Mứt Tết có rất nhiều loại và cũng được bán không ít trên thị trường. Tuy nhiên, Tạp chí Mẹ và Con muốn mách bạn công thức các loại mứt quen thuộc trong ngày Tết để đảm bảo an toàn, đón xuân đang đến rất gần nhé!
Cách làm mứt Tết dừa non không bị chảy
Nguyên liệu:
- 1kg dừa non
- 1/2kg đường cát trắng
- Các loại rau củ quả tạo màu thiên nhiên: lá dứa, lá cẩm, cà rốt, matcha…
Cách thực hiện như sau:
Sơ chế dừa: Dừa non sau khi mua về các bạn rửa sạch, gọt bỏ hết vỏ nâu còn thừa (bạn cũng có thể nhờ người bán hỗ trợ). Tiếp đến, bạn cắt dừa thành những sợi mỏng vừa, không được mỏng quá vì trong quá trình làm dừa non sẽ se lại nhỏ lại nên khi cắt mỏng quá sợi mứt dừa teo nhỏ, khi ăn rất cứng.
Sau đó, các bạn đem chần dừa non trong nồi nước sôi có chút muối khoảng 1 – 3 phút rồi vớt ra ngay để ráo. Vì dừa non chứa nhiều dầu dừa nên cách làm này giúp bạn không bị ngấy khi ăn và giữ mứt lâu hư.
Ướp đường: Các bạn có thể dựa theo tỷ lệ 1 đường:2 dừa. Bên cạnh đó, nếu gia đình bạn thích ăn ngọt có thể tăng thêm khoảng 50 – 100gr đường.
Đổ đường vào dừa đã cắt mỏng. Để sợi dừa đạt độ trong hoàn hảo, bạn nên ướp trong vòng 4 giờ nhưng nếu không có thời gian thì ướp trong vòng 30 phút hoặc 2 giờ đều được.
Cách tạo màu tự nhiên từ rau củ quả: Tạo màu tự nhiên cho mứt dừa không khó. Ví dụ màu tím được làm từ lá cẩm, bạn chỉ việc đun lá cẩm lên sẽ được phần nước màu tím, để nguội rồi đổ vào phần dừa vừa ướp xong. Tiếp đến các bạn để thêm 2 tiếng để có màu đẹp hơn. Song song đó, bạn cũng nên chừa ít màu để cho thêm vào mứt khi sên sẽ giúp màu tươi hơn. Với màu cam, bạn có thể ép lấy nước cốt cà rốt. Màu xanh là lá dứa xay nhuyễn và lọc lấy nước. Cà phê loãng sẽ giúp mứt dừa có màu nâu. Matcha pha cùng nước sẽ cho màu xanh lá nhạt…
Sên mứt: Các bạn cho hết mứt dừa và nước ngâm vào một cái chảo đế dày để nhỏ lửa, khi dừa sôi lăn tăn thì đảo đều, cứ 5 phút đảo một lần. Không nên đảo liên tục vì mứt dừa sẽ lại đường.
Khi dừa bắt đầu nặng tay bạn cho nhỏ lửa hơn chút nữa và đảo liên tục (vì nếu ngưng rất dễ cháy). Thấy đường kết tinh màu trắng bám quanh mứt dừa là được. Kể cả khi bắc xuống bếp vẫn phải đảo liên tục cho nguội bớt. Đổ mứt ra một khay lớn, hong trước quạt cho mứt khô hơn.
Mẹo nhỏ giúp mứt Tết dừa non ngon hơn:
Loại dừa non trong cùi có chứa nhiều nước hơn cùi dừa già nên ngâm đường lâu để cho nước trong cùi tiết ra nhiều hơn để khi sên mứt sẽ khô ráo hơn và bảo quản lâu hơn.
Vắt thêm vài giọt nước cốt chanh ướp cùng dừa mục đích để khi sên mứt sẽ làm cho đường dẻo và không bị lại đường.
Sau khi sên dừa các bạn có thể đem ra phơi nắng để giúp mứt dừa khô hẳn.
Mứt Tết me dẻo chua ngọt
Nguyên liệu
- 500gr me tươi
- 400gr đường cát trắng
- 2 muỗng canh muối hột
Cách thực hiện
Sơ chế me tươi: Các bạn rửa sơ me với nước cho sạch bụi bẩn, sau đó bỏ vào túi zip và cho vào ngăn đá tủ lạnh và để qua đêm. Hôm sau các bạn cho me ra rã đông khoảng 1 tiếng, sau đó tách bỏ vỏ me cẩn thận sao cho me không bị gãy khúc, cho me vào thau nước muối (1 lít nước và 2 muỗng canh muối hột), để qua đêm.
