Mẹ và Con - Tương tự như khi dậy thì, thời kỳ mãn kinh cũng là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự hoàn thành chức năng sinh sản của người phụ nữ. Lúc này, chị em sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe và cần phải biết cách vượt qua...

Thời kỳ mãn kinh có thể gây ra rất nhiều thay đổi trong cơ thể người phụ nữ. Các triệu chứng khó chịu đều là kết quả của việc suy giảm nội tiết như estrogen và progesterone trong buồng trứng dẫn đến những cơn bốc hỏa, tăng cân hoặc âm đạo bị khô. Trong giai đoạn này, âm đạo của chị em phụ nữ bị khô rát, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm khiến cho việc giao hợp khó khăn, sinh hoạt không thoải mái.

thời kỳ mãn kinh

Các câu hỏi thường gặp xoay quay thời kỳ mãn kinh

Thời kỳ mãn kinh là gì?

Mãn kinh được định nghĩa là sự suy giảm chức năng buồng trứng gây ngưng hoạt động và ngừng tiết các nội tiết tố nữ, dẫn đến việc ngưng hành kinh mỗi tháng và chấm dứt khả năng sinh sản của người phụ nữ.

Thời kỳ mãn kinh cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như loãng xương và thậm chí phải cần đến sự chăm sóc y tế thích hợp để vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

1. Tôi sẽ mãn kinh ở độ tuổi nào?

Độ tuổi mãn kinh trung bình là 51. Đa số phụ nữ ngừng có kinh ở độ tuổi từ 45 – 55. Các giai đoạn suy giảm chức năng buồng trứng có thể sẽ bắt đầu trước đó nhiều năm ở một số phụ nữ. Trong khi một số phụ nữ vẫn sẽ tiếp tục có kinh nguyệt cho đến tuổi 50.

Tuổi mãn kinh có thể được xác định dựa vào di truyền, nhưng những tác động khác như hút thuốc hoặc hóa trị có thể đẩy nhanh quá trình suy giảm buồng trứng, dẫn đến mãn kinh sớm hơn.

2. Sự khác biệt giữa tiền mãn kinh và mãn kinh là gì?

Tiền mãn kinh là khoảng thời gian ngay trước khi thời kỳ mãn kinh bắt đầu.

Trong thời kỳ tiền mãn kinh là khi mà cơ thể bạn đang bắt đầu chuyển sang giai đoạn mãn kinh. Điều đó có nghĩa là việc sản xuất hormone từ buồng trứng đang bắt đầu suy giảm. Bạn có thể bắt đầu gặp một số triệu chứng khó chịu như bốc hỏa. Chu kỳ kinh nguyệt trở nên không đều, nhưng nó sẽ không ngừng hoàn toàn cho đến khi bạn bước vào giai đoạn mãn kinh.

Nếu đã ngừng hành kinh trong vòng 12 tháng liên tục, đó là dấu hiệu cho thấy bạn đã bước vào thời kỳ mãn kinh.

3. Sự suy giảm nồng độ estrogen sẽ gây ra những triệu chứng nào?

phụ nữ mãn kinh

Khoảng 75% phụ nữ sẽ gặp phải một triệu chứng vô cùng khó chịu, được gọi là bốc hỏa trong thời kỳ mãn kinh. Đây là triệu chứng phổ biến nhất mà đa số các phụ nữ đều phải trải qua trong thời kỳ này. Những cơn bốc hỏa có thể xảy ra vào ban ngày hoặc ban đêm. Một số phụ nữ cũng có thể bị đau cơ và khớp, tâm trạng thất thường… 

Nhưng thực tế thì khó để có thể xác định được liệu những triệu chứng này là do thay đổi nội tiết tố, do hoàn cảnh sống hay do chính quá trình lão hóa của bạn.

4. Khi nào thì tôi biết rằng mình đang bị bốc hỏa?

Trong cơn bốc hỏa, bạn có thể sẽ cảm thấy nhiệt độ cơ thể tăng lên. Các cơn bốc hỏa sẽ ảnh hưởng đến thân nhiệt của phần thân trên của cơ thể, thậm chí da có thể chuyển sang màu đỏ hoặc xuất hiện những đốm đỏ li ti. Sự nóng bức này khiến bạn bị đổ mồ hôi, tim đập nhanh và cảm thấy chóng mặt. Sau cơn bốc hỏa, bạn lại có thể cảm thấy cơ thể bị lạnh đi. 

