thể hiện nhận thức về quá khứ và hiện tại
- Học bằng cách quan sát và lắng nghe hướng dẫn
- Duy trì sự chú ý lâu hơn, khoảng 5 đến 15 phút
- Sắp xếp các đối tượng theo kích thước và hình dạng
- Sắp xếp đồ vật theo từng nhóm màu sắc khác nhau
Xem thêm:
- Mách bạn những bí quyết xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ
- 7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc
Từ 4 đến 5 tuổi
Khi gần đến tuổi đi học, trẻ em trở nên giỏi hơn trong việc sử dụng từ ngữ, bắt chước hành động của người lớn, đếm và các hoạt động cơ bản khác. Tất cả những vấn đề liên quan đến sự phát triển nhận thức của trẻ trong giai đoạn này đều rất quan trọng để chuẩn bị đi học.
Hầu hết trẻ bốn tuổi đều có thể:
- Đặt tên và mô tả các món đồ vật
- Đếm số
- Vẽ hình người
- Gọi tên và xác định nhiều màu sắc
- Nhớ được các chữ cái
Giúp trẻ phát triển nhận thức tốt nhất
Khuyến khích sự phát triển trí tuệ của trẻ là mối quan tâm của nhiều bậc cha mẹ. Vậy phải làm sao để trẻ có thể phát triển nhận thức tốt nhất ngay từ những năm đầu đời?
- Tương tác với trẻ: Sự tương tác của bố mẹ rất quan trọng trong việc phát triển nhận thức của trẻ bởi trẻ sẽ bắt chước và học hỏi từ chính những hành động của người lớn. Hơn nữa, khi tương tác với con thường xuyên, bạn sẽ nhận ra những dấu hiệu bất thường của trẻ để có thể kịp thời can thiệp.
- Khuyến khích sự quan tâm của trẻ đối với thế giới: Bố mẹ có thể khuyến khích khả năng trí tuệ của trẻ bằng cách giúp trẻ hiểu thế giới xung quanh. Khi trẻ tỏ ra thích thú với một đồ vật, bố mẹ có thể giúp trẻ chạm và khám phá đồ vật đó và cho trẻ biết đồ vật đó là gì, công dụng như thế nào.
- Thường xuyên cho trẻ khám phá những điều mới mẻ: Để trẻ phát triển nhận thức tốt hơn, hãy cho trẻ tiếp xúc với thế giới bên ngoài càng nhiều càng tốt. Đừng giới hạn trẻ mà hãy để con được khám phá những điều mới mẻ.
- Đặt câu hỏi: Đặt câu hỏi cho phép trẻ em đưa ra các giải pháp ban đầu cho các vấn đề, từ đó giúp trẻ phát triển trí tuệ và sự tự tin.
Sự phát triển nhận thức của trẻ được diễn ra liên tục từ lúc trẻ còn trong bụng mẹ cho đến những năm đầu tiên trong cuộc đời và về sau. Vì thế, khi chăm sóc và nuôi dạy con, hãy cố gắng khuyến khích và tạo điều kiện để trẻ được phát triển tốt nhất bạn nhé!