Nhiều nghiên cứu cho biết, có tới 96% bé trai sinh ra bị hẹp bao quy đầu và thường sẽ biến mất khi trưởng thành. Nhưng ở một số trường hợp lại xảy ra các dấu hiệu sưng, đỏ, viêm nhiễm nghiêm trọng. Nhận biết sớm hẹp bao quy đầu ở trẻ sẽ giúp điều trị kịp thời để không ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.
Hẹp bao quy đầu là gì?
Hẹp bao quy đầu là tình trạng da bao quy đầu không thể tuột lên hoàn toàn khỏi quy đầu. Hẹp bao quy đầu được chia thành 2 loại là hẹp bao quy đầu sinh lý và hẹp bao quy đầu bệnh lý. Hẹp bao quy đầu sinh lý tức là bao quy đầu không tuột trong suốt của quá trình phát triển sinh lý bình thường. Trường hợp này thường sẽ tự khỏi khi lớn lên và không cần xử lý trước 6 tuổi.
Ngược lại, hẹp bao quy đầu bệnh lý có thể xảy ra do các bệnh lý như bệnh sừng hóa gây xơ teo bao quy đầu, viêm quy đầu bạch sản xơ hóa, sẹo do dùng sức để tuột bao quy đầu lên trước đó…Có một số trường hợp bị hẹp nghẹt bao quy đầu. Tức là bao quy đầu tạo thành một vòng thắt siết chặt lấy quy đầu, làm cho phần quy đầu sưng nề và rất đau. Trường hợp này cần được xử lý ngay, nếu không sẽ gây hoại tử hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác.
Dấu hiệu hẹp bao quy đầu ở trẻ
Hẹp bao quy đầu ở trẻ thường không có biểu hiện đau đớn rõ ràng. Nhưng bao quy đầu thắc chặt có thể gây trở ngại khi đi tiểu, khiến việc vệ sinh trở nên khó khăn hơn và dễ xảy ra nhiễm trùng da. Dấu hiệu hẹp bao quy đầu ở trẻ gồm:
- Tiểu khó như tiểu phải rặn, đỏ mặt khi tiểu, bao quy đầu sưng phồng.
- Bao quy đầu của bé có dấu hiệu viêm nhiễm (sưng, nóng, đỏ, đau), chảy mủ hay chảy dịch bất thường.
Hẹp bao quy đầu ở trẻ có nguy hiểm không?
Hẹp bao quy đầu ở trẻ dưới 6 tuổi thường là sinh lý và sẽ dễ dàng tuột da quy đầu xuống khi trẻ sau 3 tuổi. Tuy vậy, ba mẹ cũng cần tránh cố gắng tuột da quy đầu sớm để tránh tình trạng đau, chảy máu hoặc có thể làm dính quy đầu với da quy đầu và tạo sẹo ở da quy đầu, gây hẹp da quy đầu thứ phát.
Trường hợp nếu hẹp bao quy đầu ở trẻ có những dấu hiệu viêm nhiễm đường tiểu thì cần can thiệp y tế ngay lập tức. Một số hậu quả có thể gặp nếu không chữa trị hẹp bao quy đầu ở trẻ kịp thời:
Viêm quy đầu
Khi bị hẹp bao quy đầu, các tế bào chết tróc ra dưới lớp da quy đầu kết hợp với các chất cặn bã trong quá trình đi tiểu không thoát ra ngoài được sẽ tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm, sưng đỏ và mọng nước ở đầu dương vật.
Viêm nhiễm niệu đạo
Bao quy đầu hẹp không được vệ sinh sạch sẽ cũng tạo môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi. Các vi khuẩn này gây nhiễm trên quy đầu dương vật và xâm lấn dần sang niệu đạo. Trường hợp nặng hơn vi khuẩn có thể di chuyển ngược dòng gây viêm bàng quang, viêm thận.
Nghẹt quy đầu
Cũng có trường hợp da quy đầu có thể kéo tuột ra sau được nhưng không kéo phủ trở lại được. Khi dương vật cương cứng, da quy đầu vẫn phủ căng vòng quanh dương vật, gây nghẹt quy đầu, khiến máu không lưu thông sinh ra phù nề quy đầu, trường hợp nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến hoại tử quy đầu dương vật.
Nguyên nhân gây hẹp bao quy đầu ở trẻ
Như đã nói ở trên, hẹp bao quy đầu ở trẻ là tình trạng thường gặp và sẽ dễ dàng tuột xuống khi trẻ từ 3 – 4 tuổi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hẹp bao quy đầu ở trẻ có thể là do:
- Đầu da quy đầu quá nhỏ nên quy đầu dương vật không thể chui qua được.
- Dây hãm quá ngắn khiến cho bao quy đầu không thể rút lại hoàn toàn (tình trạng này gọi là dây hãm breve).
- Do hậu quả của các viêm nhiễm ở dương vật dẫn đến sẹo xơ hóa ở quy đầu dương vật.
Đối tượng nguy cơ dễ bị hẹp bao quy đầu là ai?
Những yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng hẹp bao quy đầu bao gồm:
- Không cắt bao quy đầu
- Mắc bệnh đái tháo đường
- Trẻ sơ sinh thường xuyên bị hăm tã
- Vệ sinh cá nhân kém
- Nhỏ tuổi (hẹp bao quy đầu sinh lý).
