Mẹ và Con – Việc trẻ có một món đồ chơi trẻ em “ghiền” là bình thường. Nhưng ở vai trò cha mẹ, bạn nên hướng con chọn món đồ chơi theo từng độ tuổi để đảm bảo con vẫn luôn an toàn và phát huy hết vai trò, giúp kích thích sự phát triển về mặt xã hội và cảm xúc.

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, khoảng 70% trẻ nhỏ gắn bó chặt chẽ với một món đồ nào đó như đồ chơi trẻ em, chăn mền, gối ngủ… Hiện tượng này tập trung nhiều ở phương Tây, nơi trẻ em thường ngủ riêng với cha mẹ từ khi còn nhỏ.

Vai trò của đồ chơi trẻ em “ghiền” với bé

Mang đến cảm giác an toàn

Trước tiên, đồ chơi “ghiền” sẽ mang lại cho bé cảm giác an toàn. Khi không có ba mẹ bên cạnh, bạn sẽ thấy trẻ nhanh chóng tìm món đồ chơi quen thuộc. Trẻ xem món đồ chơi này như vật thay thế chỗ dựa tinh thần, bởi vì nó luôn ở đó, bất kể có người thân thiết của trẻ hay không.

Trong những tình huống căng thẳng khác, một món đồ chơi yêu thích cũng có thể mang lại cảm giác được bảo vệ. Ví dụ, có rất nhiều trẻ sợ ngủ trong bóng tối. Nếu chúng có thể nép mình vào món đồ chơi “ghiền”, nó thực sự có thể giúp trẻ vượt qua màn đêm.

Đồ chơi trẻ em

Đồ chơi trẻ em giúp xây dựng tính độc lập

Một món đồ chơi yêu quý có thể góp phần rất lớn vào việc xây dựng tính độc lập ở trẻ. Điều này cũng liên quan đến cảm giác an toàn mà đồ chơi “ghiền” mang lại. Trẻ sẽ gán những đặc điểm nhất định cho món đồ chơi yêu thích của mình. Những đặc điểm này thường là trẻ chưa phát triển đến như không sợ bóng tối, biết bảo vệ bạn bè…

Trong mắt bé, đồ chơi trẻ em “ghiền” rất dũng cảm, giúp trẻ nhiều việc, nhất là khám phá cách vượt qua các ranh giới. Ví dụ như đi xuống cầu trượt một mình có thể khá thú vị. Vì thế, khi đi cùng với món đồ chơi yêu thích hoặc để đồ chơi thử sức trước thì điều đó không còn quá đáng sợ.

Ngủ độc lập

Khi bắt đầu ngủ riêng, trẻ có thể bị thu hút bởi các đồ vật giúp xoa dịu cảm giác sợ hãi, lo lắng. Sự kết nối với những đồ vật này mang lại cho trẻ sự thoải mái khi ngủ. Trẻ cũng cảm thấy an tâm hơn khi trải qua nỗi lo lắng về sự chia ly hoặc giấc ngủ bị gián đoạn, chẳng hạn như mất ngủ…

Một số ba mẹ lo lắng rằng, sự gắn bó của trẻ với một món đồ chơi có thể trở thành một thách thức trong tương lai khi chúng bị hư hỏng, thất lạc… Tuy nhiên, món đồ “ghiền” này là một bước hướng tới sự độc lập và cho phép con bạn cảm thấy an toàn hơn, nhất là khi trẻ phải tách rời bố mẹ để ngủ ở phòng riêng của mình.

Khuyến khích thói quen ngủ lành mạnh

Đồ chơi trẻ em yêu thích giúp cho trẻ tự đi vào giấc ngủ và cho chúng cơ hội để tự xoa dịu bản thân. Nhờ đó tạo một thói quen đi ngủ nhất quán và giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn về việc ngủ một cách độc lập, không tỉnh giấc giữa đêm.

Nếu bạn nhận thấy rằng những đồ vật này đang cản trở giấc ngủ của trẻ, bạn có thể đặt quy định và chỉ cho trẻ tùy chọn một số đồ vật nhất định. Trong trường hợp con bạn không có đồ chơi “ghiền” để ôm ngủ mỗi tối thì cũng không cần phải băn khoăn nhé.

