Mẹ và Con - "Thật sự em không muốn cãi nhau với mẹ chồng vì em cũng quý bà, biết bà thương con thương cháu. Hơn nữa em biết cãi nhau như thế thì chồng đứng giữa sẽ rất khó xử. Nhưng tức nước vỡ bờ..." - những tâm sự từ độc giả N.H gửi đến Mẹ và Con khiến nhiều người phải suy nghĩ...

Chào chuyên gia và các chị em, ở đây có ai từng cãi nhau với mẹ chồng có thể cho em lời khuyên không ạ? Hiện em đang rối quá, không biết làm gì nên đã bỏ về nhà mẹ đẻ mất rồi.

Chuyện là gia đình nhỏ của em sống cùng với gia đình bố mẹ chồng. Chuyện cũng chẳng có gì, em cũng rất hiếm khi cãi nhau với mẹ chồng cho đến khi mùa dịch này, con của em học online ở nhà nhiều hơn, còn vợ chồng em vẫn phải đi làm nên gửi con nhờ bố mẹ chồng trông cháu giúp. Dù em đã dặn ông bà rất kỹ đừng cho cháu xem tivi quá mức vì cháu học online cả ngày đã nhìn vào màn hình máy tính nhiều rồi. Nhưng ông bà thì rất thương cháu. Chỉ cần cháu mè nheo một lát là ông bà lại mềm lòng.

Một vài lần em về nhà sớm, gặp cảnh này đã bảo con tắt tivi thì mẹ chồng lại bênh cháu, bảo cháu còn nhỏ cho xem một xíu cũng không sao. Em cũng góp ý riêng với mẹ, trình bày với chồng để anh ấy nói lại với mẹ nhưng đến cuối cùng chuyện đâu vẫn vào đấy. Mẹ chồng em vẫn cứ “tiếp tay” cho bọn nhỏ xem tivi liên tục.

Tức quá, em mới cãi nhau với mẹ chồng và bảo từ giờ trở đi con của em, mẹ không cần phải quản nữa. Em thu xếp đồ đạc rồi đưa con về nhà ngoại ở vài hôm rồi. Mẹ chồng em không nói gì, chồng em thì gọi điện trách em và không thèm qua ngoại để đón con.

Thật sự em không muốn cãi nhau với mẹ chồng vì em cũng quý bà, biết bà thương con thương cháu. Hơn nữa em biết cãi nhau như thế thì chồng đứng giữa sẽ rất khó xử. Nhưng tức nước vỡ bờ, là một người mẹ em cũng không muốn con mình bị ảnh hưởng sức khỏe. Đúng là em có giận quá mất khôn nhưng xuất phát cũng do thương con mà thôi. Giờ em phải làm gì đây ạ?

Tâm sự của bạn N.H

cãi nhau với mẹ chồng
Cách giải quyết khi cãi nhau với mẹ chồng

Những lúc như thế, nàng dâu thông minh sẽ biết cách khéo léo ứng xử để giảm bớt căng thẳng và khiến chồng không phải đứng giữa hai người phụ nữ mà anh ấy yêu thương. Khi về làm dâu, hầu hết các chị em phụ nữ đều lo sợ việc cãi nhau với mẹ chồng. Tuy nhiên, việc mẹ chồng nàng dâu thỉnh thoảng bất hòa là chuyện khó tránh khỏi.

Không bỏ về nhà mẹ đẻ khi cãi nhau với mẹ chồng

Một nguyên tắc mà các nàng dâu nên nhớ chính là không được bỏ về nhà ngoại dù cho có ấm ức đến đâu. Việc bỏ về ngay lúc này chỉ khiến căng thẳng thêm leo thang vì bạn và mẹ chồng không có cơ hội để ngồi lại tâm sự, nói chuyện với nhau và hiểu nhau.

Không chỉ vậy, khi bỏ về nhà mẹ đẻ của mình, bạn sẽ mất đi người chồng – người đồng minh của bạn. Lúc này, bạn không thể thủ thỉ tâm sự với chồng để anh ấy hiểu được câu chuyện và giúp bạn kết nối lại với mẹ chồng. Thậm chí, nhiều người đàn ông khi thấy vợ cãi nhau với mẹ chồng sẽ sinh ra phản ứng bênh mẹ của mình và khiến tình cảm vợ chồng rạn nứt.