Cách chữa hẹp bao quy đầu ở trẻ sơ sinh
Điều trị hẹp bao quy đầu ở trẻ có 4 phương pháp gồm 2 hình thức không cần phẫu thuật (gồm kéo da quy đầu tại nhà và dùng thuốc bôi) và 2 hình thức có sự can thiệp ngoại khoa tại bệnh viện (gồm nong và cắt bao quy đầu)
Kéo da quy đầu
Với bài tập kéo căng da quy đầu, ba mẹ có thể điều trị hẹp bao quy đầu ở trẻ ngay tại nhà. Bài tập này yêu cầu sự kiên trì 2 – 3 lần mỗi ngày trong thời gian từ 1 đến 2 tháng. Các bước tiến hành kéo căng da quy đầu bằng tay mỗi ngày như sau:
- Sử dụng dầu dưỡng dành cho trẻ (baby oil), sáp vaseline bôi tay, hay tinh chất dưỡng thể (body lotion) làm chất bôi trơn.
- Nhẹ nhàng kéo da quy đầu về phía trước, ra xa khỏi người bé vài lần
- Từ từ kéo ngược lại về phía sau trong giới hạn bé chịu đựng được và không bị đau, giữ nguyên vị trí này trong vài phút.
- Lặp lại động tác trên vài lần hàng ngày.
- Có thể cho bé ngâm mình trong nước kết hợp với thực hiện bài tập để bé cảm thấy dễ chịu hơn.
Lưu ý, cần thực hiện nhẹ nhàng và tăng dần mức kéo căng sau mỗi bài tập để tăng độ giãn cho lớp bao quy đầu. Đặc biệt là cần tuân thủ đúng kỹ thuật để tránh gây biến chứng hoặc tạo sẹo về sau. Trong trường hợp thường xuyên tập luyện nhưng sau 1 tháng không thấy kết quả nào đáng kể, lúc này nên cân nhắc chuyển sang các phương pháp khác.
Thuốc bôi hẹp bao quy đầu ở trẻ em
Thực chất, đây vẫn là bài tập kéo căng da quy đầu bằng tay nhưng có kết hợp bôi thuốc mỡ chứa steroid. Thuốc mỡ chứa steroid giúp thúc đẩy quá trình căng da, làm da mỏng hơn từ đó dễ dàng kéo căng hơn. Lưu ý là chỉ thoa loại thuốc này đơn thuần sẽ ít có tác dụng, muốn phương pháp dùng thuốc phát huy hiệu quả phải kết hợp với bài tập kéo căng da. Hướng dẫn thực hiện:
- Bôi thuốc vào phần trong và ngoài của bao quy đầu
- Nếu bao quy đầu quá hẹp, chỉ để lộ một lỗ nhỏ thì nhẹ nhàng kéo da quy đầu lên xuống vài lần hoặc xoa xung quanh một lúc rồi đưa thuốc vào
- Tiến hành biện pháp kéo căng da quy đầu bằng tay như đã hướng dẫn
Nên kiên trì thực hiện liệu pháp này 2-3 lần mỗi ngày trong thời gian ít nhất là 1 tháng. Trong trường hợp sau 3 tháng vẫn không thấy dấu hiệu thuyên giảm thì nên ngưng điều trị và đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Nong bao quy đầu
Nong bao quy đầu là phương pháp điều trị hẹp bao quy đầu ở trẻ dưới hình thức tiểu phẫu được bác sĩ tiến hành tại bệnh viện. Thời gian thực hiện cũng rất nhanh, khoảng từ 3 – 5 phút nên đa số trẻ ít đau. Tuy nhiên, cũng có trường hợp hẹp quy đầu quá khít thì có thể bác sĩ sẽ dùng thêm thuốc gây tê.
Sau thủ thuật, trẻ sẽ được kê đơn thuốc giảm đau, cũng như thuốc bôi kháng viêm và cho về nhà theo dõi. Đôi khi phụ huynh sẽ thấy con mình bị rướm máu phần quy đầu và la khóc, song cũng không cần quá lo lắng vì trẻ có thể sinh hoạt trở lại bình thường ngay sau đó.
Cắt bao quy đầu
Nếu những biện pháp trên không có hiệu quả thì cắt bao quy đầu sẽ là lựa chọn sau cùng, thường áp dụng cho trẻ lớn và thanh thiếu niên. Phẫu thuật này bao gồm cắt bao quy đầu, mở rộng bao quy đầu và cắt bỏ vòng hẹp. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê xung quanh bộ phận sinh dục nam trước khi thực hiện thao tác cắt. Sau khi cắt bao quy đầu, vùng da này có thể hơi sưng phồng, nhưng sau đó sẽ sớm trở lại bình thường.
Hẹp bao quy đầu ở trẻ đa phần là hiện tượng sinh lý bình thường và sẽ tự ổn định khi con trưởng thành. Phụ huynh chỉ cần lưu ý vệ sinh, tắm rửa hàng ngày cho bé. Tuy nhiên, nếu trẻ có các triệu chứng như sưng, đỏ, đau vùng da quy đầu dương vật, ba mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ để được khám điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.