Trẻ nên dừng ôm thú bông đi ngủ khi nào?

Trẻ có thể ngủ với thú bông đến bất cứ khi nào bé thích. Bởi mỗi trẻ có một hành trình lớn lên của riêng chúng và nó có thể chậm hơn nhiều so với sự kiên nhẫn của một số người lớn.

Khi được 5 tuổi, hầu hết trẻ em sẽ không còn cần “dựa dẫm” vào bất kỳ một đồ vật “ghiền” nào như thú nhồi bông hoặc chăn. Nhiều trẻ em sẽ ngừng ngủ với thú nhồi bông của chúng khi lên 10. Cho dù mất bao lâu thì điều đó cũng là bình thường và chỉ đơn giản là một dấu hiệu mà con bạn sử dụng để trấn an bản thân rằng mọi thứ đều ổn.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, bất kỳ loại đồ vật chơi “ghiền” nào cũng nên được khuyến khích cho trẻ, đến khi chúng cảm thấy không muốn nó nữa.

Đồ chơi trẻ em

Những lưu ý khi cho bé ngủ với đồ chơi trẻ em

Mặc dù điều này có vẻ lạ lẫm đối với người trưởng thành chúng ta, nhưng có một lý do hết sức đơn giản khiến trẻ mang đủ loại đồ chơi lên giường. Phần lớn trẻ em thích ngủ với thú bông hoặc chăn êm ái, nhưng một số trẻ lại thích ngủ với mọi thứ mà bé chơi trong ngày. Dù vậy, ba mẹ cũng cần lưu ý những điều sau đây để bé có một giấc ngủ ngon và an toàn.

Chuẩn bị nơi ngủ an toàn

Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị rằng, với trẻ dưới 1 tuổi, ba mẹ không nên để chăn, đồ chơi và các đồ vật mềm khác trong nôi của con. Trong năm đầu tiên, nên để cũi trống hoàn toàn.

Nếu con bạn đang ở độ tuổi có thể ôm đồ chơi mềm khi ngủ, hãy đảm bảo không có nút hoặc ruy băng lỏng lẻo nào có thể gây nguy hiểm. Tốt nhất là nên cho trẻ ngủ chung phòng và đặt nằm ngửa khi ngủ.

Cách giới thiệu đồ chơi trẻ em cho bé

Khi trẻ lớn hơn, một món đồ chơi có thể hữu ích. Trẻ có thể cảm thấy thoải mái khi ngủ với những đồ vật này, nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo chúng an toàn. Không nên sử dụng bất cứ đồ chơi nào có các bộ phận lỏng lẻo, thô cứng, pin, đèn hoặc âm thanh.

Đồ chơi trẻ em

Cách xử lý khi trẻ không còn đồ chơi “ghiền”

Một món đồ chơi yêu thích có thể là người bạn tốt nhất của trẻ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi điều đầu tiên mà con bạn nhớ đến khi chúng bị thương hoặc buồn chính món là đồ chơi yêu thích. Món đồ chơi này mang lại sự thoải mái.

Khi trẻ em đã phát triển trí tưởng tượng, đồ chơi này cũng thường đóng vai trò là bạn diễn trong các cảnh nhập vai của trẻ. Đây là một công cụ quan trọng để phát triển kỹ năng xã hội và cảm xúc. Tuy nhiên, bạn cũng nên tập cho con nhận biết và nghĩ rằng mỗi món đồ chơi đều có sứ mạng của mình. Vì thế, khi hết thời hạn sử dụng, hư hỏng, việc con chia tay đồ chơi trẻ em yêu thích là điều hiển nhiên nên không cần quá đau buồn.

Theo Tạp chí Mẹ và Con, đồ chơi trẻ em yêu thích là một phần trong cuộc sống của trẻ. Đó là tình bạn đầu tiên của trẻ nên cần được nuôi dưỡng và quan tâm đúng cách, ba mẹ nhé! 

Bài viết liên quan