Máy hút sữa ra đời để thay thế cho cách hút sữa bằng tay truyền thống. Máy khắc phục được nhiều nhược điểm của cách hút sữa thủ công cũ, vừa không mang đến hiệu quả cao và vừa mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, song song với những công dụng tuyệt vời của máy, vẫn còn rất nhiều nghi ngại xung quanh việc sử dụng máy được các mẹ đặt ra. Máy vắt sữa có ưu – nhược điểm gì? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con đi tìm câu trả lời nhé!
Những lợi ích khi sử dụng máy hút sữa
Trong những năm tháng đầu đời, sữa mẹ được xem là nguồn thức ăn duy nhất, tốt nhất cho sức khỏe cùng sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhưng với nhiều người, việc nuôi con bằng sữa mẹ không phải là một vấn đề đơn giản. Đôi khi, bạn sẽ cần đến sự hỗ trợ từ máy hút sữa trong những trường hợp như: mẹ ít hoặc không đủ sữa cho con bú, bé sinh non không đủ sức khỏe hoặc bé gặp phải những chứng bệnh bẩm sinh/tai nạn mới sinh như sứt môi, hội chứng down… khiến cho việc bú sữa mẹ gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, nếu bạn phải quay lại công việc sớm và không có nhiều thời gian cho con bú thường xuyên, bạn cũng cần phải dự trữ sữa ở nhà để người chăm sóc bé có thể thay bạn cho con bú. Và sau đây là những lợi ích khác của máy hút sữa:
Giúp mẹ tiết sữa nhiều hơn
Sữa mẹ tiết ra ít hay nhiều một phần do nhu cầu bú của em bé. Nếu mẹ cho con bú nhiều và vắt nhiều sữa, dần về sau lượng sữa tiết ra ở đầu ngực sẽ càng nhiều hơn. Vì thế, bạn cần đảm bảo lượng sữa tiết ra ngoài mỗi ngày phải cân bằng nhau. Ngay cả trong những trường hợp bé không bú thường xuyên, hoặc đối với những đứa trẻ đặc biệt, lượng sữa mẹ sẽ được vắt ra nhiều hơn là lượng sữa mẹ cho bé bú trực tiếp.
Vì thế, máy hút sữa không chỉ giúp mẹ lấy được lượng sữa thừa ra ngoài mà còn kích thích tuyến sữa tiết ra nhiều hơn, giúp tia sữa được hoạt động đều đặn. Không những thế, với những mẹ sinh nhiều hơn một bé cùng lúc thì việc cần tiết nhiều sữa hơn rất là quan trọng và cần thiết.
Máy hút sữa giúp mẹ giảm nguy cơ bị tắc tia sữa, viêm tuyến vú
Lượng sữa mẹ mỗi ngày đều tiếp xuống đầu ngực một cách đều đặn. Nếu bé không có nhu cầu bú hết số lượng sữa đó, chúng vẫn sẽ được tích tụ ở đầu ngực, về lâu dài sẽ khiến lượng sữa ở đó bị ôi thiu. Điều này khiến cho đầu ngực của người mẹ bị căng cứng, đau nhức, đây là những dấu hiệu của tình trạng tắc tia sữa mà rất nhiều mẹ gặp phải.
Vì thế, việc mẹ cần làm là phải lấy hết lượng sữa bé bú thừa ra ngoài, tránh để tồn đọng trong bầu ngực. Nếu trước kia các bà, các mẹ hay lấy bằng tay, dễ gây tổn thương đầu ngực, mất nhiều thời gian mà vẫn không mang lại hiệu quả cao. Thì giờ đây đã có máy hút sữa, chúng sẽ giúp quá trình vắt sữa được diễn ra nhanh chóng, dễ dàng và tránh những tổn thương không đáng có. Điều này có thể nói, máy có thể ngăn chặn tình trạng tắc tia sữa dẫn đến viêm vú cho các mẹ.
Khắc phục tình trạng núm vú phẳng hoặc bị thụt vào bên trong
Những mẹ gặp phải tình trạng thụt núm vú khó chịu có thể khắc phục bằng máy hút sữa. Lực hút từ máy có thể giúp núm vụ được giữ hoặc kéo trở ra bên ngoài. Điều này cũng sẽ giúp con yêu được bú sữa dễ dàng hơn và tránh được những tổn thương đến đầu ngực.
Tuy mang nhiều lợi ích như thế, nhưng việc sử dụng máy hút sữa cũng đã được ghi nhận nhiều trường hợp lạm dụng gây ra những tác dụng ngược hoặc dẫn đến nguy hại đến sức khỏe, dáng ngực của các mẹ.
