Nhưng bạn có bao giờ suy nghĩ rằng sau mỗi lần khủng hoảng tâm lý chúng ta sẽ học được vô số điều mới mẻ mà có lẽ không có trường lớp nào dạy.
Nhận ra rằng cuộc sống không dài như ta từng nghĩ
Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta như một vận động viên chạy nước rút khi phải cố gắng chạy thật nhanh để cán đích càng sớm càng tốt. Nhưng sự vội vã này vô tình khiến bạn rơi vào khủng hoảng tâm lý khi mãi suy nghĩ làm thế nào để thành công thật sớm… Phải chăng? chúng ta đã quên đi khoảng thời gian tận hưởng những điều bé nhỏ.
Giãn cách xã hội không chỉ là cơ hội giúp bạn phòng tránh được Covid-19 mà đây còn là khoảng thời gian giúp bạn lên danh sách những dự định mình đã từng bỏ lỡ: đọc nốt quyển sách dang dở, thưởng thức ly sữa đậu nành nóng homemade… hay đơn giản hơn là lời hứa tặng bản thân một cây đàn guitar.
Dù những dự định đó là lớn hay nhỏ thì khoảng thời gian bạn rơi vào khủng hoảng cũng là lúc bạn cần sống chậm lại để nghĩ về những điều chưa thực hiện cho bản thân.
Học cách chấp nhận sự thật
Một nguyên nhân rất lớn khiến hố sâu khủng hoảng tâm lý trong bạn ngày càng tăng lên chính là sự tự trách bản thân. Tâm lý của chúng ta vốn rất mỏng manh nên chúng thường hóa các sự kiện đã xảy ra trở thành lỗi của chính bạn.
Giả như bạn trượt một cuộc phỏng vấn thì lý do đầu tiên bạn nghĩ đến chính là mình không đủ tài giỏi, mình đã không cố gắng, năng lực mình không đủ… khi bạn luôn “thôi miên” suy nghĩ rằng mọi lỗi lầm đều do mình gây nên thì khủng hoảng tâm lý sẽ càng trầm trọng hơn.
Hãy học cách chấp nhận sự kiện đó, bạn hãy nghĩ rằng có lẽ lần trượt phỏng vấn đấy mình đã không may mắn và đã vượt ngoài kiểm soát của bạn.
Nhưng vào những lần phỏng vấn sau bạn sẽ cố gắng hơn… bạn hãy xem đây là tiền đề cho những lần sau và luôn nhớ rằng bạn đã có một lần kinh nghiệm “trượt” chắc hẳn bạn sẽ có thể ứng biến tốt hơn những đối thủ đi phỏng vấn lần đầu.
Học được cách yêu bản thân hơn
Khi rơi vào khủng hoảng tâm lý cũng đồng nghĩa với sức đề kháng tinh thần đã ở mức cạn kiệt dẫn đến nhiều thói quen xấu hình thành lúc nào ngay cả bạn cũng không hề hay biết. Thông thường ở giai đoạn đầu của khủng hoảng chúng ta thường rơi vào trạng thái từ bỏ rồi tìm đến rượu bia thuốc lá để “giải sầu” nhưng thời điểm tâm lý đã vững hơn, khủng hoảng cũng dần được giải quyết bạn sẽ nhận ra rằng cơ thể mình đã “xuống cấp” trầm trọng… mặt nổi nhiều mụn, thường xuyên mệt mỏi, cáu giận…
Lúc này bạn sẽ để ý hơn đến việc chăm sóc bản thân và đây cũng là cơ hội để bạn bù đắp cho bản thân. Sự thay đổi có thể đến từ những việc nhỏ như: chăm tẩy trang hơn trước khi đi ngủ, ăn nhiều rau xanh, uống đủ lượng nước mỗi ngày.
Chắc rằng những điều này sẽ không thể dễ thực hiện ngay cả khi bạn đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Nhưng hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ nhất, có thể ở giai đoạn đầu chúng ta chỉ đạt được 1 – 2% việc yêu bản thân nhưng về lâu dài những thói quen tốt này sẽ gắn liền với cuộc sống của bạn và rất khó để từ bỏ.
