Trước đây, việc phụ nữ mắc bệnh tim muốn có thai là điều gần như đùa với tử thần. Tuy nhiên theo thời gian, với sự tiến bộ của y học, bác sĩ đã cho phép một số thai phụ có bệnh tim nhẹ được mang thai, tuy nhiên, cần có sự chuẩn bị rất kỹ càng và chu đáo.

Công thức bạn phải nhớ trước tiên là việc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi mang thai vô cùng quan trọng. Một phụ nữ bình thường muốn có thai cũng đã nên làm việc này, huống hồ bạn – một phụ nữ với quả tim không khỏe trong lồng ngực. Bạn cần được bác sĩ thực hiện mọi xét nghiệm cần thiết, đánh giá và giải thích rõ ràng mức độ bệnh, an toàn hay không an toàn, cả những nguy cơ có thể xảy ra để lường trước.

Có nguy hiểm đến tính mạng?

Câu trả lời, rất tiếc là có! Một số bệnh lý về tim có thể gây nguy hiểm đến chính tính mạng của bạn trong lúc mang thai. Đặc biệt là các bệnh lý như: tăng áp động mạch phổi nặng, bệnh cơ tim giãn nở có suy tim, hội chứng Marfan có giãn động mạch chủ, bệnh tim bẩm sinh tím, hẹp khít van hai lá, hẹp van động mạch chủ nặng…

Tất nhiên, như đã nói, nếu bạn có tham khảo ý kiến bác sĩ từ ban đầu thì bác sĩ sẽ có được sự phân tích kỹ lưỡng về tình trạng bệnh. Song, tiếc là không phải ai cũng làm được điều này. Nhiều người thậm chí không biết mình bị bệnh tim, vẫn lập gia đình, mang thai. Để rồi đến khi có thai, trong quá trình khám thai bác sĩ mới phát hiện ra bệnh. Một số trường hợp khác, mặc dù đã kiểm tra cẩn thận, nhưng đến khi mang thai thì tình trạng sức khỏe của thai phụ lại trở nên tệ hơn dự kiến ban đầu. Bệnh trở nặng đột ngột. Lúc đó, bác sĩ có thể phải đình chỉ thai kỳ, phải bỏ thai để bảo đảm an toàn cho người mẹ.

Một nguy hiểm khác đe dọa cả mẹ lẫn con là thai phụ mắc bệnh tim có thể sẽ vẫn phải dùng thuốc. Trong khi đó, thuốc lại rất dễ gây ảnh hưởng đến thai nhi. Chính vì vậy, việc này phải hết sức cẩn thận. Bạn nên tìm đến các bác sĩ giỏi, cả chuyên khoa tim mạch lẫn chuyên khoa sản để cân nhắc rất kỹ từng loại thuốc được sử dụng trong quá trình chín tháng thai kỳ. Một số loại thuốc bạn uống trước đó, cần phải được chỉnh liều hoặc sử dụng thuốc thay thế. Bạn cần nhớ rằng một khi đã mắc bệnh mạn tính nói chung và bệnh tim mạch nói riêng thì tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc, cũng như không được tự ý chỉnh liều, ngưng thuốc, đổi thuốc trong quá trình mang thai mà không có ý kiến bác sĩ.

Một quả tim bình thường có thể thích nghi với những thay đổi của cơ thể thai phụ trong quá trình chín tháng thai kỳ. Nhưng một quả tim mắc bệnh thì có thể bị quá tải. Chúng có thể khiến thai phụ rơi vào những trạng thái như: Choáng váng, mệt mỏi, luôn thở dốc, ngạt thở, nhức đầu… Đặc biệt, một số trường hợp bị tim mạch nhẹ, thai phụ sẽ thậm chí không biết mình mắc bệnh trước đó. Cho đến khi mang thai và các triệu chứng đột nhiên trở nặng hơn…

Nên chuẩn bị việc làm mẹ thế nào với quả tim bất thường?

Nếu đã quyết định bước vào cuộc sống hôn nhân với một trái tim không khỏe, bạn nên có kế hoạch ngừa thai cẩn thận, tránh để có con ngoài ý muốn. Việc mang thai với phụ nữ có bệnh tim mạch cần được chuẩn bị chu đáo chứ đừng bao giờ là sự “vỡ kế hoạch”. Bác sĩ sẽ phải tiến hành đổi thuốc cho bạn, thực hiện một số chế độ kiểm tra nghiêm ngặt hơn mức bình thường.

