Tại những thời điểm này, vì lợi ích cũng như an toàn của bản thân và cộng đồng, việc bạn không nên mua quá nhiều thực phẩm dự trữ là đúng, nhưng bạn vẫn có thể chọn mua một ít thực phẩm cơ bản sau đây trước để hạn chế phải ra ngoài thường xuyên và mua quá nhiều cùng lúc. Sau đây là những thực phẩm phù hợp với tiêu chí: tiết kiệm, dễ dàng chế biến, có nhiều món ngon, giá trị dinh dưỡng cao và có thể bảo quản lâu trong thời gian dài. Cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu nhé!
Những thực phẩm dự trữ hợp lý mùa dịch Covid-19
Trứng gà, trứng vịt
Khi được bảo quản đúng cách ở nhiệt độ dưới 7 độ C trong tủ lạnh, bạn có thể giữ các quả trứng của mình từ 45 đến 90 ngày.
Có rất nhiều cách để chế biến trứng, nhưng bạn không nên ăn trứng luộc qua đêm vì có thể gây ngộ độc. Một trong những mẹo để kiểm tra trứng có bị hư hay không, bạn hãy đặt trứng vào trong một chén nước mát và quan sát những hiện tượng sau đây: Nếu như trứng chìm xuống và nằm hẳn dưới đáy bát có nghĩa là chúng vẫn còn tươi và vẫn ăn được. Ngược lại, nếu như trứng nổi hẳn lên mặt nước, bạn không nên dùng nó nữa.
Rau củ quả đông lạnh
Một số loại rau củ quả thường được đóng gói sạch sẽ và bảo quản ở ngăn đông tủ lạnh khi chúng còn tươi mới nhất. Bạn có thể đông lạnh các loại rau củ quả, hành lá, hẹ… ở ngăn đông tủ lạnh để dùng dần. Một số người kỹ lưỡng hơn sẽ quấn chúng với giấy trắng trước khi đặt vào tủ lạnh.
Đối với các gói rau củ quả, bạn có thể cấp đông chúng từ 8 – 10 tháng. Sau khi rã đông, chúng vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng cũng như độ tươi nhất định. Tuy nhiên bạn vẫn nên lưu ý thời hạn sử dụng trên bao bì nếu nhà sản xuất có ghi chú.
Thịt gà
Thịt gà có rất ít chất béo, ít muối. Chỉ với một miếng ức gà bạn cũng có thể chế biến ra được rất nhiều món ăn dùng cho bữa ăn chính trong nhà cho gia đình của mình.
Thịt gà đã nấu chín có thể bảo quản trong tủ lạnh trong khoản 5 ngày. Đối với các loại thịt dăm bông thì có thể bảo quản trong tủ lạnh đến 2 tháng. Bên cạnh đó, thịt gà nguyên con, gà xắt miếng, gà không xương, bạn nên dùng trong ngày hoặc đặt vào tủ cấp đông muộn nhất khoảng 2 ngày kể từ ngày sản xuất. Nếu như bạn rã đông để nấu chín, bạn nên dự trữ chúng trong ngăn mát tủ lạnh khoản 1 ngày trước khi nấu. Sau đây là thời gian cấp đông thịt gà:
- Gà nguyên con: 12 tháng
- Gà xắt miếng: 9 tháng
- Gà xay: 3 đến 4 tháng
- Nội tạng thịt gà: 3 đến 4 tháng.
Thực phẩm dự trữ đóng gói sẵn
Điều kiện để dự trữ thực phẩm đóng gói là bạn phải giữ bao gói nguyên vẹn như ban đầu của nhà sản xuất, nhãn mác phải còn đầy đủ. Đặc biệt, bạn cũng nên lưu ý các vấn đề: tên sản phẩm, thành phần sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, số lô sản phẩm, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng cũng như hướng dẫn bảo quản tốt nhất.
Đối với thực phẩm chế biến sẵn, bạn nên đọc kỹ các thông tin về thành phần phụ gia thực phẩm thường được sử dụng như chất bảo quản, phẩm màu… để đảm bảo được cách bảo quản chính xác.
Sữa chua nguyên chất
Sữa chua nguyên chất chứa rất nhiều dinh dưỡng thiết yếu cho sức khỏe của con người, đặc biệt chúng là nguồn tăng đề kháng – một trong những điều kiện quan trọng về mặt sức khỏe trong thời điểm dịch bệnh lây lan nhanh.
Sữa chua chứa hàm lượng canxi, protein chất lượng cao cùng với men vi sinh – vi khuẩn đặc biệt tốt đối với đường ruột, nhằm cung cấp cholesterol lành mạnh cho cơ thể. Ngoài ra, bạn có thể ăn sữa chua kèm với các loại trái cây khác hoặc có thể dùng nó để chế biến thành các loại bánh, kem hay các món hầm khác cho các món ăn gia đình thêm phần hấp dẫn.