Bên cạnh xây dựng các thói quen sinh hoạt, ăn uống… lành mạnh các bạn hãy học cách hít thở sâu ngay cả lúc khủng hoảng tâm lý. Mỗi ngày bạn có thể mở nhạc thiền, tiếng suối, tiếng sáo… sau đó dành 5 – 10 phút để hít thở sâu sẽ giúp bạn loại bỏ dần cảm xúc tiêu cực.
Nhận ra rằng cuộc sống có nhiều gam màu
Bạn và người ấy mới cưới và tận hưởng cuộc sống trăng mật ngọt ngào; Công việc bạn đang ổn định và có cơ hội thăng tiến; Bạn đang có học lực rất tốt… và bạn thấy rằng cuộc sống của mình toàn màu hồng.
Nhưng vào một ngày không mấy đẹp trời mọi thứ thay đổi theo hướng tiêu cực, bạn bắt đầu rơi vào khủng hoảng khi nhận thấy cả hai có những điểm không hợp; Kế hoạch trình sếp bị trả về cùng những lời trách mắng; Điểm kiểm tra dưới trung bình làm bạn tuột khỏi top 3 của lớp…
Đây được xem là những khủng hoảng tâm lý thường gặp nhất ở thời hiện đại, nhưng các bạn cần hiểu rằng cuộc sống của chúng ta như một bức tranh đầy màu sắc.
Vì vậy, bạn nên chuẩn bị sẵn tâm lý để đối diện với thăng trầm của cuộc sống. Chính những thời điểm khủng hoảng này sẽ là cơ hội để bạn nhìn nhận lại vấn đề và đổi mới cách nhìn cuộc sống bằng đôi mắt đa chiều hơn.
Hàng rào tâm lý vững vàng hơn
Cũng rất giống như sức đề kháng của chúng ta khi trải qua một lần sốt, cơ thể sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và sức chịu đựng cũng tốt hơn. Sau mỗi lần khủng hoảng tâm lý sức đề kháng tinh thần của chúng ta sẽ tăng sức chịu đựng hơn.
Chính vì vậy, đứng trước những khủng hoảng trong cuộc sống, bạn nên nhẹ nhàng tìm cách giải quyết, nhìn nhận lại vấn đề và xem xét nguyên nhân đến từ đâu.
Nhận ra quá trình mới là quan trọng
Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến khủng hoảng tâm lý chính là kết quả không như ta mong muốn, bạn luôn ám ảnh mọi chuyện phải đạt được kết quả tốt nhất.
Nhưng chúng ta đều không thể biến chuyện gì cũng diễn ra theo ý mình được, hay bạn cũng không kiểm soát được kết quả… điều bạn có thể làm chính là kiểm soát và xây dựng quá trình quá trình thật bền vững.
Khi nhận được lời cầu hôn từ anh ấy, bạn sẽ nghĩ ngay đến viễn cảnh hai bạn sẽ rất hạnh phúc, rồi đến khi sinh con bạn lại mang hy vọng rất lớn là con mình phải thật thành công để trở thành “ông này, bà kia” nhưng tương lai là điều mà chúng ta không thể kiểm soát được.
Có thể bạn sẽ phát hiện những điểm xấu của người ấy trong quá trình chung sống, hay con bạn yêu thích nghệ thuật thay vì kinh tế như bạn đã hằng mong ước.
Kết quả chính là điều xảy ra ở tương lai chính, nên bạn cần xây dựng quá trình thật vững. Vì một quá trình được tạo dựng kỹ lưỡng sẽ mang lại kết quả tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, Mẹ và Con muốn dành cho bạn một lời khuyên là hãy chuẩn bị sẵn tâm lý để đối mặt với mọi kết quả có thể xảy ra trong tương lai.
Cuối cùng, chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn rằng, chúng ta sẽ còn đối mặt với nhiều vấn đề trong cuộc sống khiến bản thân rơi vào khủng hoảng tâm lý. Bạn hãy xem đây là một cơ hội để bản thân được học hỏi và trưởng thành. Hơn nữa những khó khăn này sẽ giúp bạn củng cố tâm lý vững vàng hơn để đối diện với muôn vàn khó khăn ở phía trước và trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình.