Điều trị mỡ máu cao từ sớm sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh đáng kể, thậm chí khỏi hẳn, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Mời bạn cùng tìm hiểu nguyên nhân gây tăng mỡ máu cũng như các cách cải thiện chỉ số máu hiệu quả.
Mỡ máu cao là gì?
Mỡ máu là tên gọi phổ biến hơn của lipid máu, trong đó thành phần quan trọng nhất là cholesterol và triglycerid. Nhiều người nghe đến cholesterol thường nghĩ ngay đây là chất xấu, gây bệnh.
Hiểu lầm này do các quảng cáo thường xuyên nhắc tới cholesterol như “phản diện” với sức khỏe. Thực tế, cholesterol cực kỳ quan trọng nhằm cấu trúc màng tế bào, giúp não vận hành trơn tru, sản xuất hormone và dự trữ vitamin.
Vậy tăng mỡ máu là gì? Đó là tình trạng khi có sự rối loạn chuyển hóa. Lúc này nồng độ cholesterol tốt giảm mà cholesterol xấu và triglyceride lại tăng cao. Các chất này là gì?
- Cholesterol tốt HDL: Cholesterol HDL sẽ thu lại lượng cholesterol thừa và đưa về gan để lọc.
- Cholesterol xấu LDL: được xem là “xấu” bởi khiến cholesterol thừa tích tụ, lâu ngày tạo ra các mảng xơ vữa trong động mạch.
- Triglyceride: Triglyceride là một loại chất béo để phân giải thành năng lượng hoặc được tích trữ trong tế bào mỡ và gan. Nếu triglyceride tích tụ quá nhiều sẽ gây gan nhiễm mỡ, đột quỵ, mỡ máu, cản trở lưu thông, làm xơ vữa động mạch…
Tóm lại, tình trạng mỡ máu cao hay cholesterol cao thực chất là do rối loạn chuyển hóa giữa các cholesterol và triglyceride.
Dấu hiệu nhận biết mỡ máu cao
Tình trạng mỡ máu cao thường khó nhận biết, đặc biệt khi chỉ vừa chớm tăng. Nhiều trường hợp người bệnh chỉ phát hiện khi bệnh đã trở nặng, gây các biến chứng nguy hiểm. Nhất là ở người trẻ thì càng khó nhận ra vấn đề. Chủ yếu người ta chỉ phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm máu.
Khi mỡ máu tăng đến một mức nhất định thì có thể một số triệu chứng khác cũng xuất hiện: hoa mắt, tim đập nhanh, thở gấp, đau tức ngực… Nếu để lâu hơn, bệnh sẽ tiến triển thành xơ vữa động mạch, cao huyết áp, đột quỵ…
Trong một vài trường hợp, mỡ máu cao sẽ tạo thành nốt ban vàng dưới da. Nốt bóng loáng, to bằng đầu ngón tay, không đau ngứa, chủ yếu xuất hiện trên mặt, bắp đùi, lưng, ngực…
Thủ phạm gây máu nhiễm mỡ
Do lối sống ngày càng kém lành mạnh, chứng máu nhiễm mỡ đang có xu hướng trẻ hóa khá nhanh. Đây là những nguyên nhân phổ biến dẫn tới máu nhiễm mỡ:
- Chế độ dinh dưỡng không khoa học: Người thường xuyên nạp nhiều chất béo, ăn các món dầu mỡ như chiên xào hoặc thực phẩm đóng hộp, đồ ăn chứa dầu dừa, dầu cọ, bơ, ca cao… thường tích nhiều mỡ. Các món thịt giàu đạm như thịt bò, thịt bê, thịt lợn, trứng, sữa… cũng chứa không ít chất béo bão hòa.
- Thừa cân béo phì: cholesterol tốt HDL giảm trong khi cholesterol “xấu” LDL tăng đáng kể. Mỡ tích trữ nhiều ở vùng bụng thay vì hông, đùi.
- Lười vận động: Nếu bạn ít vận động, nằm hoặc ngồi nhiều một chỗ thì nguy cơ bị máu nhiễm mỡ sẽ rất cao.
- Căng thẳng, stress: rối loạn nội tiết tố trong cơ thể và dẫn tới rối loạn chuyển hóa.
- Do bệnh lý: tiểu đường, suy giảm tuyến giáp cũng làm tăng mỡ máu.
- Di truyền: Mỡ máu cao do rối loạn gen chuyển hóa có di truyền. Nếu có người thân trực hệ bị tăng mỡ máu thì bạn cũng có nguy cơ cao hơn người khác.
- Tuổi tác và giới tính: phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh dễ bị tăng cholesterol. Nguyên nhân là do thay đổi của hormone estrogen ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa chất béo và tác động trực tiếp lên các mạch máu.
Tác hại của mỡ máu cao
Tác hại của tăng mỡ máu có lẽ là câu chuyện “nói mãi chẳng hết”. Từ nhẹ đến nặng, đâu đâu cũng có bệnh lý gắn với tình trạng máu nhiễm mỡ. Khi cholesterol xấu tích tụ gây xơ vữa động mạch, gây máu đông hoặc có lẽ bạn thường nghe tới nhồi máu cơ tim (tắc mạch vành) và đột quỵ (nhũn não).
Còn triglycerid thì gây ra gan nhiễm mỡ. Vòng luẩn quẩn là một khi gan nhiễm mỡ sẽ hạn chế khả năng tiết apoprotein – một chất giúp giảm mỡ trong gan – từ đó càng làm tình trạng nhiễm mỡ ở gan thêm nặng nề. Bệnh diễn tiến nặng hơn sẽ gây xơ gan thậm chí là viêm tụy cấp tính.
Người bị mỡ máu cao cần làm gì?
Để hạ mỡ máu thì nên hạn chế chất béo, dùng dầu thực vật và ưu tiên cá thay cho thịt. Hạn chế tôm, thịt đỏ, lòng động vật và tăng cường rau củ, chất xơ.
Bỏ các chất kích thích như bia rượu thuốc lá và tăng cường tập luyện thể dục thể thao. Đồng thời, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi và có biện pháp can thiệp phù hợp khi cần thiết. Không nên tự ý mua và sử dụng thuốc vì bạn có thể khiến tình hình tồi tệ hơn.
Một khi được bác sĩ kê đơn thuốc giảm mỡ máu thì bạn cần chú ý uống đúng toa thuốc. Tuyệt đối tránh bỏ ngang hoặc tự ý tăng liều vì có thể để lại hậu quả khôn lường.
Biến chứng do mỡ máu cao gần như không có dấu hiệu báo trước. Bệnh tiến triển âm thầm nhưng lại bộc phát rất nhanh. Do đó, bạn đừng chủ quan mà hãy nhớ theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên.