Ca hát và âm nhạc đóng một vai trò quan trọng trong nền văn hóa của chúng ta hiện nay. Âm nhạc không chỉ có chức năng giải trí, truyền tải các thông điệp mà các nghiên cứu còn cho thấy, bố mẹ có thể dùng nhạc phát triển trí tuệ cho trẻ. Giáo dục âm nhạc từ sớm sẽ đóng vai trò rất lớn đối với sự phát triển của con.
Lợi ích của âm nhạc trong việc phát triển trí tuệ của trẻ
1. Kích thích khả năng ngôn ngữ
Một nghiên cứu năm 2016 tại Viện Não bộ và Sáng tạo của Đại học Nam California cho thấy, âm nhạc có thể giúp phát triển trí tuệ cho trẻ bởi những đứa trẻ có tiếp xúc, tương tác với âm nhạc trong độ tuổi thơ ấu thường có sự phát triển vượt trội về não bộ, đặc biệt là trong các lĩnh vực tiếp thu ngôn ngữ và kỹ năng đọc của trẻ.
Một số nghiên cứu khác về lợi ích của việc âm nhạc phát triển trí tuệ cho thấy, trẻ 8 tuổi chỉ với 8 tuần đào tạo về âm nhạc đã có thể cải thiện trong nhận thức cảm tính so với nhóm còn lại. Sự tương tác với âm nhạc có thể làm tăng khả năng mã hóa âm thanh thành ngôn ngữ ban đầu của não bộ. Do đó, thường xuyên nghe nhạc có thể giúp nâng cao khả năng xử lý ngôn ngữ của trẻ.
Hơn nữa, việc xử lý giọng nói của não bộ sẽ dựa trên các khác biệt về âm sắc giữa các âm vị. Xây dựng thói quen cho trẻ nghe nhạc từ sớm sẽ giúp trẻ nâng cao kỹ năng nhận thức các âm vị này, từ đó giúp trẻ nhận biết lời nói tốt hơn và cải thiện khả năng học phát âm – nghe đọc hiểu của mình.
Từ khi vừa lọt lòng, trẻ sơ sinh đã trong trạng thái sẵn sàng để giải mã các âm thanh, lời nói mà mình nghe được hằng ngày. Vì thế, việc giáo dục âm nhạc cho trẻ từ sớm sẽ giúp trẻ cải thịện khả năng tự nhiên này.
2. Phát triển não bộ và trí tuệ
Không chỉ giúp cải thiện khả năng ngôn ngữ, âm nhạc còn đóng vai trò giúp trẻ phát triển trí tuệ của con người. Chuyên gia âm nhạc trẻ em Meredith LeVande của MonkeyMonkeyMusic.com từng chia sẻ: “Âm nhạc kích thích những phần não liên quan đến việc đọc, học Toán và phát triển cảm xúc của trẻ”.
Từ khi còn nhỏ, nếu được nghe nhạc và tiếp xúc với âm nhạc, trẻ sẽ dễ dàng hơn trong việc phân biệt cao độ và nhịp điệu – hai yếu tố đặc trưng nhất của âm nhạc. Điều này giúp trẻ hình thành trí thông minh âm nhạc cũng như mang đến cho trẻ nền tảng để phát triển trí tuệ tốt hơn.
Một thử nghiệm về hiệu quả của âm nhạc với sự phát triển trí tuệ của trẻ em được thực hiện vào năm 1975 cho thấy, nhóm trẻ được học nhạc năm ngày mỗi tuần trong bảy tháng có kết quả các bài kiểm tra cao hơn so với nhóm trẻ còn lại. Hoặc vào năm 2000, Bilhartz đã thực hiện nghiên cứu về mối quan hệ giữa việc tham gia vào một chương trình giảng dạy âm nhạc và sự phát triển nhận thức ở trẻ 4-6 tuổi. Kết quả cho thấy, nhóm trẻ được giảng dạy về âm nhạc có thể dễ dàng vượt qua các bài kiểm tra về trí thông minh cũng như bài kiểm tra đánh giá kỹ năng âm nhạc mà không gặp phải quá nhiều trở ngại.
Vì vậy, việc cho trẻ tiếp xúc, tương tác với âm nhạc từ sớm có thể giúp trẻ phát triển trí tuệ tốt hơn.