Mì, nui sấy khô
Có thể bạn sẽ nhầm lẫn với mì gói, tuy nhiên các loại mì gói chỉ có thể dùng từ 2 đến 12 tháng là quá hạn, và mọi người khi trữ mì nên tuân theo hạn sử dụng của nhà sản xuất in trên bao bì sản phẩm. Trong khi đó, các loại mì nui sấy khô được đóng gói kỹ càng và bảo quản trong điều kiện thoáng mát có thể là một thực phẩm dự trữ lý tưởng khi hạn sử dụng có thể lên đến 2 năm.
Tuy nhiên nếu đã trải qua sơ chế, bạn nên sử dụng chúng trong vòng 7 ngày kể cả khi đã bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh đúng cách. Đối với dạng tươi khi cấp đông, chúng có thể kéo dài đến 6 tháng.
Thịt và cá là thực phẩm dự trữ lý tưởng
Theo các nghiên cứu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, các loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm không thể sinh trưởng trong môi trường lạnh của ngăn đông tủ lạnh. Vì thế, bạn có thể dự trữ thực phẩm đông lạnh một thời gian dài phù hợp mà vẫn yên tâm chế biến.
Các loại thịt tươi và thịt gia cầm có thể dự trữ khoảng 1 năm trong ngăn đông. Cá tươi đông lạnh có thể kéo dài hạn sử dụng lên đến 6 – 9 tháng. Ngoài ra, các loại cá xông khói đông lạnh là 6 tháng; cá đóng hộp còn nguyên nắp và trữ trong ngăn đá có thể sử dụng rất lâu sau hạn dùng, lên đến 2 – 5 năm.
Đậu sấy khô
Bạn không nên bỏ qua nguồn cung cấp protein dồi dào từ các loại đậu trong các đợt giãn cách được. Các loại đậu có hàm lượng dinh dưỡng rất cao không thua kém gì các loại thực phẩm “to tướng” khác như thịt, cá. Không chỉ giàu đạm, các loại đậu còn chứa rất nhiều chất xơ và vitamin có lợi cho sức khỏe.
Một số loại đậu sấy khô có thể giữ được đến 10 năm khi được đặt ở nơi khô ráo, sạch sẽ. Tuy nhiên, để tận dụng độ ngon và đầy đủ dinh dưỡng của đậu sấy, bạn nên sử dụng chúng từ 1 – 2 năm tùy theo mỗi loại khác nhau.
Những lưu ý khi dự trữ đồ ăn lâu trong nhà
Nếu không biết bảo quản từng loại thực phẩm dự trữ trong tủ lạnh, bạn sẽ biến chiếc tủ lạnh của gia đình thành một môi trường đầy chất độc hại và có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm rất cao. Hãy cùng điểm qua một số lưu ý chung sau đây nhé:
- Nên bảo quản thịt, cá, hải sản ở ngăn đông để giúp ức chế vi khuẩn sinh sôi, phát triển, đồng thời giúp giữ thực phẩm tươi lâu.
- Đối với rau, củ, quả trước khi bảo quản, bạn nên giữ chúng khô ráo, không nên rửa trước khi cho vào tủ vì chúng sẽ đọng nước, rất nhanh hỏng.
- Hạn chế dùng bao nilon hoặc giấy ăn để bọc rau củ quả. Thay vào đó, bạn nên dùng túi zip chuyên dụng có lỗ khí hoặc bọc trong giấy sạch để giúp cân bằng nhiệt độ, giúp thực phẩm luôn tươi mới.
- Các loại đồ đóng hộp, mì gói… bạn có thể giữ ở nơi thoáng mát, sạch sẽ. Đặc biệt tránh các nơi ẩm mốc, ngăn ngừa tình trạng bị côn trùng, chuột cắn phá.
- Một số loại rau củ quả đặc biệt như dưa hấu, bí đỏ, khoai lang, cà chua… không nên bảo quản lạnh.
- Thực phẩm dự trữ tươi sống như thịt, cá… nên được rửa sạch, đựng trong túi zip hoặc hộp kín trước khi dự trữ.
- Mặc dù có thời hạn trữ đông dài tính bằng tháng, nhưng theo khuyến khích, thời hạn tốt nhất để bảo quản thực phẩm tươi sống giữ được chất dinh dưỡng cần thiết tốt nhất là 7 ngày với ngăn đông và 1-2 ngày nếu ở ngăn mát.
- Thịt rã đông nhiều lần có thể làm mất độ giữ nước, mất độ mềm làm giảm chất lượng của thịt. Đông lạnh nhiều lần còn gia tăng nguy cơ tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển, làm hỏng thực phẩm hoặc gây ngộ độc.
Hy vọng qua bài viết trên, Tạp chí Mẹ và Con đã mang đến những thông tin bổ ích, giúp bạn chọn lựa được thực phẩm dự trữ cần thiết cho gia đình trong đợt giãn cách mới này. Chúc bạn và gia đình luôn giữ được sức khỏe để cùng vượt qua mùa dịch nhé!