Trước khi học cách đánh giá sức khỏe bé thông qua nước tiểu của trẻ sơ sinh. Tạp chí Mẹ và Con chia sẻ đến ba mẹ một số thông tin hữu ích nhé!
Nước tiểu là chất lỏng vô trùng do thận tiết ra dựa trên cơ chế lọc, tái hấp thu và tiết để đẩy ra bên ngoài cơ thể các chất thải hòa tan trong nước. Dòng nước tiểu sẽ trải qua một quy trình nhất định từ thận qua niệu quản, bàng quang và cuối cùng là niệu đạo để thải ra ngoài.
Vai trò của nước tiểu là loại bỏ chất độc và những chất được đưa vào cơ thể quá liều lượng để cơ thể cân bằng trở lại. Ngoài ra, nước tiểu còn giúp giảm áp lực bên trong cơ thể, điều hòa huyết áp. Bên cạnh đó, một vai trò hết sức quan trọng của nước tiểu trẻ sơ sinh chính là duy trì thành phần hóa học và độ pH của máu để duy trì sự ổn định của cơ thể.
Lượng nước tiểu của trẻ sơ sinh:
- Trẻ 1 – 4 ngày tuổi: 20 – 60ml/ngày.
- Trẻ 5 – 7 ngày tuổi: 100 – 150 ml/ngày.
- Trẻ 2 – 3 tuần tuổi: 150 – 300 ml/ngày.
- Trẻ 1 – 2 tháng: 250 – 450 ml/ngày.
- Trẻ 2 tháng – 1 tuổi: 400 – 600 ml/ngày.
Đoán sức khỏe qua nước tiểu của trẻ sơ sinh
Bí quyết 1: Đánh giá qua số lần đi tiểu
Thông thường, một trẻ khỏe mạnh sẽ đi tiểu khoảng 6 lần/ngày hoặc nhiều hơn, tùy theo số lượng chất lỏng trẻ nạp vào. Vì thế, tính trung bình cứ khoảng 60-180 phút bạn sẽ thấy bé tè một lần. Nếu trẻ đang sốt ăn uống kém hoặc thời tiết nóng bức trẻ đổ nhiều mồ hôi hơn mọi ngày thì số lần đi tiểu cũng sẽ giảm xuống.
Trong trường hợp số lần đi tiểu của bé quá ít so với số lần nêu trên, loại trừ những nguyên nhân vừa nêu và thấy bé có biểu hiện khó chịu khi đi tiểu bạn nên đưa bé đi khám chuyên khoa ngay, đề phòng các bệnh có liên quan đến đường tiết niệu.
Bí quyết 2: Đoán sức khỏe bé qua mùi nước tiểu
Nước tiểu của trẻ sơ sinh có mùi, đó là một điều hết sức bình thường. Bởi lẽ, trong nước tiểu có chứa rất nhiều chất thải của cơ thể, đặc biệt là amoniac. Nếu bạn để nước tiểu tích lại lâu, chúng sẽ càng trở nên nặng mùi hơn.
Một nghiên cứu của các bác sĩ ở Canada trên 331 trẻ trong độ tuổi từ 1-3 cho thấy, có đến 1/3 trẻ được chẩn đoán là viêm nhiễm đường tiết niệu khi nước tiểu nặng mùi và có kèm theo sốt.
Bên cạnh đó, một số trẻ bài tiết ra nước tiểu có mùi hôi, nhưng không viêm đường tiết niệu thì cũng có thể tiềm ẩn những vấn đề về sức khỏe như: mất nước, tiểu đường, rò ruột – bàng quang, bệnh siro niệu…
Bí quyết 3: Đoán bệnh qua màu nước tiểu của trẻ sơ sinh
Cuối cùng, đơn giản và phổ biến hơn chính là đoán sức khỏe qua màu nước tiểu của trẻ sơ sinh. Cách làm này giúp bạn dễ dàng theo dõi tình trạng sức khỏe và có các biện pháp can thiệp hữu hiệu ngay khi phát hiện bất thường.
Nước tiểu của trẻ sơ sinh có màu vàng sẫm
Vàng là màu phổ biến của nước tiểu. Tuy nhiên, nếu mẹ thấy màu vàng này chuyển sang sẫm hơn, hãy cẩn thận vì đó có thể là biểu hiện sức khỏe của bé không tốt. Đầu tiên, nước tiểu vàng sẫm có thể chứng minh cho tình trạng thiếu nước của cơ thể bé.
