Làm việc chăm chỉ và cống hiến cho sự nghiệp là những đặc điểm đáng ngưỡng mộ. Không có gì sai khi thỉnh thoảng thử thách bản thân hoặc nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, điều cần thiết là bạn phải biết cách quân bình giữa các yếu tố để không phải rơi vào tình trạng kiệt sức trong công việc và làm giảm chất lượng cuộc sống của chính mình.
Tác động tiêu cực của kiệt sức trong công việc
Kiệt sức trong công việc thường bắt nguồn từ tình trạng quá tải. Nó dần ảnh hưởng đến tình cảm, thể chất và tinh thần do căng thẳng quá mức và kéo dài. Đáng lo hơn, khi tình trạng liên tục diễn ra trong một thời gian bạn bắt đầu mất hứng thú và động lực khiến bạn phải từ bỏ đảm nhận một số trách nhiệm quan trọng nào đó mà mình đang thực hiện.
Tóm lại, sự tàn phá bởi tình trạng kiệt sức trong công việc sẽ ảnh hưởng đến bạn cả về mặt cá nhân và nghề nghiệp. Để hoàn thành xuất sắc công việc của mình, bạn cần có khả năng điều chỉnh và dung hòa. Nếu không cải thiện về mặt tinh thần, cảm xúc và thể chất, sự nghiệp của bạn sẽ gặp một số tác động.
Những dấu hiệu bạn kiệt sức trong công việc
Bạn bị ám ảnh bởi sự mệt mỏi đến từ công việc
Các dấu hiệu mà bạn có thể cảm nhận được rõ ràng từ cơ thể đó chính là sự mệt mỏi, tâm trạng cáu gắt và tràn ngập cảm giác tiêu cực, mất khả năng tập trung hay giảm trí nhớ…
Trong bất kỳ công việc hay ngành nghề nào, khả năng duy trì phong độ và vượt lên đòi hỏi một cái đầu tỉnh táo. Do đó khi bạn kiệt sức, sự mệt mỏi sẽ vắt kiệt năng lượng cống hiến, kéo chân bạn lại, làm bạn tụt lại phía sau so với những người đồng nghiệp khác.
Bạn không có thời gian dành cho những sở thích cá nhân
Hãy để đồng tiền phục vụ bạn, đừng để bản thân là nô lệ của đồng tiền. Kiệt sức trong công việc chưa bao giờ là tốt cả, khi nó không cho phép bạn được thoải mái với những sở thích riêng và dành thời gian bên những người thân yêu. Lâu dần, bạn sẽ cảm thấy mình bị cô lập với thế giới xung quanh và mất đi tình yêu dành cho bản thân, cuộc sống.
Khi nhận ra điều này cũng là lúc bạn nên biết cách hạn chế số lượng công việc mà mình làm hàng ngày để nuôi dưỡng lại tâm hồn. Chính tình yêu bản thân và lòng rung cảm với những sự việc trong cuộc sống mới là động lực để ta bứt phá trong công việc.
Sức khỏe thể chất giảm sút
Hầu hết các công việc đòi hỏi phải vận động ở một mức độ nào đó, ngay cả khi các chuyển động được cho là nhẹ nhất như nhân viên văn phòng, thì bạn vẫn phải ngồi và làm việc trước màn hình máy tính trong suốt 8 tiếng đồng hồ. Tình trạng kiệt sức trong công việc là vô cùng nguy hiểm bởi vì trong giai đoạn tồi tệ nhất, nó có khả năng làm bạn mất khả năng hoạt động về thể chất.
Một số ví dụ bao gồm đau ngực, ngất xỉu và hệ thống miễn dịch suy yếu. Nếu không có một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ, cơ thể vật chất của bạn trở nên dễ bị tổn thương hơn với các mầm bệnh. Do vậy, bạn không thể tiếp tục làm việc một cách trơn tru và hiệu quả được.
Những cách giảm kiệt sức trong công việc
Kéo dài với tình trạng căng thẳng không được kiểm soát có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Nếu không muốn cuộc sống lao dốc, đây là những cách bạn có thể áp dụng để giảm bớt tình trạng kiệt sức trong công việc
Quản lý căng thẳng
Nếu không được kiểm soát, căng thẳng có thể nhanh chóng chuyển thành kiệt sức, sau đó có thể phá hủy sự nghiệp của bạn. Trong khi nhiều người đang làm việc gặp phải căng thẳng vào lúc này hay lúc khác, cách bạn lựa chọn để xử lý căng thẳng này cuối cùng sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể nhất. Việc kiểm soát căng thẳng một cách lành mạnh sẽ cho phép bạn tìm thấy một lối thoát mang tính xây dựng có lợi cho sức khỏe của chính bạn. Một số cách phổ biến nhất để kiểm soát căng thẳng bao gồm thiền, tập thể dục, hít thở sâu, viết nhật ký…
Cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân
Luôn sẵn sàng phục vụ công việc bạn sẽ dễ dàng khiến bạn kiệt sức. Điều quan trọng là tạo ra ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống gia đình để giúp bạn tránh căng thẳng tiềm ẩn. Bạn cần lên một lịch trình làm việc cụ thể và cố gắng tuân theo nó một cách triệt để nhằm quản lý tốt hơn khả năng làm việc, chất lượng làm việc và thời gian nghỉ ngơi của mình.
Biết khi nào cần nghỉ giải lao
Bất kể bạn đang ở lĩnh vực nào, điều quan trọng là bạn phải biết rằng nghỉ ngơi là điều cần thiết. Khi bạn có một dự án lớn trước mắt hoặc đang cố gắng gây ấn tượng với sếp hoặc khách hàng, bạn thường có cảm giác muốn cống hiến hết sức mình mà không màng đến sức khỏe.
Nghỉ giải lao vốn dĩ không mâu thuẫn với năng suất làm việc. Thực tế là, một thời gian ngắn tạm rời xa công việc thực sự có thể cải thiện chất lượng làm việc của bạn. Nghỉ ngơi có thể đơn giản là nghỉ một ngày, đi dạo một lần mỗi ngày hoặc tìm các cửa hàng cà phê có không gian phù hợp với sở thích của bạn. Bất kể bạn chọn con đường nào, nghỉ ngơi cũng có khả năng giúp ngăn chặn hoặc chấm dứt tình trạng kiệt sức trong công việc.
Cảm nhận và xác định các dấu hiệu của tình trạng kiệt sức trong công việc là một cách hiệu quả để trang bị cho bản thân các chiến lược và nguồn lực cần thiết để ngăn chặn nó làm cho chất lượng cuộc sống của chúng ta. Mẹ và Con mong rằng với những cách trên sẽ giúp cho tương lai sự nghiệp của bạn. Chúc bạn thành công!