Mẹ&Con – Xin chúc mừng bạn, vậy là giờ đây bạn đã được gặp thiên thần bé nhỏ sau bao nhiêu tháng ngày mong chờ. Ngập tràn trong hạnh phúc, bạn cũng đừng quên chăm sóc bản thân cẩn thận, lưu ý những kiêng cữ sau sinh mổ để nhanh chóng lấy lại sức khỏe và mau lành vết thương đấy.
Sau khi đã “thuận buồm xuôi gió” trải qua 9 tháng 10 ngày mang nặng và giành hết sức lực vào cuộc “vượt cạn” gian nan, cơ thể người mẹ trở nên vô cùng yếu ớt. Đặc biệt là với các bà mẹ sau sinh mổ còn gặp phải muôn điều phiền toái như phải đặt ống thông tiểu, đi lại bất tiện, chưa kể bị cơn đau của vết mổ “hành hạ”. Đối mặt với nhiều rắc rối khiến một số mẹ dường như quên đi những việc nên và không nên làm trong quá trình ở cữ. Nhưng… đừng để “sai một ly, đi một dặm”, cùng Mẹ&Con điểm lại những kiến thức trong kiêng cữ sau sinh mổ qua bài viết dưới đây để tránh “rước họa vào thân” nhé!
Những quan niệm đúng – sai trong kiêng cữ sau sinh mổ
Kiêng tắm gội trong thời gian “ở cữ”
Điều này hoàn toàn không có căn cứ khoa học!
Rất nhiều bà mẹ than phiền rằng, “Sinh bé ngay mùa nóng, chỉ vài hôm không tắm là đã khó chịu lắm rồi, vậy mà mẹ mình bắt kiêng cữ tới cả tháng, ngứa ngáy đến không chịu nổi”. Đã xa rồi thời ở cữ kiêng nước, kiêng tắm gội bất chấp nắng nóng, mồ hôi và bụi bẩn. Sau sinh mổ khoảng 7 ngày, người mẹ có thể tắm gội nhẹ nhàng chỉ cần đảm bảo một số nguyên tắc an toàn như: tắm càng nhanh càng tốt (không tắm quá 10 phút), không tắm trong bồn hoặc chậu, tránh làm ướt vết thương và nên tắm bằng nước ấm, tắm trong phòng kín, tránh gió lùa.
Trước thời gian này, mẹ có thể dùng khăn thấm nước ấm để lau cơ thể cho sạch sẽ.
Quá trình sinh nở và sau sinh, cơ thể người mẹ đổ rất nhiều mồ hôi, chưa kể việc cơ thể đào thải sản dịch và sự tiết sữa sau sinh khiến cơ thể mẹ trở thành môi trường lý tưởng để vi khuẩn gây bệnh phát triển. Vì vậy, không tắm trong tháng cữ mới là điều đáng sợ mẹ nhé!
Xuống giường càng muộn càng tốt
Chưa hoàn toàn đúng!
Sau ca mổ, cảm giác đau đớn và mệt mỏi, sự bất tiện khiến nhiều mẹ tưởng như chỉ có thể nằm lì trên giường, không bước đi được nữa. Tuy nhiên, mẹ cần phải kiên trì, tập đi dần dần thì sẽ trở lại như bình thường.
Sau khi ống thông tiểu được rút ra (khoảng 12 giờ), mẹ hãy cố gắng ngọ nguậy; tiếp đó khoảng 24 giờ, mẹ có thể ngồi dậy; 3 ngày sau có thể xuống giường và nhúc nhắc đi lại trong phòng. Bạn càng dậy sớm thì càng tốt cho sự lưu thông khí huyết trong cơ thể cũng như đẩy nhanh quá trình hồi phục, giảm nguy cơ biến chứng hậu phẫu.
Ngoài ra, việc mẹ xuống giường vận động nhẹ nhàng không chỉ có lợi cho sự lưu thông máu ở chi dưới, mà còn giúp cơ bụng, cơ chậu nhanh chóng lấy lại được lực co giãn, sự đàn hồi, từ đó giúp bảo vệ tử cung, trực tràng và bàng quang tốt hơn.
Nhưng… nếu mẹ vừa trải qua giai đoạn chuyển dạ quá khó trước khi quyết định sinh mổ hoặc ca mổ phức tạp thì sao? Hãy nghỉ ngơi lâu hơn theo hướng dẫn của bác sĩ để cơ thể được hồi phục, tránh nguy hiểm có thể xảy ra do té, ngã, ngất xỉu…
Có thể “chiều chồng” ngay khi vết mổ đẻ khô miệng, hết chảy máu
Đây là kiêng cữ sau sinh mổ sai lầm!
Mẹ chỉ có thể tái “chiều chồng” khi bác sĩ chuyên khoa thăm khám và khẳng định vết thương đã hoàn toàn lành miệng, tối thiểu sau khoảng 6-8 tuần. Sau khi mổ lấy thai, các vết thương ở cơ và mô được khâu lại vẫn còn đau và nhạy cảm, cần một thời gian nhất định để liền sẹo.
