Mẹ&Con - Nghe bác sĩ thông báo thiên thần bé bỏng bị viêm đường tiết niệu, bạn muốn… há hốc miệng vì ngạc nhiên. Con còn bé, mới có 2-3 tuổi (thậm chí là nhỏ hơn, mới vài ba tháng đến 1 tuổi) mà bị viêm đường tiết niệu là sao? Nhưng… Xin nói rõ để bạn đừng chủ quan. Viêm đường tiết niệu không phải là “bệnh người lớn” như bạn tưởng. Ngay cả trẻ sơ sinh cũng có thể mắc phải như thường. • Bác sĩ Phạm Khuê Anh

viêm đường tiết niệu

(Hình minh hoạ)

Sao con lại bị? 

Một thông tin có thể khiến bạn sốc là tỷ lệ trẻ em mắc phải viêm đường tiết niệu chỉ đứng sau có viêm hô hấp và viêm đường tiêu hóa mà thôi. Ngay cả trẻ sơ sinh cũng có thể bị viêm đường tiết niệu và nếu cha mẹ không phát hiện để điều trị kịp thời thì trẻ sẽ có thể gặp phải những biến chứng.

Sở dĩ trẻ dễ bị viêm đường tiết niệu là do ở bé gái, cấu tạo sinh lý là niệu đạo ngắn, lỗ tiểu lại gần với hậu môn nên rất dễ bị lây nhiễm bởi các vi sinh vật từ phân lây sang. Ở bé trai, hiện tượng hẹp bao quy đầu có thể làm cho nước tiểu thường xuyên bị ứ lại gây viêm đường tiết niệu ngược dòng.

Ngoài ra, việc trẻ phải đóng bỉm cả ngày, vùng kín phải tiếp xúc trực tiếp với phân và nước tiểu (khi mẹ không vệ sinh kịp thời) khiến trẻ rất dễ mắc bệnh. Trẻ ở độ tuổi 1-2 tuổi lại chưa biết tự giữ vệ sinh. Nếu trẻ bị mẹ bỏ truồng (không cho mặc quần hoặc mặc quần thủng đáy để “tiện” việc tiêu tiểu) thì khi chơi lăn lê trên sàn, trẻ sẽ rất dễ bị viêm đường tiết niệu.

Thêm một nguyên nhân nữa khiến con rất dễ bị viêm đường tiết niệu, đó là cách vệ sinh không đúng của cha mẹ, ông bà, người giúp việc hoặc các bảo mẫu ở trường mầm non, mẫu giáo. Khi trẻ đi ngoài, lưu ý là luôn phải rửa từ trước ra sau (rửa bộ phận sinh dục trước rồi mới rửa hậu môn).

Nếu cứ lo rửa hậu môn cho trẻ trước rồi sau đó lại kéo ngược ra phía trước sẽ có thể đưa vi khuẩn vào lỗ tiểu của bé (nhất là bé gái), gây viêm nhiễm.

Khi bị viêm đường tiết niệu, trẻ sẽ có những dấu hiệu thay đổi bất thường. Tuy nhiên, bạn lưu ý là trẻ càng nhỏ tuổi, triệu chứng viêm đường tiết niệu càng kín đáo và khó phát hiện. Có khi, trẻ chỉ bị sốt nhẹ, sốt kéo dài, biếng ăn, không thích chơi đùa, hay quấy khóc, nôn hoặc tiêu chảy…

Vì những triệu chứng này quá phổ biến ở trẻ mỗi khi đau bệnh nên mẹ không nhận ra được rằng con bị viêm đường tiết niệu, cứ tưởng bị cảm sốt bình thường, thậm chí còn chủ quan tự ý mua thuốc cho con uống.

Lời khuyên cho bạn là mỗi khi thấy trẻ có bất thường, nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để có thể phát hiện sớm và chính xác mọi bệnh trẻ mắc phải. Mẹ cũng có thể để ý, trẻ bị viêm đường tiết niệu rất hay quấy khóc khi đi tiểu vì bị đau. Trẻ tiểu nhiều lần, nước tiểu có phần đục.

Trẻ cũng có thể hay sờ tay vào vùng sinh dục do ngứa ngáy, khó chịu, đau rát… Muốn để xác định chính xác, có thể cho trẻ lấy nước tiểu làm xét nghiệm vi sinh. Qua các xét nghiệm này, bác sĩ sẽ cho bạn biết trong nước tiểu của trẻ có vi khuẩn hay vi nấm không, nên sử dụng kháng sinh nào để điều trị thích hợp và hiệu quả nhất cho trẻ.

Ngăn viêm đường tiết niệu ở trẻ: Khó không? 

Câu trả lời là khó, nhưng lại… dễ! Khó vì như đã nói, trẻ chưa ý thức được, mọi thứ đều phải trông chờ vào sự để mắt, chăm sóc của người lớn. Tuy nhiên, việc này lại dễ vì chỉ cần đáp ứng được một số yêu cầu “chuẩn” nhất định thì những chuyện nói trên chỉ còn là… chuyện nhỏ!

Đây là những gợi ý cho mẹ:

 Đừng “khoán” trẻ cho người giúp việc hay gửi trẻ đi nhà trẻ quá sớm (nhất là khi trẻ còn chưa biết gọi cô khi muốn đi tiêu, đi tiểu). Thực tế, không ai có thể chăm sóc bé tốt như cha mẹ, ông bà. Khi bạn gửi trẻ đi học sớm, nhiều nhà trẻ do quá đông các cháu, các cô bảo mẫu có thể bỏ mặc trẻ dù trẻ tè dầm, hoặc phải chờ lâu mới được cô vệ sinh, vệ sinh lại không đúng cách, sơ sài. Tất cả những điều này đều có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu ở trẻ.

 Mỗi khi thấy con sốt, dù chỉ sốt nhẹ cũng không được chủ quan, xem thường. Nếu trẻ sốt kéo dài, ăn ngủ kém, không buồn chơi mà mẹ không rõ nguyên nhân thì cần cho trẻ đi khám bệnh ngay.

 Nên thay bỉm thường xuyên cho con, nhất là mỗi khi bé đi ngoài, tuyệt đối không để bé bị lẫn phân và nước tiểu trong bỉm vì rất dễ gây viêm nhiễm. Không nên đóng bỉm suốt mà đôi khi cần để trẻ được sạch sẽ, thông thoáng với tã vải hoặc không mặc gì một lúc.

 Luôn chú ý nguyên tắc vệ sinh là từ trước ra sau, không thực hiện theo chiều ngược lại.

 Nếu thấy trẻ hay sờ vào vùng kín, cần để ý xem trẻ có bị phồng ở bao quy đầu (nếu là bé trai) hay có hiện tượng tiểu khó, hay khóc khi đi tiểu hay không.

 Tập cho trẻ đi tiểu tự chủ càng sớm càng tốt. Xi cho trẻ tiểu trước khi trẻ đi ngủ. Nếu bé tè dầm trong đêm cần vệ sinh cho bé ngay.

 Cho con uống nhiều nước, kể cả nước ép trái cây để tăng lượng nước, giúp hệ thống bài tiết nước tiểu hoạt động tốt hơn.

 Khi nghi ngờ trẻ viêm đường tiết niệu, cần cho trẻ đi khám và điều trị sớm để tránh dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu rất hay gặp ở trẻ em, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại nhiều biến chứng và di chứng nặng nề. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là các vi khuẩn như E.coli, Proteus, một số cầu khuẩn đường ruột, virus, nấm….
Tags:

Bài viết liên quan