Phân trẻ sơ sinh có mùi chua có thể là biểu hiện bình thường nhưng cũng có trường hợp là dấu hiệu của nhiều bệnh lý. Đâu là nguyên nhân khiến phân trẻ sơ sinh có mùi chua? Làm sao để nhận biết đó là biểu hiện của bệnh lý? Hãy cùng tìm hiểu thêm qua bài viết dưới đây của Mẹ và Con, bạn nhé!
Phân trẻ sơ sinh có mùi chua có là bình thường?
Phân trẻ sơ sinh có mùi chua nhẹ và không đi kèm với bất cứ triệu chứng bất thường nào thì bạn không cần quá lo lắng. Nguyên nhân có thể là do hệ tiêu hóa của con còn non nớt, chưa hấp thụ được hết dưỡng chất nên khiến phân có mùi chua.
Tuy nhiên, khi phân trẻ sơ sinh có mùi chua và đi kèm với các biểu hiện dưới đây thì ba mẹ nên đưa bé đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:
- Đi ngoài phân lỏng, sủi bọt trong 24 giờ
- Đi ngoài nhiều lần, phân có lẫn máu
- Sốt
- Nôn mửa
- Đau bụng
- Mệt mỏi, xanh xao, quấy khóc
Nguyên nhân khiến phân trẻ sơ sinh có mùi chua
Có một số nguyên nhân thuộc về bệnh lý và không phải bệnh lý khiến phân trẻ sơ sinh có mùi chua gồm:
Không hấp thụ hết dinh dưỡng
Hệ tiêu hóa trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện hoặc cơ thể trẻ không có đủ enzyme để phân giải đường lactose có trong sữa mẹ hoặc sữa công thức nên gây hấp thụ kém.
Khi cơ thể trẻ không hấp thu hết các chất dinh dưỡng được cung cấp, lượng đường và chất dinh dưỡng dư thừa có thể gây kích ứng dạ dày và khiến vi sinh vật có cơ hội phát triển gây mùi.
Ngoài ra, một số bệnh lý như nhiễm trùng, ký sinh trùng hoặc rối loạn tiêu hóa cũng khiến phân trẻ sơ sinh có mùi chua. Do đó, ba mẹ cần cảnh giác và quan sát các dấu hiệu khác ở trẻ khi con đi ngoài có mùi lạ.
Đối với trẻ nhỏ trong giai đoạn ăn dặm, phân có mùi chua có thể là do những nguyên nhân sau:
- Lượng tinh bột đưa vào cơ thể quá nhiều hoặc chưa được nấu chín
- Bé nhạy cảm với một số loại thực phẩm khó tiêu hóa như trứng, đậu nành, các loại hạt…
Hệ vi sinh đường ruột bị mất cân bằng
Đối với các bé sinh thường, khi đi qua âm đạo của mẹ trong quá trình chào đời, bé sẽ nhận được nhiều lợi khuẩn giúp hệ vi sinh đường ruột nhanh hoàn thiện. Với những bé sinh mổ thì thiệt thòi hơn bởi không có cơ hội tiếp xúc với lợi khuẩn tại đường sinh tự nhiên của mẹ nên hệ vi sinh đường ruột của bé dễ mất cân bằng, vi sinh vật có hại có thể phát triển nhanh hơn và khiến phân trẻ sơ sinh có mùi chua.
Bên cạnh đó, nếu trẻ vừa trải qua một đợt điều trị bằng kháng sinh, phân cũng có thể có mùi chua. Bởi vì kháng sinh không chỉ tiêu diệt hại khuẩn mà còn tiêu diệt cả lợi khuẩn đường ruột. Do vậy, khiến hệ vi sinh đường ruột của trẻ bị thiếu hụt.
Bệnh Crohn
Một trong những biểu hiện của bệnh Crohn, bệnh viêm ruột đặc thù mãn tính ở trẻ em, là phân trẻ sơ sinh có mùi chua. Bệnh có thể gây viêm nhiễm và kích thích ở bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa và ngăn cản hấp thụ dinh dưỡng.