Những tác dụng phụ khi lạm dụng máy vắt sữa bạn nên biết
Chị Út Nên (28 tuổi, nhân viên văn phòng TP.HCM) cho biết, chị có một bé trai 20 tháng tuổi, trường hợp như sau: “Bé nhà tôi từ khi chào đời đã từ chối bú mẹ. Vì muốn nuôi con bằng sữa mẹ nên tôi đã phải dùng máy hút sữa để cho sữa vào bình giúp con dễ bú. Tuy nhiên việc hút sữa khá vất vả, cứ 3 tiếng một lần không kể ngày đêm. Nhưng vì nghĩ cho con yêu nên tôi vẫn cố gắng hút đều đặn.
Khi đến tháng thứ 7, do đã đi làm trở lại nên tần suất hút không được thường xuyên, sữa dần ít và sau đó mất hẳn. Nhìn lại, sau quãng thời gian cố gắng hút sữa, ngực tôi do quá căng nay đã bị xệ nặng nề, chưa kể đến lực hút của máy quá mạnh làm cho vùng da xung quanh ngực của tôi bị rạn, đến giờ vẫn còn”.
Bên cạnh đó, chị Thanh (25 tuổi, Quảng Ninh) tâm sự, “Tôi nghe kể cho con bú mẹ mấy tháng liên tục sẽ làm cho bầu ngực trở nên xấu và xệ hơn. Vì thế tôi chọn cách dùng máy hút sữa mẹ. Tuy nhiên không phải lúc nào việc này cũng đảm bảo về mặt vệ sinh, vì những quá trình như làm đông, rã đông, hâm nóng… nhiều khâu nên bé nhà tôi thỉnh thoảng lại bị tiêu chảy. Bây giờ tôi đang hối hận khi chọn biện pháp này”.
Với những trường hợp trên cho thấy, việc hút sữa cũng không phải đơn giản như những gì quảng cáo nói và nó cũng mang lại nhiều hệ lụy tiềm ẩn. Tuy nhiên, ở bài viết này Mẹ và Con không khuyên bạn vứt bỏ máy vắt sữa đi ngay lập tức mà chỉ đang nói về những nguy hại của chúng khi các bà mẹ đã lạm dụng và sử dụng sai cách.
Dưới đây là một số tác dụng phụ khi bạn lạm dụng máy vắt sữa quá nhiều:
Bé sẽ dễ bỏ bú mẹ sớm
Khi sử dụng máy hút sữa ra bình và cho bé bú bằng bình, em bé của bạn sẽ khó để làm quen với kết cấu, mùi vị riêng và sự thoải mái của núm vú mẹ vì ít cơ hội được bú trực tiếp. Có thể nói, việc cho bé bú bình quá sớm sẽ làm con dễ từ chối vú mẹ hơn.
Việc này sẽ giúp bạn không thể hình thành được sợi dây liên kết tình cảm với bé, cho bé cảm nhận được sự bình yên khi được cảm nhận được nguồn sữa ấm nóng từ bầu ngực của mẹ. Do đó, không nên cho bé bú bình quá sớm, và thời điểm tốt nhất để giới thiệu bình sữa cho con (với trường hợp bắt buộc) là khi con được ít nhất 1 tháng tuổi. Vì khi này việc cho con bú đã vào khuôn khổ.
Nhiễm khuẩn sữa mẹ
Một máy hút sữa không được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên sẽ dễ gây nhiễm khuẩn nguồn sữa mẹ do bị vi khuẩn xâm nhập. Một ví dụ điển hình cho vấn đề này, vào thời điểm năm 2019 ở Hoa Kỳ, một trẻ sinh non tháng đã bị viêm não nghiêm trọng và không được cứu chữa kịp thời sau khi được cho ăn sữa từ máy hút không vệ sinh sạch sẽ. Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng cho biết, vi khuẩn gây viêm màng não ở trong các bộ phận của máy hút, tương tự với loại vi khuẩn trong cống của nhà bếp.
Vì thế, nếu bạn đang sử dụng máy hút sữa, hãy ghi nhớ và thuộc nằm lòng những quy tắc vệ sinh sau đây:
- Rửa tay với xà phòng diệt khuẩn thật kỹ trước khi xử lý máy hút hoặc bộ dụng cụ của máy.
- Làm lạnh các bộ phận tháo rời ngay sau khi hút sữa.
- Chuẩn bị sẵn một chậu nhỏ riêng dành cho việc vệ sinh máy hút vì bồn rửa trong bếp có thể bị nhiễm bẩn, khó làm sạch tuyệt đối.
- Nên sử dụng một bàn chải riêng (để vệ sinh kỹ dụng cụ) cùng với xà phòng diệt khuẩn.
- Nên sấy khô hoàn toàn bằng máy thay vì sử dụng khăn lau thường xuyên hoặc khăn ở bếp vì chúng chứa nhiều vi khuẩn.
- Bảo quản ở nơi khô ráo, sạch sẽ để tránh nhiễm bẩn.
Máy hút sữa có thể gây tổn thương ngực
Nếu bạn không biết cách hoặc quá gấp gáp mà cài đặt một lực quá mạnh cho máy hút sữa, hoặc cũng có thể phễu của máy không đúng kích thước. Điều này có thể khiến bạn bị tổn thương đầu ngực, hoặc các mô xung quanh vùng ngực. Và nghiêm trọng hơn, những vấn đề này không được khắc phục. Hãy ghi nhớ và điều chỉnh hoặc tạm dừng sử dụng khi có những biểu hiện dưới đây:
- Núm vú của bạn chà xát 2 bên mặt phễu mỗi khi sử dụng.
- Một phần lớn của nhũ hoa bị kéo vào ống.
- Ngực chuyển sang màu đỏ bất thường sau mỗi lần sử dụng.
- Nhũ hoa hoặc quầng quanh ngực bị chuyển màu trắng sau khi hút.
- Vẫn không hết sữa sau một lần hút.
Máy hút sữa có thể làm căng đau đầu ngực
Một số mẹ vì lý do cá nhân hoặc bắt buộc mà trữ đông rất nhiều sữa mẹ. Điều này sẽ khiến cơ thể sản xuất quá nhiều sữa và có thể dẫn đến tình trạng căng vú. Nếu tình trạng này kéo dài và không được khắc phục kịp thời có thể sẽ gây nguy cơ viêm tuyến vú do tắc ống dẫn sữa gây đau đớn.
Để tránh tình trạng này, các mẹ chỉ nên dùng máy hút sữa một cách thường xuyên nếu thực sự rơi vào trường hợp bắt buộc. Nếu không, hãy cho bé bú trực tiếp trên ngực.
Mất nhiều thời gian và công sức
Như đã đề cập từ đầu, điều quan trọng nhất khi sử dụng máy hút sữa đó là “tất tần tật” các bộ phận của máy và bình sữa, bầu ngực của mẹ đều phải được làm sạch hoàn toàn, những thiết bị máy móc phải được sấy khô và bảo quản đúng cách để tránh nhiễm khuẩn. Điều này tốn nhiều thời gian và công sức khi so sánh với việc cho con bú trực tiếp trên ngực mẹ.
Mẹ và Con muốn nhắc lại một lần nữa, mục đích của bài viết này không phải khuyến khích mẹ vứt chiếc máy hút này đi. Máy hút sữa là một thiết bị hiện đại tuyệt vời được tạo ra để giúp nhiều mẹ không thể trực tiếp cho con bú mà vẫn có thể nuôi con bằng sữa mẹ. Vì thế, việc trang bị cho mình những kiến thức để sử dụng đúng mục đích, đúng cách sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm khi sử dụng dẫn đến các nguy hại không đáng có.
Những nguyên tắc bạn cần nhớ khi sử dụng máy để vắt sữa
Mỗi một thiết bị đều có những ưu nhược điểm riêng và máy hút sữa cũng thế. Tuy nhiên nếu biết cách sử dụng và không quá lạm dụng thì việc bạn có thể tận dụng được hết các lợi ích mà chúng mang đến hoàn toàn dễ dàng. Bạn chỉ cần ghi nhớ những lưu ý sau đây khi sử dụng máy để đạt được hiệu quả tối ưu và an toàn cho bé yêu:
- Trước khi sử dụng nên tham khảo qua ý kiến bác sĩ, bạn sẽ nhận được những lời khuyên có ích về việc chọn thời điểm và cách sử dụng.
- Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.
- Bạn nên cho bé bú trực tiếp từ bầu ngực hoàn toàn vào tháng đầu tiên sau sinh. Việc cho con bú trực tiếp sẽ giúp tăng nồng độ hormone oxytocin. Một loại hormone có tác dụng kích thích phản xạ sữa xuống bầu ngực. Bạn cần đảm bảo được nồng độ này mới có thể đủ sữa cho bé bú.
- Sau khi sử dụng từ 8 – 10 tháng, bạn nên thay máy một lần. Điều này sẽ đảm bảo hơn về mặt vệ sinh cũng như tránh làm tình trạng sữa mẹ bị nhiễm khuẩn.
- Không nên lạm dụng máy vắt sữa quá nhiều. Điều này có thể bạn bị mất sữa. Nên vắt sữa 2 – 3 tiếng/lần là phù hợp.
- Khi vắt, bạn nên đảm bảo bản thân luôn trong trạng thái vui vẻ và không phải chịu đau đớn.
Hy vọng qua bài viết trên, Mẹ và Con đã nêu rõ về các ưu – nhược điểm khi sử dụng máy hút sữa giúp bạn sử dụng đúng cách hơn, vừa bảo vệ bản thân vừa đảm bảo an toàn cho con yêu. Chúc bạn áp dụng thành công và bé yêu hay ăn chóng lớn nhé!