Màu nước tiểu phản ánh sức khỏe của bé?
Một bé sơ sinh chỉ “tè” một lần trong vòng 24 giờ đầu tiên. Nhưng từ ngày thứ 6 trở đi, bé sẽ tè từ cả chục lần, thậm chí 10-20 lần/ngày là phổ biến.
Nước tiểu khi mới chào đời có màu vàng sậm. Sau đó, màu sắc nước tiểu nhạt dần, nhạt dần theo từng ngày, đến khi có màu vàng sáng. Trong giai đoạn sơ sinh này, nếu thấy nước tiểu của bé sậm màu (trừ những ngày đầu mới sinh), bạn cần tăng cường lượng sữa bú mẹ cho bé. Ngoài ra, nếu thấy bé không tiểu sau mỗi 4 tiếng đồng hồ, bạn cần báo ngay cho bác sĩ biết.
Nếu trẻ sơ sinh “tè” có nước tiểu màu vàng, kèm theo hiện tượng vàng da, quấy khóc, sụt cân, ăn ngủ không ngon thì phải đưa bé đến bác sĩ để làm xét nghiệm, kiểm tra ngay. Đó có thể là dấu hiệu bệnh lý của viêm gan, nghẽn đường mật.
Trong trường hợp nước tiểu vàng sẫm nhưng không thường xuyên, khi cho bé bú nhiều (với trẻ dưới 6 tháng tuổi) và uống nhiều nước hơn (với trẻ đã ở tuổi ăn dặm trở đi), nước tiểu trong lại thì không đáng lo. Biểu hiện đó chỉ cho thấy bé thiếu nước, bú chưa đủ khiến lượng nước tiểu cô đặc hơn mức bình thường. Việc cần làm lúc này chỉ đơn giản là tăng cữ bú cho con, đảm bảo cho bé bú khoảng 150ml sữa/kg cân nặng/ngày hoặc cho con uống nước.
Bạn cũng cần biết thêm rằng, ngoài nguyên nhân thiếu nước, nước tiểu của bé cũng có thể chuyển sang màu vàng do ảnh hưởng loại thuốc bé đang phải uống hoặc mẹ phải uống sau đó lại cho con bú. Việc mẹ ăn thức ăn hoặc uống thức uống có chứa nhiều phẩm màu, nhiều chất phụ gia thì khi bé bú mẹ, nước tiểu của bé cũng có thể xuất hiện màu sẫm hơn một cách bất thường.
Bé “tè” bao nhiêu là… đủ?
Chuyện bé “tè” rất quan trọng vì nó phản ánh cả chức năng thận nữa. Nếu bé “tè” quá ít, quá nhiều, màu nước tiểu bất thường, mẹ cần chú ý quan tâm đến bé ngay. Để tính số lượng nước tiểu của bé, bạn có thể thực hiện công thức sau đây:
– Trẻ dưới 1 tuổi, trung bình “tè”: 25-50 ml/kg/ngày.
– Trẻ từ 1-10 tuổi: V (ml)/24 giờ = 600 + 100 (n-1) [n: tuổi].
Ví dụ, nếu bé 6 tuổi thì thể tích nước tiểu tính bằng ml của bé trong 24 giờ sẽ là: 600 + 100 (6-1) = 1.100 ml
Số lần đi tiểu của bé sau khi chào đời khoảng 1 tuần rất cao. Dưới 1 tuổi, bé có thể “tè” 16-20 lần/ngày. Trên 1 tuổi, trung bình bé “ướt tã” 12 lần/ngày. Từ 7-13 tuổi, số lần đi “tè” giảm xuống 7-8 lần/ngày.
Nên và không nên để bảo vệ hệ tiết niệu của con
Nên:
– Kiểm tra tã thường xuyên nếu bé còn đang giai đoạn mặc tã. Nên thay sớm, đừng để bé làm ướt tã quá lâu, quá nhiều rồi mới thay.
– Cần cho con uống đủ nước, bú đủ sữa.
– Khi bé đủ lớn, nhớ nhắc con đi vệ sinh đều đặn vì nhiều bé mải chơi không đi, “nhịn” trong một khoảng thời gian dài dễ dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu.
– Với trẻ có dấu hiệu đi “tè” bất thường, bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Một số bệnh thường gặp ở hệ tiết niệu như sự bất thường bên ngoài cơ quan sinh dục (hẹp bao quy đầu, tinh hoàn ẩn, lỗ tiểu đóng thấp…) nếu không được phát hiện sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng cho bé về sau.
Không nên:
– Không nên cho bé uống nước tăng lực, cà phê, một số loại nước ngọt có ga có chứa chất caffeine vì chúng sẽ gây tăng đào thải Canxi qua nước tiểu, kích thích bé tiểu nhiều.
– Không nên cho bé uống nhiều nước sâm (rễ tranh, mía lau…) vì những loại nước này tuy có tính “mát”, giải nhiệt tốt nhưng lại gây lợi tiểu, kích thích bé “tè” rất nhiều dẫn đến gây mất nước cho cơ thể, thiếu hụt luôn cả một số khoáng chất (do bị đào thải liên tục ra ngoài). Lượng nước sâm cho trẻ uống chỉ nên là 1 ly nhỏ (200 ml)/ngày.
– Không nên cho bé uống nước theo kiểu ừng ực một lần thật nhiều. Nước lọc nên được bổ sung từng ngụm nhỏ. Quan sát nước tiểu của bé trong, có màu vàng nhạt là bé đã uống đủ nước. Ngoài nước lọc, có thể cho bé uống thêm nước dừa tươi, nước ép trái cây. Tuy nhiên, lưu ý là không dùng các loại nước này thay thế nước lọc.
– Không nên cho bé gái chỉ mặc quần nội y nhỏ lê la chơi đùa dưới đất. Nếu bạn muốn cho con mặc áo đầm, hãy lưu ý đến điều này để chọn quần ngắn phù hợp cho bé bên trong.