Những biểu hiện đi kèm của bệnh Crohn có thể khiến phân của bé có mùi giấm bao gồm:
- Đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, phân có thể lẫn máu
- Bé bị đau bụng, quấy khóc, khó chịu thường xuyên
- Mệt mỏi, lừ đừ, bỏ bú
- Sốt, nôn ói
Bệnh Crohn làm ảnh hưởng tới quá trình hấp thụ dinh dưỡng, khiến bé chậm tăng cân, nghiêm trọng hơn còn có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và bé chậm đạt được các cột mốc phát triển quan trọng.
Bệnh xơ nang
Xơ nang (CF) là một bệnh lý di truyền nguy hiểm có thể làm tắc nghẽn phổi và đường tiêu hóa do làm cho chất nhầy và dịch tiêu hóa trở nên đặc và dính. Chất nhầy này có thể gây tắc nghẽn phổi, khó thở và nhiễm trùng phổi nghiêm trọng. Còn dịch tiêu hóa đặc làm cho enzyme tuyến tụy không thể đi đến ruột non để phân hủy và hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn. Từ đó, gây ra các triệu chứng về tiêu hóa, trong đó có tình trạng phân của bé có mùi chua.
Trẻ mọc răng
Hiện nay, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh mọc răng có liên quan tới việc phân trẻ sơ sinh có mùi chua. Song theo nhiều ba mẹ chia sẻ kinh nghiệm rằng bé nhà họ có dấu hiệu phân chua khi mọc răng.
Có thể lý giải điều này là do khi bắt đầu mọc răng, trẻ có thể có các dấu hiệu như khóc dai dẳng, gặm đồ chơi, nắm tay, sốt hoặc các vấn đề về tiêu hóa, trong đó có tình trạng phân có mùi chua, đi phân “hoa cà hoa cải”.
Nên làm gì khi phân trẻ có mùi chua?
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Nếu bé sơ sinh bú mẹ hoàn toàn, mẹ nên lưu ý chế độ ăn của mình bởi tất cả những gì mẹ ăn vào đều ảnh hưởng tới trẻ và có thể gây nên tình trạng phân trẻ sơ sinh có mùi chua. Những thực phẩm được khuyến khích là rau quả, sữa chua, bánh mì… và hạn chế các đồ ăn quá nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, chất kích thích… Mẹ cũng nên chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng để tránh nhiễm khuẩn gây ra tình trạng phân trẻ có mùi chua.
Đối với trẻ dùng sữa công thức, trong 2-3 ngày đầu khi mới bắt đầu uống sữa, phân trẻ sẽ có mùi chua. Ba mẹ cần theo dõi khả năng hấp thụ sữa của con để xem xét đổi loại sữa khác phù hợp hơn với cơ thể bé.
Đảm bảo vệ sinh
Đảm bảo vệ sinh những thực phẩm mẹ ăn hay thực phẩm cho bé ăn là hết sức quan trọng để ngăn ngừa tình trạng rối loạn tiêu hóa dẫn đến phân trẻ sơ sinh có mùi chua. Ngoài ra ba mẹ cũng nên đảm bảo vệ sinh các vật dụng, đồ chơi mà bé tiếp xúc để đảm bảo vệ sinh cho bé, tránh làm hại tới hệ tiêu hóa của con.
Bổ sung men vi sinh, men tiêu hóa
Nếu trẻ bị nhiễm khuẩn hay loạn khuẩn do dùng kháng sinh dẫn tới phân trẻ sơ sinh có mùi chua, ba mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm hoặc thực phẩm hỗ trợ như men vi sinh, men tiêu hóa để giúp bé cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột.
Quan sát những biểu hiện cơ thể của con trong đó có phân trẻ sơ sinh có thể giúp ba mẹ và các bác sĩ bước đầu phát hiện một số bệnh lý đường tiêu hóa ở trẻ. Khi phân trẻ sơ sinh có mùi chua kèm theo các dấu hiệu đi ngoài bất thường, ba mẹ cần đến ngay các trung tâm y tế để thăm khám, phát hiện bệnh và điều trị bệnh sớm cho trẻ. Điều trị sớm giúp ngăn ngừa các biến chứng có hại cho sức khỏe của con sau này.