Mẹ&Con – Kiểm tra lại những kiến thức nho nhỏ của mình, để chuẩn bị thật chu đáo cho một hành trình dài chín tháng…

1. Theo bạn, để đảm bảo bé yêu chào đời khỏe mạnh, trước khi mang thai bạn cần trao đổi với bác sĩ những gì sau đây?

a. Tiền sử mang thai.

b. Tiền sử dùng thuốc.

c. Tiền sử tiêm vắc-xin.

d. Các đáp án trên đều đúng.

e. Các đáp án trên đều đúng, nhưng… chưa đủ!   

>> Đáp án đúng là: Câu e.

Để đảm bảo có một thai kỳ thuận lợi và bé yêu chào đời khỏe mạnh, bình thường, trước khi mang thai, bạn nên đi khám sức khỏe tổng quát và trao đổi kỹ càng với bác sĩ tất cả các yếu tố như: Tiền sử mang thai (bạn có từng trục trặc ở lần mang thai trước như sảy thai, thai ngoài tử cung hoặc có những bất thường khác không); Tiền sử dùng thuốc (cho bác sĩ biết bất kỳ loại thuốc nào bạn đã từng dùng hoặc đang dùng thường xuyên gần đây để điều trị hen suyễn, tiểu đường hoặc cao huyết áp… nhằm điều chỉnh việc sử dụng thuốc sao cho không ảnh hưởng tới thai nhi); Tiền sử tiêm vắc-xin (đã tiêm phòng Rubella, thủy đậu, viêm gan siêu vi B… chưa).

Tuy nhiên, chừng đó vẫn là… chưa đủ! Bạn còn cần trao đổi với bác sĩ về tình hình sức khỏe tổng quát, các bệnh mạn tính nếu có. Tiền sử sức khỏe tâm thần cũng là điều cần được lưu tâm, ví dụ như bạn từng trầm cảm, mất ngủ kéo dài, từng chán nản đến mức muốn tự tử, từng phải điều trị bằng thuốc an thần… Cuối cùng, bạn nên trao đổi với bác sĩ cả việc nếu gia đình bạn hoặc chồng bạn từng có những trường hợp bất thường như có người dị tật, bệnh di truyền, bệnh Down, ung thư, tâm thần… Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên thích hợp nhất với bạn để đảm bảo bạn có thể cho ra đời một bé yêu khỏe mạnh. 

Me da biet nhung viec nay chua 12

2. Theo bạn, có nên chọn thời điểm thụ thai trong một chuyến du lịch lãng mạn không?

a. Không nên.

b. Nên chứ, như thế thì còn gì bằng. 

>> Đáp án đúng là: Câu a.

Đi du lịch là khoảng thời gian tuyệt vời cho hai vợ chồng để hâm nóng tình cảm, có những giây phút riêng tư. Tuy nhiên, với việc thụ thai thì lại… không nên! Nguyên nhân là vì thông thường trong các chuyến đi du lịch, cơ thể bạn hay bị xáo trộn nhịp sinh học, giấc ngủ ít hơn, bạn dễ mệt mỏi, tiêu hao nhiều sức lực, đồ ăn thức uống trong chuyến đi (do phải ăn hàng quán là chính) nên dễ có nguy cơ vệ sinh an toàn thực phẩm… Tất cả những điều này đều không có lợi cho việc tạo nên một mầm “phôi thai”.

Đó là chưa kể, nhiều người rất hay có thói quen “nhậu” một chút bia, một chút rượu trong những lúc thảnh thơi thế này. Sức đề kháng của bạn trong các chuyến du lịch lại thường không tốt do bị ảnh hưởng của thay đổi khí hậu, nhiệt độ, múi giờ… Nếu bạn vẫn muốn có thai trong những chuyến du lịch, tốt hơn hết nên chọn một chuyến nghỉ dưỡng dài ngày, ít mệt mỏi, ít di chuyển nhiều và cố gắng “né” hết các điểm bất lợi đã được nêu ra ở trên nhé.  

3. Để có sức khỏe sinh sản tốt, phụ nữ nên kiêng gần gũi chăn gối những lúc nào sau đây?

a. Thời kỳ “đèn đỏ” trong tháng.

b. Đang bị viêm nhiễm âm đạo.

c. Sau khi vừa phá thai hoặc vừa sinh nở.

d. Các câu trên đều đúng.

e. Các câu trên đều sai.   

>> Đáp án đúng là: Câu d.

Dù muốn “chiều chồng” đến mấy, phụ nữ cũng cần kiêng gần gũi trong những trường hợp đã nêu ra ở trên nhằm đảm bảo sức khỏe sinh sản cho bản thân mình. Chẳng hạn như trong thời kỳ kinh nguyệt, màng trong tử cung có vết thương, sức đề kháng của cơ thể giảm sút, sinh hoạt tình dục rất dễ bị viêm nhiễm, thậm chí gây các bệnh phụ khoa phức tạp như rối loạn kinh nguyệt, nước ối không sạch… Giai đoạn viêm nhiễm âm đạo cũng vậy. Lúc này các vi khuẩn nấm rất dễ lây lan, ngay cả chồng có dùng bao cao su thì bạn vẫn bị ảnh hưởng và khiến tình trạng viêm nhiễm nặng nề hơn. Do đó, chỉ làm chuyện ấy khi viêm nhiễm đã được chữa trị khỏi hẳn.

