Trong khi một số người có nhiều nguy cơ phát phì vòng 2, trong khi đó những người khác lại dễ tích mỡ ở hông. Điều này được cho là bình thường và do yếu tố di truyền góp phần quyết định. Không có “đúng” hay “sai” hay “tốt” hay “xấu” khi nói đến dáng người. Cũng giống như không có chiều cao “đúng” hay “sai”. Nó chỉ đơn giản là thứ mà bạn không thể kiểm soát hoàn toàn.
Thế nhưng, khoa học chứng minh rằng, khu vực bạn bị tích mỡ một cách tự nhiên có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bạn. Điển hình như mỡ tập trung quanh bụng nhiều sẽ khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng cao hơn, nhất là là bệnh mạn tính.
Xác định dáng người
Để hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe, trước tiên bạn nên xác định vóc dáng cơ thể của mình. Nhìn chung, hình dáng cơ thể chúng ta thường sẽ rơi vào một trong năm hình dạng cơ thể tiêu chuẩn:
– Dáng quả táo: Tròn hơn ở giữa.
– Dáng quả lê: Nửa dưới đầy đặn hơn.
– Dáng tam giác ngược: Vai và ngực rộng hơn với eo và hông hẹp.
– Dáng thước kẻ: Thẳng từ trên xuống dưới.
– Đồng hồ cát: Ngực và hông cân đối với eo thon nhỏ.
Đánh giá sức khỏe qua dáng người
Dáng người quả táo
Những người có thân hình được gọi là “quả táo” thường mang nhiều trọng lượng hơn ở phần giữa của cơ thể. Như Tạp chí Mẹ và Con đã nói ở trên, có một vòng eo đầy đặn hay còn gọi là “béo bụng” có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn có nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim và tiểu đường.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết, chu vi vòng eo hơn 89 cm ở phụ nữ và 102 cm ở nam giới là có thể là một yếu tố rủi ro đối với các tình trạng liên quan đến béo phì. Để đo chu vi vòng eo của bạn, hãy đứng lên và quấn thước dây quanh bụng, ngay phía trên xương hông. Giữ thước vừa khít và không được hóp bụng lại.
Các nghiên cứu khoa học đã nhiều lần chỉ ra rằng, mỡ bụng là loại đáng lo ngại nhất. Nguyên nhân là bởi những người có thân hình quả táo có nhiều khả năng tích trữ một lượng chất béo lớn trong nội tạng. Không giống như mỡ nằm ngay dưới da, mỡ nội tạng nằm sâu trong bụng, bao quanh dạ dày, gan, ruột và các cơ quan khác.
Mỡ nội tạng dễ làm tăng mức insulin, có nghĩa là khiến cơ thể bạn sản xuất nhiều insulin hơn mức cần thiết. Đây là nguyên nhân chính gây ra hội chứng chuyển hóa, có thể là dấu hiệu báo trước của bệnh tiểu đường và cũng khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ cao hơn.
Bạn có thể giảm nguy cơ mắc các tình trạng này bằng cách duy trì cân nặng hợp lý và vòng eo thon gọn với chế độ ăn uống cân bằng, ưu tiên protein có trong thịt nạc và thực phẩm thô thay vì lựa chọn loại đã chế biến hay đóng gói sẵn.
Ngoài ra, bạn cũng nên tuân theo các hướng dẫn tập luyện thể dục thể thao để giữ cân nặng ở mức khỏe mạnh. Các bài tập cơ bụng như gập bụng, plank và nâng chân có thể giúp tăng cường sức mạnh cơ trung tâm và giảm mỡ nội tạng. Càng vận động nhiều càng tốt, bạn nhé
Dáng người quả lê
Những người có dáng “quả lê” có phần thân trên hẹp, phần hông và mông đầy đặn hơn.Những người thừa cân hoặc béo phì có dáng quả lê có thể có nguy cơ cao bị giãn tĩnh mạch và viêm xương khớp, nhất là ở các khớp dưới (như hông và đầu gối). Bởi lẽ, trọng lượng dư thừa ở phần dưới cơ thể có thể tăng áp lực lên xương khớp của bạn.