Thêm vào đó, tháng đầu sau sinh mổ, cơ thể người mẹ yếu đuối vô cùng! Việc quan hệ tình dục có thể tác động không tốt đến vết mổ, kéo dài thời gian liền sẹo và làm thể trạng người mẹ giảm sút. Trường hợp mẹ có cơ địa tốt, phục hồi nhanh sau sinh và vết mổ đẻ không còn gây trở ngại thì quan hệ vợ chồng có thể được thực hiện.
Tuy nhiên, người vợ cần đảm bảo là đã sạch sản dịch, bởi quan hệ khi sản dịch vẫn còn và cổ tử cung chưa đóng thì sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng. Kể cả khi đã tự tin với sự phục hồi của cơ thể và sẵn sàng nhập cuộc “yêu” thì chị em cũng nên chú ý vệ sinh vùng kín trước và sau khi quan hệ, quan hệ nhẹ nhàng và dùng các biện pháp tránh thai sau sinh phù hợp để không bị “nhỡ”.
Tránh nằm ngửa
Chính xác!
Tư thế nằm cũng là điều mẹ cần quan tâm trong kiêng cữ sau sinh mổ. Mẹ cần tránh nằm ngửa để không làm ảnh hưởng đến vết mổ. Sau ca sinh mổ khoảng 4-5 giờ, thuốc gây tê sẽ dần mất tác dụng khiến mẹ đối mặt với những cơn đau.
Nếu mẹ nằm ngửa vào thời điểm này sẽ làm tăng sự co thắt ở tử cung, khiến mẹ đau đớn hơn. Vì vậy, mẹ hãy chọn cho mình tư thế nằm nghiêng sang một bên thoải mái nhất, đừng quên đặt thêm một chiếc gối cao su sau lưng tạo góc nghiêng với giường khoảng 30 độ nữa nha! Tư thế này sẽ giúp mẹ giảm bớt đau, giúp vết mổ mau lành do không làm vết thương bị căng ra như nằm ngửa. Hơn nữa, nằm nghiêng một bên cũng giúp hạn chế tối đa những va chạm không cần thiết đến vết mổ đấy!
Sau sinh, ăn càng nhạt càng tốt
Sai!
Chế độ ăn nhạt trong kiêng cữ sau sinh mổ làm mẹ mất đi cảm giác ngon miệng, chán ăn. Điều này dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, tuyến sữa hoạt động kém hiệu quả, từ đó ảnh hưởng không tốt đến chất lượng sữa cho con bú.
Hơn nữa, quá trình sinh nở khiến cơ thể mẹ mất đi một lượng nước đáng kể. Trong những ngày đầu sau sinh, lượng nước tiểu và mồ hôi cũng được bài tiết ra nhiều hơn bình thường. Vì vậy, sau sinh là thời kỳ người mẹ cần được duy trì đủ nước và bổ sung thêm muối vào bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý là không ăn quá ăn mặn, bởi chúng cũng dễ khiến mẹ tăng huyết áp, thậm chí có thể xảy ra tiền sản giật sau sinh.
Nằm than sau sinh để giữ ấm cơ thể, giúp trẻ và sản phụ cứng cáp hơn
Kiêng cữ sau sinh mổ này lợi ít mà hại nhiều.
Quan niệm truyền thống này không phải không có cơ sở, vì thường ở những vùng miền Bắc và miền Trung, mùa đông thường rất lạnh. Nằm than là phương pháp giúp mẹ và bé giữ ấm cơ thể. Thêm vào đó, trước đây, dân ta cũng thường sống trong những ngôi nhà dễ bị gió lùa. Đốt than là cách tăng nhiệt độ cho ngôi nhà, giúp mẹ và bé phòng cảm lạnh.
Tuy nhiên, việc nằm than sau sinh không có tác dụng giúp trẻ và sản phụ cứng cáp hơn, thậm chí còn gây hại. Than khi đốt cháy sinh ra một loại khí độc không tốt cho mẹ, đặc biệt là trẻ nhỏ – khí CO2. Hệ hô hấp của bé còn yếu, ở trong căn phòng “ngập tràn” CO2 khiến bé hít thở khó khăn, dễ mắc bệnh phổi về sau, nghiêm trọng hơn là dẫn tới ngạt thở tử vong.
Sự bí bách do nằm than cũng là “thủ phạm” khiến hai mẹ con nổi mẩn đỏ trên da. Chưa kể, lửa than bén lên giường, nệm còn gây cháy và làm da non nớt của bé bị bỏng.
Suy cho cùng, mục đích nằm than sau sinh là để sưởi ấm cho hai mẹ con. Vì vậy, thay vì nằm than, bạn có thể dùng những giải pháp khác tốt và an toàn hơn để duy trì sự ấm áp cho cơ thể như mặc áo ấm, đội mũ len, đeo khăn choàng cổ, đi tất, mang bao tay…
Mẹ cần biết
Kiêng cữ sau sinh mổ về cơ bản không khác nhau nhiều so với kiêng cữ sau sinh thường. Bạn có thể chọn lọc phù hợp những điều cần kiêng trong cả quan niệm truyền thống, hiện đại cũng như văn hóa mỗi vùng miền để vừa tốt cho sức khỏe, vừa không gây căng thẳng cho bản thân và gia đình.