Hơn nữa, bạn cần nhớ rằng, bố mẹ chồng đã mang trầu cau qua nhà hỏi cưới, xin phép được đón bạn về nhà, nhận bạn làm con dâu. Vì thế, bố mẹ chồng cũng như là bố mẹ ruột của bạn. Việc bỏ về nhà lúc này sẽ chỉ thể hiện bạn là một người trẻ con, không hiểu lễ nghĩa, phép tắc. Lúc này, dù cho người sai là bạn hay mẹ chồng thì bạn cũng đã hoàn toàn “mất điểm”.

Không bắt chồng phải chọn lựa khi cãi nhau với mẹ chồng

Sai lầm cực lớn nhưng cực nhiều nàng dâu mắc phải khi cãi nhau với mẹ chồng chính là bắt chồng mình phải chọn lựa, “phe vợ hay phe mẹ”. Điều này khiến anh ấy vô cùng khó xử bởi bên tình bên hiếu và cả hai đều là những người phụ nữ quan trọng. Bạn càng muốn chồng chọn lựa thì chồng càng mệt mỏi, dẫn đến việc vợ chồng cãi nhau, cuộc sống hôn nhân không còn êm đẹp.

Hãy nhớ rằng, dù có đang cãi nhau hay không được hòa thuận với mẹ chồng thì cũng không lôi chồng vào cuộc chiến giữa hai người phụ nữ này kẻo mất cả chì lẫn chài bạn nhé!

vợ chồng cãi nhau

Nhận sai không thiệt thòi

Nhiều nàng dâu khi cãi nhau với mẹ chồng thường không chịu nhận sai vì cho rằng như vậy mình sẽ thiệt thòi. Tuy nhiên, thực tế sẽ khác hẳn với những gì bạn nghĩ. Khi bạn nhận sai lúc cãi nhau chính là bạn đang xoa dịu cho mẹ chồng trong lúc tức giận. Nếu bạn không thật sự có lỗi, bạn có thể tìm một cơ hội khác để trò chuyện với mẹ chồng sau đó và trình bày quan điểm của mình.

Hơn nữa, có thể dưới góc nhìn, quan điểm và trải nghiệm của bạn thì bạn là người đúng nhưng với kinh nghiệm, kiến thức, vốn sống của mẹ chồng thì quyết định của bà ấy sẽ phù hợp hơn. Vì thế, đừng cố cãi nhau với mẹ chồng để phân giải ai đúng ai sai mà cứ hãy học cách nói lời xin lỗi trước tiên bạn nhé!

Ngoài việc dùng lời nói để xin lỗi, bạn có thể bày tỏ thành ý của mình bằng cách về sớm và nấu món ăn mà bà thích, cùng bà nấu cơm, mua tặng bà món quà sức khỏe,…

Tâm sự sau khi mẹ chồng đã nguôi giận

Dù có cãi nhau với mẹ chồng thì bạn và bà ấy vẫn không thể giận nhau hay không nhìn mặt nhau cả đời. Do đó, tốt nhất hãy tìm một thời điểm thích hợp để tâm sự với mẹ chồng. Đây chính là dịp để bạn giãi bày tâm sự của mình, giúp hai mẹ con hiểu nhau hơn và hạn chế những xích mích về sau.

Ban đầu, mẹ chồng có thể sẽ tỏ thái độ không muốn trò chuyện cùng bạn. Thế nhưng, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại. Hãy cứ dùng thái độ chân thành để đối xử với mẹ chồng, cho bà thấy thành ý của mình và lý do vì sao mình lại phản ứng như vậy, bản thân cũng đã biết lỗi, dần dần bà cũng sẽ nguôi ngoai mà thôi.

Tâm sự sau khi mẹ chồng đã nguôi giận

Nhìn chung, ngày tháng sống chung lâu dài, việc con dâu cãi nhau với mẹ chồng là điều khó tránh khỏi. Nhưng nếu là một nàng dâu khéo léo và thông minh, bạn sẽ biết cách để “tận dụng” cuộc chiến này thành cơ hội thêm gần gũi với mẹ chồng. Hãy thử những mẹo mà Mẹ và Con đã chia sẻ xem sao bạn nhé!

Bài viết liên quan

con riêng của chồng

9 cách giúp mẹ kế xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với con riêng của chồng

Mẹ và Con - Bạn có bao giờ tự hỏi: “Tại sao con riêng của chồng lại ghét tôi ngay cả khi tôi cố gắng trở thành một người mẹ tốt?” Hãy cùng tìm hiểu xem nguyên nhân vì sao mối quan hệ với con riêng của chồng lại gặp nhiều trục trặc đến vậy và cần làm gì để xây dựng mối quan hệ tích cực với con riêng của chồng bạn nhé!