3. Phát triển khả năng bộc lộ cảm xúc
Âm nhạc không chỉ đóng vai trò giúp trẻ phát triển trí tuệ mà còn tạo nền tảng vững chắc để trẻ có thể phát triển khả năng bộc lộ cảm xúc của chính mình. Thông qua cách thể hiện sáng tạo trong lời bài hát, giai điệu sẽ giúp trẻ dễ dàng kết nối với những người xung quanh mình.
Hơn nữa, những thể loại âm nhạc có giai điệu tươi sáng, vui vẻ cũng góp phần giúp trẻ phát triển niềm hạnh phúc của mình trong cuộc sống. Những đứa trẻ có cơ hội tiếp cận với âm nhạc từ sớm sẽ có khả năng bày tỏ, bộc lộ cảm xúc của mình dễ dàng hơn.
Cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc như thế nào là đúng cách?
Nhạc thai giáo
Từ tuần thai thứ 16 trong thai kỳ, bạn có thể bắt đầu cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc thông qua các bài nhạc thai giáo. Khi cho trẻ tiếp xúc với nhạc thai giáo để phát triển trí tuệ, cần lưu ý một vài vấn đề như:
- Nên chọn những lúc cơ thể muốn nghỉ ngơi để cho trẻ nghe nhạc vì lúc này bạn sẽ dễ dàng thư giãn, thả lỏng, tập trung vào âm nhạc và giúp trẻ cảm nhận được giai điệu rõ ràng nhất.
- Âm lượng khi cho trẻ nghe nhạc thai giáo cũng vô cùng quan trọng. Nên cho trẻ nghe nhạc bằng loa ngoài hoặc các các loại tai nghe chuyên dụng dành cho bà bầu. Khi mở nhạc, nên chú ý âm lượng vừa phải, thậm chí nhỏ hơn từ 1-2 mức so với mức âm lượng mà mẹ nghe trực tiếp.
- Ngoài ra, để trẻ tiếp xúc với âm nhạc giúp phát triển trí tuệ đúng cách, bạn nên chú ý chọn những bài hát có giai điệu, ca từ trong sáng, thể hiện tinh thần lạc quan vui vẻ. Không nên chọn các bài nhạc buồn, não nề hoặc các bài nhạc có giai điệu quá mạnh, thay đổi nhịp điệu liên tục.
Để trẻ tự do lựa chọn loại hình âm nhạc mà con yêu thích
Sử dụng các loại nhạc cụ như piano, guitar hay nghe nhạc, tập hát, múa,… đều là cách trẻ có thể tiếp xúc với âm nhạc và nhận được những lợi ích từ âm nhạc. Vì thế, để trẻ phát triển trí tuệ một cách tốt nhất, bạn không nên can thiệp vào sở thích của trẻ mà nên khuyến khích trẻ tự do trong việc lựa chọn loại hình âm nhạc mà mình yêu thích.
Cho dù trẻ yêu thích nhạc rap hay các thể loại âm nhạc “cá tính” hơn, bạn cũng không nên phán xét hay ngăn cản trẻ bạn nhé!
Tạo cho trẻ thói quen tương tác với âm nhạc
Không phải đứa trẻ nào cũng yêu thích và nghe nhạc từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, để con phát triển trí tuệ tốt hơn, bạn có thể gián tiếp tạo cho trẻ thói quen tương tác với âm nhạc bằng nhiều cách như thường xuyên mở nhạc ở khu vực sinh hoạt chung của cả gia đình. Mỗi tối khi cả gia đình sinh hoạt chung ở phòng khách, bạn có thể mở một vài bài nhạc để trẻ gián tiếp được tiếp xúc với âm nhạc.
Ngoài ra, có thể tổ chức các trò chơi cho cả gia đình và lồng ghép âm nhạc vào trong từng trò chơi,… Lâu dần trẻ sẽ có thói quen tương tác với âm nhạc nhiều hơn, góp phần phát triển trí tuệ và cảm xúc của trẻ.
Với những lợi ích của âm nhạc trong việc phát triển trí tuệ của trẻ, hãy cố gắng để trẻ có thể tiếp xúc với âm nhạc sớm nhất có thể bạn nhé! Và đừng quên theo dõi Tạp chí Mẹ và Con để đón đọc những bài viết bổ ích trong việc nuôi dạy con cái, hôn nhân và gia đình bạn nhé.