Nhiều người từng nghĩ rằng, người có thân hình quả lê sẽ có sức khỏe tốt hơn. Thế nhưng một số nghiên cứu hiện đang chỉ ra rằng, những người thừa cân ở nửa dưới cũng có thể có nguy cơ mắc mỡ nội tạng. Vì vậy, người có thân hình quả lê cũng có thể gặp rủi ro tương tự như người có thân hình quả táo.
Nếu bạn bị tích mỡ ở phần dưới cơ thể, chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục có thể giúp bảo vệ bạn khỏi các mối lo ngại về sức khỏe. Những người có dáng người quả lê cũng nên hướng đến các bài tập tập trung vào phần dưới cơ thể như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, leo cầu thang…
Dáng người tam giác ngược
Những người có vóc dáng hình tam giác ngược chịu nhiều trọng lượng hơn ở phần trên cơ thể như ngực và vai, trái ngược với bụng và hông. Nếu bạn đang mang nhiều trọng lượng hơn ở phía trên, bạn có thể dễ bị đau nhức. Những người có thân hình tam giác ngược thường dễ bị đau ở lưng, vai và cổ.
Những người có dáng người theo kiểu tam giác ngược có thể chọn giải pháp phẫu thuật hoặc cải thiện sức khỏe bằng cách không để tích mỡ ở vòng eo thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục phù hợp. Các bài tập tăng cường sức mạnh cho lưng cũng có thể làm giảm bớt sự khó chịu của bạn.
Dáng người thước kẻ
Nếu hình dạng cơ thể có ít đường cong, bạn có thể thuộc tuýp người có dáng thước kẻ. Hình dạng thước kẻ nghe có vẻ như gầy hoặc thiếu cân, nhưng không nhất thiết phải như vậy.
Sự thật là mọi người đều có thể có hình dạng thước kẻ và ở mức cân nặng hợp lý, thiếu cân hoặc thừa cân, béo phì. Hình dạng thước kẻ có nghĩa là cơ thể bạn không có đường cong ở những khu vực nhất định mà nằm trên một đường thẳng.
Những người có thân hình thước kẻ có thể dễ bị xương nhỏ và mỏng hơn, điều này có thể dẫn đến nguy cơ gãy xương và loãng xương. Trong trường hợp này, bạn có thể giảm nguy cơ gặp các vấn đề về xương khớp bằng các bài tập giúp phát triển kích thích xương.
Dáng người đồng hồ cát
Thân hình đồng hồ cát có đặc điểm là thân trên và thân dưới cân đối với nhau với vòng eo nằm ở giữa. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng vòng eo có liên quan đến phần còn lại của cơ thể bạn. Vì vậy, những người có thân hình đồng hồ cát vẫn có thể có nguy cơ mắc bệnh mỡ nội tạng và các bệnh khác, nếu chỉ số BMI của họ từ 25 trở lên.
Làm thế nào để giữ có một vóc dáng khỏe mạnh?
Tạp chí Mẹ và Con xin được khẳng định rằng dáng người không hẳn là một mối quan tâm hàng đầu về sức khỏe. Đó là sự phân bổ trọng lượng tự nhiên của bạn. Bất kỳ hình dạng cơ thể nào cũng có thể khỏe mạnh.
Tuy nhiên, dù ở bất kỳ hình dáng nào, bạn cũng cần nhớ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên là chìa khóa để giữ cân nặng của bạn ở mức ổn định và giữ cho cơ thể bạn khỏe mạnh.
Hình dáng cơ thể là một phần tạo nên… chính bạn. Dáng người là duy nhất, cá nhân và tự nhiên. Và mặc dù bạn không thể thay đổi gen di truyền, chủng tộc, nhưng bất kỳ nỗ lực nào bạn thực hiện để giữ cân nặng của mình trong phạm vi lành mạnh cũng giúp ích cho cơ thể bạn.