Trường hợp khi vừa phá thai (sảy thai) hay vừa sinh nở, cổ tử cung cũng như âm đạo của bạn đang bị tổn thương cần thời gian để hồi phục. Nếu quan hệ sớm lúc này, phụ nữ rất dễ có nguy cơ nhiễm trùng nặng. Đặc biệt là quan hệ sớm sau sinh còn có thể dẫn đến tắc mạch do khí và có thể gây biến chứng dẫn đến tử vong. Bạn cần khoảng 8 tuần lễ để hồi phục trước khi có lại quan hệ tình dục. Trước đó, nếu chồng ham muốn nhiều, có thể sử dụng những vuốt ve âu yếm bên ngoài để giải tỏa tinh thần, thay vì gần gũi thật sự.

4. Nên làm gì khi chẳng may bạn bị động thai?

a. Nằm nghỉ ngơi và uống thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

b. Tuyệt đối không được an thai một cách bữa bãi.

c. Tránh xoa bóp bụng, quan hệ vợ chồng, hạn chế việc kiểm tra âm đạo để tránh những kích thích cổ tử cung. 

>> Đáp án đúng là: Tất cả các câu trên.

Động thai dễ xảy ra trong những tuần lễ đầu thai kỳ. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau đưa đến động thai như thể chất, khí huyết của thai phụ bị suy nhược, làm việc quá sức, chế độ nghỉ ngơi không hợp lý, ăn uống thiếu dưỡng chất, thai nhi phát triển không khỏe, mẹ làm việc nặng, bị té, mẹ quan hệ tình dục quá “mạnh bạo”…

Khi chẳng may xảy ra tình trạng động thai, bạn cần tuyệt đối yên tĩnh, nằm nghỉ ngơi và uống thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Tránh xúc động, tránh xoa bóp bụng. Không an thai bằng các phương pháp dân gian, không quan hệ vợ chồng và hạn chế việc kiểm tra âm đạo để tránh những kích thích cổ tử cung. Nên chú ý ăn các thức ăn nấu chín, dễ tiêu hóa trong thời gian này. Có thể ăn cháo hạt sen, cháo cá chép là những món lành, có tác dụng an thai. 

5. Các thông số nào sau đây “dự báo” bạn sẽ có một kỳ vượt cạn thuận lợi?

a. Sức đẻ: Là sức đẩy thai nhi ra ngoài, bao gồm sức co thắt của tử cung, sức co thắt cơ thành bụng và sức co thắt của hậu môn, trong đó sức co thắt của tử cung là chủ yếu.

b. Đường sinh đẻ: Đường thai nhi đi qua từ tử cung mẹ ra ngoài, bao gồm khung xương chậu (đường sinh cứng), cổ tử cung, đáy chậu, âm đạo (đường sinh mềm), trong đó khung xương chậu có ý nghĩa quyết định quan trọng.

c. Thai nhi: bao gồm thai nhi lớn hay nhỏ, kích thước của thai nhi, thai nhi có bị dị tật hay không, vị trí ngôi thai có thuận không?

 

>> Đáp án đúng là: Tất cả các câu trên.

Để có thể tiên lượng tốt việc mình có thể trải qua kỳ vượt cạn thuận lợi không, bạn có thể hỏi bác sĩ những thông số trên vào các tuần cuối của thai kỳ. Nếu tử cung có sức co lại, xương chậu nở, đường sinh sản bình thường, thai nhi không quá to hoặc dị tật, vị trí thai bình thường thì có thể hứa hẹn sinh nở một cách thuận lợi.

Việc khám thai những tuần cuối rất quan trọng chính là để xác định được các thông số này. Trong trường hợp bạn thuộc nhóm nguy cơ khó sinh, có thể bác sĩ sẽ phải chỉ định bạn sinh mổ. Lưu ý rằng trong những trường hợp đó, tốt hơn hết bạn nên chọn bệnh viện phụ sản lớn cho kỳ vượt cạn, để đảm bảo có đầy đủ trang thiết bị y tế tốt nhất, bác sĩ giỏi chuyên môn để cấp cứu trong trường hợp cần thiết.

Cũng cần nói thêm một điều nữa là một số thai phụ mang thai lần đầu, các thông số kiểm tra trước khi sinh đều tốt nhưng đến khi tiến hành sinh nở lại bất thường. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do tâm lý lo lắng, sợ hãi, căng thẳng, gào thét quá nhiều trong khi sinh dẫn đến kiệt sức không thể sinh đẻ tự nhiên được. Do đó, bạn cũng cần chuẩn bị cho mình trạng thái tinh thần tốt nhất, học các lớp tiền sản để biết cách rặn thở tốt trong quá trình sinh.

Tags:

Bài viết liên quan