Nhóc tì đầu lòng hãy còn bé xíu, bạn bè thi thoảng đã hỏi bạn: “Bao giờ làm tiếp “tập 2” đây?”. Nhiều người có quan niệm sinh luôn… một “lèo” cho xong, để sau đó còn tập trung việc khác. Nhưng cũng có nhiều mẹ xót, vì biết nếu có “tập 2” khi “tập 1” hãy còn quá nhỏ thì đó chính là một thiệt thòi cho con.
Bạn chọn thời điểm nào?
Trước hết, xin khẳng định rằng có khá nhiều đe dọa cho sức khỏe của mẹ lẫn bé yêu khi sinh con thứ hai quá gần với lần sinh thứ nhất. Do tuổi kết hôn của phụ nữ thời hiện đại đã trễ đi khá nhiều so với trước kia (thông thường 26 – 27 tuổi mới kết hôn, nhiều người trễ hơn, khoảng 28 – 29 tuổi), nên hầu hết chị em đều muốn hoàn thành liền “chỉ tiêu”.
Ngoài ra, cũng có những trường hợp do bất cẩn, “vỡ kế hoạch”. Mẹ cứ tưởng mới sinh xong còn chưa kịp có chu kỳ “đèn đỏ” trở lại hoặc đang trong giai đoạn cho con bú thì tuyệt đối an toàn nên gần gũi vợ chồng mà không sử dụng biện pháp phòng tránh. Đến khi “lỡ” thì lại không nỡ bỏ đi nên quyết định tiếp luôn… “tập 2”.
Theo các bác sĩ, khoảng cách hợp lý giữa hai lần sinh không nên ngắn hơn 24 tháng. Với các bà mẹ lần sinh đầu phải sinh mổ, khoảng thời gian này càng cần phải được tôn trọng vì nếu không sẽ cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng của bạn và thai nhi thứ hai. Ở các nước phát triển, khoảng thời gian trung bình tính từ lần sinh trước đến thời điểm thụ thai lần 2 là khoảng 18 đến 23 tháng.
Bạn cũng cần biết thêm, khi hai lần sinh quá gần, bé dễ rơi vào nguy cơ mắc chứng tự kỷ. Nhiều khảo sát cho thấy trẻ sinh năm một (cách biệt nhau chỉ 1 tuổi) có xác suất mắc chứng tự kỷ cao hơn đến 3 lần so với những trẻ có khoảng cách 2 – 3 năm so với bé trước. Tuy nguyên nhân cụ thể vì sao sinh quá gần dẫn đến tự kỷ vẫn chưa rõ, nhưng đã có nhiều nghiên cứu cho rằng đó là do thời gian hồi phục cơ thể mẹ sau lần sinh đầu chưa đủ, cạn kiệt các dưỡng chất cần thiết trong lần sinh đầu khiến cơ thể mẹ dễ thiếu folate, sắt và khả năng bị stress, trầm cảm tăng cao hơn.
Ngược lại, nếu thời gian giữa hai lần sinh quá dài, quá dãn cách cũng không hẳn là tốt. Sinh con thưa, bé sau cách biệt bé đầu quá 6 năm sẽ làm tăng nguy cơ sẩy thai, trẻ sinh ra bị tử vong. Kết quả của một số nghiên cứu cũng khẳng định, khoảng cách giữa hai lần sinh quá 6 năm khiến mẹ có nguy cơ bị tiền sản giật cao hơn.
Những chuẩn bị cần thiết
Để chuẩn bị thực hiện “tập 2” của đời mình, bên cạnh việc cân nhắc chọn khoảng thời gian hợp lý (lý tưởng nhất là để hai bé cách nhau khoảng 2 – 3 tuổi), bạn còn nên xem xét một số yếu tố khác như: tình hình tài chính gia đình thế nào? Hiện trạng công việc của bạn và anh xã ra sao? Sức khỏe của bạn có đủ tốt? Bé đầu lòng của bạn đã có thể có một chút “tự lập”, để bạn tập trung dành sự quan tâm nhiều hơn cho bé thứ hai chưa?
Nếu từ lần sinh trước đến lần có thai thứ hai được khoảng 18 tháng, bạn sẽ rất thuận lợi khi tận dụng lại được nhiều đồ đạc, vật dụng của bé đầu. Những kinh nghiệm chăm sóc con trong bạn vẫn còn “mới nguyên” nên sẽ chẳng khó khăn gì để chăm bé thứ hai. Một yếu tố lợi thế nữa là khi hai anh em/ chị em cách biệt nhau không quá nhiều (khoảng 2 tuổi) thì bé sẽ rất dễ yêu thương, hòa thuận, gần gũi và chia sẻ, đỡ đần với nhau nhiều điều sau này.
Tuy nhiên, nếu quyết định chọn sinh ở thời điểm các bé cách nhau ít tuổi, bạn cần thật sự chuẩn bị tinh thần để làm quen với sự “hỗn loạn”. Một cặp đôi “siêu quậy” sẽ khiến bạn đôi khi xây xẩm mặt mày với đủ trò tinh nghịch của con. Hôn nhân của bạn cũng sẽ được một phen thử thách khi mà độ căng thẳng tăng lên gấp nhiều lần. Vợ chồng cũng ít thời gian dành cho nhau hơn.
Hãy chuẩn bị tinh thần cả với những ngang bướng đột nhiên xuất hiện ở bé đầu khi nhóc có em. Có em, ít được bố mẹ quan tâm nhiều như trước là một thay đổi lớn với trẻ. Để bé không cảm thấy bị “ra rìa”, bạn hãy sớm tập cho con tự lập. Nên giúp bé làm quen với em bằng những hình ảnh, câu chuyện, giới thiệu với bé các em bé hàng xóm (để bé hình dung dần về một đứa trẻ nhỏ hơn mình).
Bạn cũng cần tìm hiểu cả các tài liệu, sách báo về tâm lý trẻ khi có em để tránh được những tình huống nhạy cảm, giúp bé đầu lòng luôn cảm thấy được mẹ yêu thương.
Nên sinh bé thứ hai khi bé đầu đến tuổi đi mẫu giáo
Khi bé lớn đã đi học, bé sẽ có nhiều mối quan tâm, hoạt động bên ngoài hơn. Do đó, bé sẽ ít cảm thấy “buồn” hay “tị nạnh” với em. Ngoài ra, việc bé đầu đi học cũng giúp bạn có thêm nhiều thời gian để thoải mái chăm sóc cho đứa con sau của mình. Khoảng cách sinh này giúp bạn không quá mệt mỏi và cả hai bé đều không bé nào cảm thấy bị thiệt thòi.