Cơn bốc hỏa có thể xảy ra hàng ngày hoặc thậm chí nhiều lần trong ngày. Bạn có thể sẽ phải trải nghiệm chúng trong suốt một năm hoặc thậm chí vài năm.

Tuy việc tránh khỏi những cơn bốc hỏa là không thể nhưng bạn có thể giảm thiểu sự khó chịu này bằng cách hạn chế:

  • uống rượu hoặc caffein
  • ăn đồ cay
  • cảm thấy căng thẳng
  • ở một nơi nóng bức

Thừa cân và việc hút thuốc cũng có thể khiến các cơn bốc hỏa trầm trọng hơn, nhưng các loại thuốc như thuốc tránh thai, liệu pháp hormone có thể giúp bạn giảm thiểu các cơn bốc hỏa. Vì thế, hãy thăm khám nếu bạn gặp khó khăn trong việc tự kiểm soát những cơn bốc hỏa này nhé!

5. Thời kỳ mãn kinh ảnh hưởng đến sức khỏe xương?

Sự suy giảm estrogen có thể ảnh hưởng đến hàm lượng canxi trong xương của bạn. Điều này có thể làm giảm mật độ xương đáng kể, dẫn đến tình trạng loãng xương. Lúc này, các tế bào xương sẽ thoái hóa một cách nhanh chóng trong vài năm đầu tiên khi bạn bước vừa vào giai đoạn mãn kinh. Vì vậy, bạn sẽ phải rất cẩn thận với các hoạt động nặng để tránh bị gãy xương hông, cột sống và các vị trí xương khác. 

Để giữ cho xương khỏe mạnh, bạn nên:

  • Ăn thực phẩm có nhiều canxi, chẳng hạn như các sản phẩm từ sữa hoặc rau lá xanh đậm
  • Uống bổ sung vitamin D
  • Tập thể dục thường xuyên 
  • Giảm uống rượu
  • Tránh hút thuốc

6. Bệnh tim có liên quan đến thời kỳ mãn kinh không?

thời kỳ mãn kinh

Các tình trạng liên quan đến tim của bạn cũng có thể phát sinh trong thời kỳ mãn kinh, chẳng hạn như chóng mặt hoặc tim đập nhanh. Nồng độ estrogen giảm có thể làm giảm sự đàn hồi của các động mạch và điều này có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu.

Bạn cần dõi cân nặng, ăn uống lành mạnh và có chế độ dinh dưỡng cân bằng, tập thể dục và không hút thuốc để làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim.

7. Tôi sẽ tăng cân khi trải qua thời kỳ mãn kinh?

Sự thay đổi nồng độ hormone có thể khiến bạn tăng cân. Tuy nhiên, quá trình lão hóa cũng có thể đồng thời góp phần khiến cho bạn bị tăng cân nhanh hơn.

Hãy tập trung vào việc duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và duy trì các thói quen lành mạnh khác để giúp kiểm soát cân nặng của bạn. Bởi lẽ, thừa cân có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh tiểu đường và nhiều bệnh khác.

Cuối cùng…

Mãn kinh là một giai đoạn rất tự nhiên trong cuộc đời của mỗi người phụ nữ. Đó là thời gian mức độ estrogen và progesterone của bạn giảm xuống rất nhanh. Sau khi mãn kinh, nguy cơ mắc một số bệnh như loãng xương hoặc bệnh tim mạch ở phụ nữ cũng có thể tăng lên.

Để kiểm soát các triệu chứng khó chịu của thời kỳ mãn kinh, hãy duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên để tránh việc tăng cân một cách không cần thiết. Và thay vì phải một mình chịu đựng những thay đổi khó chịu này, hãy chia sẻ với người thân, đồng thời, cũng đừng quên đi khám phụ khoa định kỳ vì bác sĩ sẽ là người giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn hiệu quả nhất đấy! 

Bài viết liên quan