Để giải quyết tình trạng này, bạn có thể cho bé bú thêm nhiều sữa, nếu bé dưới 6 tháng tuổi. Với trẻ lớn hơn, bạn có thể bổ sung nước lọc, nước trái cây để tăng cường lượng nước cho cơ thể.
Trong trường hợp mẹ đã có một số biện pháp khắc phục tình trạng nước tiểu màu vàng sẫm, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa. Bởi lẽ, bé của bạn có thể đang đối diện với nguy cơ bị viêm gan, viêm túi mật, sỏi thận… Đây là những bệnh nguy hiểm và cần được can thiệp sớm để đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe của bé.
Nước tiểu có màu trắng
Bạn nghĩ rằng, nước tiểu của trẻ sơ sinh màu trắng là sức khỏe của bé đang tốt? Điều này vừa đúng lại vừa sai. Các chuyên gia cho rằng, nếu bé được cung cấp đủ nước, cơ thể sẽ bài tiết nước tiểu ra ngoài dễ dàng hơn, nên nước có màu trắng.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nếu bạn thấy nước có màu trắng, trong suốt và trẻ đi tiểu nhiều lần hơn so với mức cho phép, hãy kiểm tra lại chế độ dinh dưỡng của trẻ. Nhiều khả năng, bạn đã cung cấp cho bé quá nhiều chất lỏng, bao gồm cả sữa và những loại nước khác.
Điều đáng lo ngại là nếu bạn cho bé uống quá nhiều nước khi trẻ còn quá nhỏ, hai quả thận non yếu sẽ gặp nhiều áp lực. Tình trạng này rất nguy hiểm vì làm loãng và thiếu hụt khoáng chất Natri trong máu, gây ảnh hưởng tiêu cực hoạt động của não.
Trẻ sẽ có biểu hiện ngộ độc nước như khó chịu, buồn ngủ, co giật hay thay đổi tâm thần, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Xem thêm: Trẻ lên cơ co giật phải xử lý như thế nào
Nước tiểu của trẻ sơ sinh có màu đỏ
Với một số trẻ, sau khi ăn thực phẩm có màu đỏ như dưa hấu, cà chua, nước tiểu sẽ có màu hồng. Thế nhưng, nếu bạn không cho trẻ ăn những thực phẩm đã nêu hoặc tương tự thì phải hết sức cẩn thận.
Nguyên nhân nước tiểu của trẻ sơ sinh có màu hồng hay đỏ có thể là do lẫn máu. Đây là biểu hiện của các vấn đề về thận, nhiễm trùng bàng quang, cần được kiểm tra và điều trị triệt để.
Nước tiểu của trẻ sơ sinh có màu trắng đục
Bạn chưa bao giờ nhìn thấy tình trạng nước tiểu chuyển màu như thế này? Tuy nhiên, nếu phát hiện màu trắng đục sau khi bé bài tiết, hãy nghĩ ngay đến dấu hiệu báo động của sức khỏe và cần phải thăm khám ngay nhé. Tình trạng này có thể do mủ hoặc dịch tiết vào trong nước tiểu làm chuyển màu do bé mắc các chứng bệnh gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nhu cầu nước của trẻ theo độ tuổi
Mức tiêu thụ nước khác nhau sẽ cho thể tích nước tiểu của trẻ sơ sinh khác nhau. Vì thế, ba mẹ nên hiểu nhu cầu nước của trẻ và bổ sung phù hợp.
- 1-2 tuổi: trẻ cần 600 – 1.000 ml/ngày
- 3-6 tuổi: trẻ cần 1.000 – 1.500 ml/ngày
- 6-9 tuổi: trẻ cần 1.500 – 2.000 ml/ngày
- 10 tuổi trở lên: trẻ cần lượng nước như người lớn, khoảng 2.500 ml/ngày
Nước tiểu của trẻ sơ sinh đã tiết lộ cho bạn thông tin thật hữu ích, đúng không nào? Chúc bé yêu của bạn luôn vui khỏe, gia đình tràn ngập tiếng cười nhé!