Nhiễm trùng hô hấp là các bệnh viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc virus tấn công vào những cơ quan của hệ hô hấp. Đây là nhóm bệnh rất thường gặp, ai cũng có nguy cơ mắc phải. Tuy bệnh không nguy hiểm nhưng người bệnh vẫn cần có biện pháp chăm sóc đúng cách, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng.
Nhiễm trùng đường hô hấp là gì?
Nhiễm trùng đường hô hấp là tình trạng vi khuẩn hoặc virus tấn công các cơ quan của hệ hô hấp. Tình trạng này bao gồm nhiễm trùng đường hô hấp trên và nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Trong đó, nhiễm trùng đường hô hấp dưới (viêm phổi) có xu hướng nghiêm trọng hơn so với nhiễm trùng đường hô hấp trên (cảm lạnh).
Nhiễm trùng hô hấp là do vi khuẩn/virus tấn công các cơ quan của hệ hô hấp
Tuy có một số bất đồng trong phân chia ranh giới chính xác giữa đường hô hấp trên và dưới, vị trí đường hô hấp trên thường được cho là ở trên sụn nắp hay dây thanh âm, gồm mũi, xoang, họng, thanh quản.
Tình trạng điển hình của nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm amidan, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm tai giữa và một vài loại bệnh cúm, cảm lạnh thông thường. Những dấu hiệu của nhiễm trùng đường hô hấp trên là đau họng, ho, sổ mũi, nghẹt mũi, sốt nhẹ, nhức đầu, nặng mặt, hắt hơi.
Trong khi, đường hô hấp dưới sẽ gồm khí quản, những ống phế quản, những tiểu phế quản, hai lá phổi. Tình trạng nhiễm trùng tại đường hô hấp dưới thường nghiêm trọng hơn. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong những bệnh lý truyền nhiễm. Có 2 nguyên nhân thường gặp gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới là viêm phổi và viêm phế quản.
Nguyên nhân nào gây ra bệnh nhiễm trùng hô hấp?
Các nguyên nhân gây ra các bệnh nhiễm trùng hô hấp như:
- Virus adeno: Đây là nhóm những vi sinh vật có khả năng gây nhiễm trùng hô hấp. Virus adeno có hơn 50 loại, gây ra cảm lạnh thông thường, viêm phổi và viêm phế quản.
- Phế cầu: Đây là một loại vi khuẩn gây bệnh viêm màng não, có khả năng kích hoạt các bệnh hô hấp như viêm phổi.
- Virus Rhino: Virus này là tác nhân gây bệnh cảm lạnh thông thường. Phần lớn trường hợp đều nhẹ. Tuy vậy, đối với trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có hệ miễn dịch yếu, cảm lạnh vẫn có nguy cơ dẫn tới nhiễm trùng đường hô hấp.
Triệu chứng thường gặp
Khi bị nhiễm trùng hô hấp ảnh hưởng tới mũi và họng, người bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ giống cảm lạnh thông thường, cụ thể:
- Ho
- Nghẹt mũi, sổ mũi
- Đau họng ở mức độ nhẹ
- Đau tai
- Sốt: Triệu chứng này thường xuất hiện trong giai đoạn đầu của bệnh.
Trẻ nhỏ có thể xuất hiện thêm những triệu chứng khác như:
- Giảm hứng thú với mọi thứ xung quanh
- Buồn ngủ, bơ phờ
- Khó chịu, cáu kỉnh, ngủ không ngon giấc
- Ăn kém
- Ngưng thở khoảng 15-20 giây, thường xảy ra ở trẻ sinh non và các bé có tiền sử ngưng thở khi ngủ.
Khi bị nhiễm trùng hô hấp, trẻ hay buồn ngủ, bơ phờ
Một số trường hợp nhiễm trùng hô hấp có thể dẫn tới viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi hoặc cả hai. Khi đó, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như:
- Khó thở, thở nhanh hơn bình thường
- Thở khò khè
- Ho tăng nặng: Người bệnh có thể bị mắc nghẹn hay nôn ói khi triệu chứng ho tiến triển nghiêm trọng
- Thờ ơ, mệt mỏi, giảm hứng thú với mọi việc xung quanh hay đồ ăn.
Điều trị bệnh nhiễm trùng hô hấp
Với một số loại virus sẽ không có cách điều trị dứt điểm. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng một số loại thuốc giúp kiểm soát những triệu chứng trong khi theo dõi tình trạng sức khỏe. Đối với trường hợp nhiễm virus là kết quả từ một nhiễm trùng thứ cấp bởi vi khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số phương pháp chẩn đoán để xác định loại kháng sinh phù hợp.
Phòng bệnh nhiễm trùng hô hấp
Để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, cần lưu ý những điều sau:
Giữ ấm cơ thể
Thời tiết chuyển mùa làm nhiệt độ đột ngột thay đổi, từ nóng sang lạnh. Tình trạng này khiến cơ thể không kịp thích nghi, hệ miễn dịch cũng yếu hơn. Để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh hô hấp, bạn nên lưu ý giữ ấm bằng quần áo ấm, khăn quàng cổ, nón, găng tay, vớ chân, khẩu trang. Đặc biệt là vào sáng sớm hoặc buổi tối, khi nhiệt độ xuống thấp, cần giữ ấm cơ thể tốt hơn.
Chế độ dinh dưỡng tốt
Một chế độ ăn uống khỏe mạnh, đủ dưỡng chất, uống nhiều nước, tăng cường bổ sung trái cây và rau xanh, sẽ giúp bạn tăng cường sức đề kháng hiệu quả. Lúc này, hệ miễn dịch sẽ hoạt động tốt hơn, ngăn ngừa tác nhân gây bệnh, từ đó bảo vệ sức khỏe toàn diện, đặc biệt là các tác nhân gây các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng hô hấp hiệu quả
Vệ sinh mũi họng sạch sẽ
Hằng ngày nên vệ sinh mũi và họng với dung dịch nước muối sinh lý. Ngoài ra, để giữ vệ sinh cổ họng, bạn nên đánh răng 2 lần mỗi ngày.
Hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh
Những bệnh lý nhiễm trùng hô hấp rất dễ lây, đặc biệt là khi tác nhân gây bệnh là virus. Bởi chúng thường đi theo giọt bắn hô hấp ra ngoài môi trường, lây nhiễm khi tiếp xúc gần. Vì thế, bạn nên tự bảo vệ mình bằng cách đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp là bệnh lý phổ biến nhất. Vì thế, bạn nên lưu ý tới những triệu chứng để có biện pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp. Nếu có những triệu chứng bất thường cần nhanh chóng đi khám để được điều trị sớm, giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm.