Mẹ và Con - Theo thống kê, có đến 90% trẻ em ngồi tư thế W. Vậy khi nào ba mẹ cần can thiệp nếu con ngồi tư thế W? Cùng Mẹ và Con tìm hiểu ngay!

Theo thống kê, có đến 90% trẻ em ngồi tư thế W. Đặc biệt, trẻ ở độ tuổi từ mới biết ngồi đến tập đi có thể ngồi hàng giờ liền với tư thế này do có cảm giác thăng bằng và chắc chắn hơn. Tuy nhiên, kiểu ngồi này nếu trở thành thói quen hàng ngày lại gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng có liên quan đến xương khớp và phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Vậy khi nào ba mẹ cần can thiệp nếu con ngồi tư thế W?

1. Tại sao trẻ em thường ngồi tư thế W?

Do cấu trúc xương đùi của trẻ nhỏ có phần chưa hoàn thiện nên việc ngồi tư thế W sẽ giúp com cảm thấy cơ thể được cân bằng hơn. Hơn nữa, nhờ cấu trúc xương mềm dẻo nên trẻ có thể dễ dàng xoay chân thay đổi tư thế dù ngồi ở tư thế W. 

Hầu hết trẻ em khi lớn lên đều có thể tự điều chỉnh cách ngồi sao cho phù hợp với trọng lượng và cấu trúc xương. Đặc biệt trong giai đoạn từ 6 – 8 tuổi, nhiều đứa trẻ dần bỏ kiểu ngồi này. Theo các chuyên gia về xương thì hầu hết các trẻ em đều lựa chọn kiểu ngồi chữ W, đó không phải là hiện tượng cá biệt nên ba mẹ không cần quá lo lắng.

ngồi tư thế w

2. Tại sao nên hạn chế cho trẻ ngồi tư thế W lâu?

Theo các chuyên gia về xương khớp, nên hạn chế cho trẻ ngồi theo tư thế này vì một số lý do sau:

  • Ngồi tư thế W khiến cơ thể dồn nhiều áp lực vào cơ chân, các khớp, hông và đầu gối, dẫn đến phần cơ trên thân không thể phát triển vì không phải hoạt động nhiều.
  • Ngồi tư thế W sẽ khiến cơ chân bị co rút và các khớp bị nới lỏng, dẫn đến những bất thường trong liên kết xương và dáng đi của trẻ.
  • Ngồi tư thế W khiến trẻ gặp phải các vấn đề về cân bằng, phối hợp, hạn chế kỹ năng vận động đòi hỏi phải sử dụng những loại cơ lớn. 
  • Ngồi tư thế W quá lâu sẽ khiến trẻ chậm phát triển các kỹ năng vận động thô như phối hợp và cân bằng.

3. Tác hại của kiểu ngồi chữ W trong thời gian dài

Theo bác sĩ nhi khoa, ngồi tư thế W có thể khiến trẻ dễ bị trật khớp hông vì dồn trọng tâm cho hông và khớp gối.Điều này khiến các dây chằng lại trong phạm vi hẹp và trẻ dễ bị co rút.

Do vậy, nếu trẻ ngồi quá lâu trong tư thế đó, đặc biệt là khi trẻ đã lên 8 tuổi thì ba mẹ phải thường xuyên nhắc bé điều chỉnh. Bởi vì, việc trẻ ngồi tư thế W lâu sẽ khiến chân bé phát triển cong, khuềnh hay lúc đi đứng có dáng chân hình chữ X. Hơn nữa, nếu ngồi quá lâu với tư thế này còn khiến trẻ bị chậm phát triển trong việc kiểm soát sự ổn định và cân bằng của cơ thể. Trong tương lai có thể khiến con gặp phải nhiều bất cập trong các kỹ năng vận động.