Tiếp đến các bạn rửa sạch me với nước lạnh, tiến hành tách hột (dùng mũi dao khứa nhẹ vào bên cạnh bên của trái me). Sau đó bạn cho ngâm nước lạnh khoảng 1 tiếng (cứ 15 phút thay nước 1 lần).
Ướp me: Các bạn ướp me cùng 400gr đường cát, nếu làm số lượng nhiều hơn các bạn chỉ cần dựa theo tỷ lệ là đường cát sẽ giảm 100gr so với khối lượng của me tươi.
Sên mứt: Bắc chảo lên bếp, cho phần me đã ướp vào, để lửa lớn đến khi nước keo lại thì hạ lửa nhỏ. Đảo đều tay cho me thấm đều, thấy nước me sệt lại và ngả màu nâu thì bạn tắt bếp nhé.
Đặt me lên vỉ, lót khay ở dưới và cho vào lò nướng để sấy ở 50 độ C trong 1 tiếng nếu không có lò nướng các bạn có thể phơi me dưới nắng là được. Khi me đã khô lại, cùng xếp me ra dĩa và thưởng thức thôi nào!
Mẹo nhỏ giúp mứt Tết me dẻo chua ngọt ngon hơn
Cách chọn me: Nên chọn những trái to đều, còn nguyên cuốn lá xanh, quả còn nguyên vẹn, không có lỗ sâu đục, vỏ rám xanh, chắc.
Mẹo bảo quản mứt me: Bọc me trong miếng giấy kính, cuốn me lại và vặn chặt 2 đầu, để me ở nơi thoáng mát. Ngoài ra, nếu để me trong ngăn mát tủ lạnh (khoảng 10 – 15 độ C) sẽ giúp me giữ được đến 1 tháng đấy!
Mứt Tết mãng cầu Xiêm chua ngọt
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 1 quả mãng cầu xiêm (tầm 1kg)
- 500gr đường
Cách thực hiện như sau:
Sơ chế mãng cầu: Các bạn rửa sạch vỏ ngoài, để ráo, sau đó gọt vỏ, tách bỏ hạt để riêng
Ướp đường: Các bạn ướp đường và mãng cầu với tỷ lệ là 1 đường cát:2 mãng cầu. Cứ mỗi lớp mãng cầu sẽ có một lớp đường thực hiện đến khi hết (lớp trên cùng là đường cát). Ướp trong khoảng 2 – 3 tiếng để mãng cầu đậm vị.
Sên mứt: Sau khi mãng cầu đã ngâm đủ thời gian, các bạn bắc chảo lên bếp đến khi nóng thì cho phần mãng cầu xiêm ướp đường vào sên trên lửa nhỏ. Bạn chú ý khi sên mứt mãng cầu xiêm phải khuấy nhẹ và đánh đều tay sao cho mứt mãng cầu xiêm dẻo và nhuyễn mịn là được.
Gói mứt: Khi thấy mứt mãng cầu xiêm có màu vàng nâu, mứt dẻo và nhuyễn mịn thì tắt bếp và để nguội. Cắt 1 miếng giấy kính rộng 5cm dài 10cm, sau đó múc 1 ít mãng cầu cho vào giữa, xoắn 2 đầu miếng giấy bóng kính lại cho giống hình cái kẹo là được. Cứ tiếp tục làm tương tự cho đến khi hết mãng cầu.
Cho những viên mứt này vào một cái hũ thủy tinh có nắp đậy, đã được vệ sinh sạch sẽ. Đậy kín nắp và cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản và dùng dần. Nếu bảo quản kín khí, mẻ mứt của chúng ta sẽ có hạn sử dụng lâu hơn, tầm 1 – 2 tháng.
Mẹo nhỏ giúp mứt Tết mãng cầu xiêm bảo quản bên ngoài lâu hơn
Khi sên xong bạn cho mãng cầu ra 1 cái mâm (nhôm, inox…), dàn đều ra và phơi nắng 3 tiếng, cứ khoảng 1 tiếng thì lại đảo 1 lần tới khi mãng cầu khô, dẻo. Làm như vậy thành phẩm sẽ bảo quản bên ngoài được lâu hơn.
Vậy là bạn đã biết cách làm 3 loại mứt thông dụng cho mùa Tết rồi, phải không nào? Tạp chí Mẹ&Con chúc các bạn thành công với những công thức mứt Tết trên đây nhé!