Thai phụ mắc bệnh tim mạch không chỉ phải khám thai định kỳ theo lịch như các bà bầu khác mà còn cần khám thường hơn để theo dõi sức khỏe của thai nhi và mẹ, siêu âm để phát hiện có hay không dị tật thai nhi. Ngoài bác sĩ ở bệnh viện, bạn nên tìm thêm cho mình một bác sĩ gia đình, nắm rõ tình trạng bệnh của bạn để dành nhiều thời gian theo dõi tiến triển, xử lý kịp thời các biến cố dù nhỏ nhất. Tránh tình trạng ở bệnh viện quá tải, bác sĩ không thể theo dõi sát bệnh của bạn.

thai phụ bệnh tim

Ảnh minh họa

Bạn phải tuyệt đối nghỉ ngơi, tránh xa các hoạt động thể lực nặng trong giai đoạn này. Cũng cần lưu ý là trong trường hợp mắc bệnh tim, cần giữ để đừng tăng cân quá mức vì tăng cân nhiều sẽ là một gánh nặng cho trái tim của bạn. Nên giữ ấm cơ thể, nếu được thì tính toán một chút về thời điểm mang thai, sao cho né được khoảng thời gian 3 tháng cuối thai kỳ rơi vào mùa đông hoặc mùa hè. Vì thời tiết quá lạnh hay quá nóng đều khiến tim của bạn mệt hơn trong quá trình cung cấp máu.

Với thai phụ có bệnh tim bẩm sinh hoặc biết rõ mình có bệnh tim từ ban đầu, nên tránh thói quen ngồi lâu một chỗ hay bắt chéo chân. Cố gắng co duỗi chân thường xuyên, đi lại nhẹ nhàng để máu lưu thông về tim dễ. Bạn cũng sẽ phải tuyệt đối tránh xa bia rượu, thuốc lá, mọi thực phẩm có tính kích thích, kể cả gia vị quá cay, quá chua, quá mặn…

Bà bầu nói chung và bà bầu có bệnh tim mạch nói riêng đều nên tránh đến mức thấp nhất những cảm xúc lo lắng, băn khoăn, phiền muộn, sợ hãi… Ngoài ra, bạn cần biết rằng việc sinh nở của bạn sẽ rất nguy hiểm và khó khăn. Vì vậy, bắt buộc thai phụ mắc bệnh tim phải chọn sinh ở bệnh viện sản khoa lớn để có đủ điều kiện và trang thiết bị y tế cấp cứu khi cần thiết. 

Một số ít thai phụ mắc bệnh tim vẫn có thể sinh thường với sự hỗ trợ của thuốc tê giảm đau. Tuy nhiên, đa phần còn lại sẽ phải sinh mổ. Bạn nên chuẩn bị tinh thần về việc này. Đặc biệt, quá trình hậu sản của thai phụ mắc bệnh tim cũng nên được theo dõi chặt chẽ hơn mức bình thường.

Những việc nên làm

TRƯỚC KHI CÓ THAI:

Khám sức khỏe tổng quát và các bệnh lý tim mạch thật kỹ để xác định khả năng chịu đựng của cơ thể. Thực hiện điện tâm đồ, siêu âm tim…

Báo với bác sĩ thời điểm dự tính có thai để ngưng các thuốc tim mạch có khả năng gây ảnh hưởng đến thai nhi. Có chế độ chỉnh liều, đổi thuốc.

Chuẩn bị điều kiện kinh tế để có thể nghỉ làm sớm khi biết mình mang thai, vì bạn khó lòng có thể đi làm đến tận tháng cuối như nhiều bà bầu bình thường khác.

 

TRONG CHÍN THÁNG THAI KỲ:

Theo dõi kỹ từng dấu hiệu bất thường của cơ thể để báo với bác sĩ.

Khám thai định kỳ, khoảng nửa tháng một lần. Từ tuần thứ 28 trở đi, thai phụ mắc bệnh tim mạch cần khám thai hàng tuần.

Tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn của bác sĩ về sử dụng thuốc.

Tránh để tăng cân quá nhiều.

Tránh xúc động.

 

KHI CHUYỂN DẠ VÀ SAU KHI SINH:

Chọn địa điểm sinh là bệnh viện sản khoa lớn.

Dùng kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Cần nằm lại bệnh viện lâu hơn các thai phụ bình thường. Cần được theo dõi kỹ diễn biến của sản phụ 24 giờ sau khi sinh.

Tags:

Bài viết liên quan

uống thuốc trị mụn

Bác sĩ giải đáp: Uống thuốc trị mụn có gây vô sinh không?

Mẹ và Con - Hiện nay trong lĩnh vực làm đẹp đã xuất hiện nhiều phương pháp trị mụn và gây ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây mụn, ngăn ngừa sự tái phát của mụn. Trong đó, có nhiều chị em chọn cách uống thuốc trị mụn, tuy nhiên uống thuốc trị mụn có gây vô sinh không, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!