Nhiều nghiên cứu khoa học còn cho thấy, nếu ngồi tư thế W thường xuyên còn khiến trẻ giảm sự chú ý trong việc tiếp nhận kiến thức khi bắt buộc phải ngồi học một cách ngay ngắn.

tư thế ngồi của bé

4. Khi nào ba mẹ cần can thiệp khi thấy con ngồi tư thế W?

Với những đứa trẻ bình thường, chúng sẽ lựa chọn kiểu ngồi chữ W như một lẽ tự nhiên để cảm thấy thoải mái khi trong mọi hoạt động thường ngày liên quan tới ngồi. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp bố mẹ lại nên can thiệp ví dụ như khi trẻ thích ngồi kiểu chữ W hàng giờ và liên tục chỉ chọn mình kiểu ngồi này kèm theo việc chậm vận động, cách đi đứng có phần lệch lạc.

Đối với trường hợp con thường xuyên ngồi tư thế W và có dáng đi khập khiễng hoặc có phần vận động yếu ở chi dưới hoặc dáng đi đứng cong, vênh giữa đùi và chân. Sự bất thường này dễ dàng được nhận thấy khi trẻ đứng hoặc chạy. Lúc này, ba mẹ hãy đưa con đi chụp X-quang để biết được sự phát triển của xương đùi có được bình thường hay không và nhờ sự tư vấn của bác sĩ về cách can thiệp kịp thời và hợp lý.

các tư thế ngồi phù hợp

5. Các tư ngồi phù hợp bạn nên dạy trẻ

Nếu thấy con ngồi ở tư thế W trong thời gian dài, bạn hãy sửa cho bé với những dáng ngồi khác thích hợp hơn. Dưới đây là một số tư thế ngồi tốt cho sức khỏe trẻ để bạn tham khảo: 

5.1 Tư thế ngồi xếp bằng

Với tư thế này, hai chân của trẻ sẽ bắt chéo nhau ở phía trước như hình chiếc kéo. Đây là vị trí phù hợp để các cơ thân, hông và đầu gối phát triển. Ngoài ra, dáng ngồi này giúp trẻ hoàn thiện kỹ năng vận động giữa hai bên cơ thể và giúp phát triển khả năng nhận thức và học tập.

5.2 Tư thế ngồi duỗi thẳng 2 chân

Đây là kiểu ngồi bệt với hai chân duỗi thẳng ra trước mặt. Tư thế này rất tốt với cơ thân vì đòi hỏi cơ thân và bụng phải vận động nhiều.

5.3 Quỳ cao

Đây là tư thế quỳ gối trên sàn với hông và người thẳng. Tư thế này giúp phát triển xương chậu, khớp hông và cơ đùi rất tốt.

6. 2 tư thế khác cũng không tốt cho sự phát triển xương của trẻ

6.1 Tư thế ngồi xổm

Tư thế ngồi xổm khiến trọng lượng cơ thể dồn ép vào phần bắp chân, lâu dài sẽ làm tăng độ cong và gây bất lợi cho trẻ khi lớn lên. Chưa kể nó khiến cơ thể bé có xu hướng nghiêng về phía trước, gây áp lực lên cột sống, có thể khiến con bị gù lưng.

6.2 Tư thế ngồi thẳng chân, cúi đầu phía trước

Đây là tư thế phổ biến khi trẻ ngồi trên sofa và cúi đầu chơi điện thoại. Tư thế này có thể khiến đốt sống cổ bị cong vẹo. Về lâu dài, trẻ có thể bị mắc các tật về thị lực như cận thị, viễn thị, loạn thị, suy giảm thị lực…..

Ngồi tư thế W mặc dù không phải hiện tượng cá biệt ở trẻ nhỏ nhưng nếu giữ trong một thời gian lâu có thể dẫn tới các vấn đề về xương và khả năng học tập của bé. Do vậy, nếu thấy con ngồi ở tư thế đó quá lâu thì ba mẹ cần điều chỉnh cho con nhé! Chúc cả nhà mình luôn có thật nhiều sức khỏe. 

Bài viết liên quan