Đồng nghiệp xấu tính là một trong những kiểu người không hề hiếm gặp ở bất kỳ đâu, dù công ty của bạn là lớn hay nhỏ. Nếu bạn đã từng hoặc đang là nạn nhân trong những vụ chơi khăm của đồng nghiệp, đừng bỏ qua những mẹo “chuyên trị” kẻ tiểu nhân chốn công sở của Tạp chí Mẹ và Con đầy văn minh và hiệu nghiệm qua bài viết sau đây nhé!
Tại sao bạn lại bị đồng nghiệp nói xấu?
Để giải quyết được vấn đề, đầu tiên bạn cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao đồng nghiệp suốt ngày đặt điều nói xấu bạn với người khác. Những lời nói xấu này về bạn được nghe kể lại từ người khác đúng bao nhiêu phần là sự thật, sự việc đó đã được “thêm mắm dặm muối” và biến tướng như thế nào?
Việc xác định những điều này có thể giúp bạn nhìn nhận lại bản thân thêm một lần nữa để biết được ưu lẫn khuyết điểm của mình. Nếu có phần nào nói đúng về mình bạn cần tìm cách cải thiện, nếu những lời nói đó đều xuất phát từ những lời nói dối, bịa đặt, bạn cần phải tìm cách để ngăn chặn tình trạng này, tránh để ảnh hưởng đến công việc cũng như “hình tượng” trong mắt đồng nghiệp khác.
Bản chất của những hành vi nói xấu, đặt điều về một ai đó đều xuất phát từ tính tự ti, ganh ghét, đố kỵ và có tính hơn thua, tranh giành. Thường những đồng nghiệp xấu tính sẽ tìm cách chơi khăm, soi mói dù chỉ là những vấn đề nhỏ nhoi nhằm hạ thấp giá trị của những người họ cảm thấy giỏi hơn hoặc được nhiều người yêu mến hơn họ.
Mặc dù tính so sánh bản thân với người khác thì ai cũng có, nhưng hãy lấy đó làm động lực để cố gắng chứ không phải là tìm cách để phá hoại, tìm niềm vui từ sự thất bại của người khác. Ngoài ra, những đồng nghiệp chuyên đi bôi nhọ bạn hoặc nhiều “nạn nhân” khác đều có thể từ hệ quả của tính cách vốn có như nhiều chuyện, soi mói, sân si… Những việc làm này khiến họ cảm thấy hào hứng, vui vẻ.
Đồng nghiệp xấu tính sẽ ảnh hưởng tiêu cực thế nào?
Đồng nghiệp xấu tính không chỉ làm ảnh hưởng đến bản thân bạn hay những người bị “bêu xấu” giống bạn mà còn làm cho hiệu suất công việc trong cơ quan bị giảm đáng kể, văn hóa chung của công ty cũng không thể tích cực được. Môi trường làm việc trở thành một môi trường độc hại.
Một số ảnh hưởng tiêu cực tiêu biểu khi công sở có đồng nghiệp xấu tính là:
- Bạn cùng các đồng nghiệp khác đều cảm thấy nặng nề, mệt mỏi khi mỗi ngày đi làm đều phải đối mặt với kẻ tiểu nhân chốn công sở, cả những “drama” làm mọi người đều mất đi động lực làm việc.
- Hiệu suất công việc của mọi người đều bị ảnh hưởng vì mất đi sự tập trung khi làm việc. Bạn sẽ cảm thấy không thoải mái với những vấn đề xung quanh và còn phải luôn đề phòng, e dè sợ bị “đâm sau lưng”…
- Ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý ở nơi làm việc vì lúc nào bạn cũng đi làm với suy nghĩ làm sao để đối phó với đồng nghiệp hai mặt khiến bạn mất đi hứng thú làm việc. Điều này làm cho bạn cân nhắc việc chuyển công ty hoặc không dám đề suất thăng tiến vì lúc nào cũng sống trong lo lắng.
Khi đi làm, ai cũng tìm cách cư xử với đồng nghiệp sao cho hòa nhã, lịch sự và nhiệt tình. Tuy nhiên, tính cách mỗi người là khác nhau nên cách cư xử cũng khác nhau. Dù ở môi trường nào cũng sẽ có những người không thể hòa hợp được với đám đông hoặc có tính xấu là xăm soi, bắt nạt, tẩy chay hoặc gây hiềm khích.
Có thể bạn quan tâm: 8 bí quyết giúp cho mối quan hệ với đồng nghiệp thêm tốt đẹp
Cách đối phó với đồng nghiệp hai mặt
Người không trung thực
Không trung thực được xem là một tính xấu rất đáng lên án dù trong môi trường, hoàn cảnh nào. Việc không trung thực, phóng đại mọi chuyện, nói một đằng làm một nẻo, lật lọng và hai mặt của đồng nghiệp sẽ khiến cả tập thể “lao đao”. Sẽ rất khó để trao sự tin tưởng tuyệt đối trong công việc cho những đồng nghiệp xấu tính và gian dối như thế này.
Cách xử lý: Khéo léo nhắc nhở những việc làm sai trái của họ. Tốt hơn, bạn cần luôn phải đề phòng va rành mạch với họ trong những công việc chung để tránh vì sự gian dối của họ làm ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của bạn.
Đồng nghiệp xấu tính thích “chia bè chia phái”
Mục đích chung của những người thích chia bè, chia phái thường là để “tụm năm tụm bảy” để buôn chuyện, nói xấu người khác, gây chia rẽ sự đoàn kết trong tập thể. Chắc hẳn ai cũng sẽ tức giận khi bị nói xấu sau lưng, bị lôi vào làm chủ đề bàn tán những chuyện vô căn cứ, vô tội vạ.
Việc không hiểu về người khác nhưng vẫn vô tư phán xét họ là những kiểu đồng nghiệp xấu tính, thiển cận và vô duyên.
Cách xử lý: Tránh tham gia vào bất kỳ cuộc “buôn dưa lê”, chuyện phiếm nào của nhóm người này, luôn biết cách bảo vệ bản thân ra khỏi những cuộc trò chuyện tiêu cực. Hoặc nếu bạn phát hiện ai đó đang cố ý tung các tin đồn ác ý không có thật, hãy nhắc nhở họ rằng những việc làm này có thể gây tổn hại đến sự nghiệp của người khác.
Nếu họ muốn kéo bạn vào hội nhóm của họ bằng cách ngồi cạnh bạn và nói xấu một ai khác không có mặt, hãy chuyển chủ đề sang công việc hoặc im lặng và không bàn tán, hưởng ứng câu chuyện nào, ắt hẳn họ sẽ tự động rời đi chỗ khác. Bên cạnh đó, bạn cũng cần cố gắng xây dựng lòng tin với các đồng nghiệp khác để tránh gây hiểu lầm không đáng có.
Kẻ tranh công
Không có gì tức giận hơn khi thành tích, công sức của mình nhưng lại bị người khác cướp đi. Những kiểu đồng nghiệp này rất thích làm “cái rốn của vũ trụ”, yêu thích “ánh đèn sân khấu”, muốn ở không nhưng vẫn đạt được công trạng bằng cách dành công lao của đồng đội.
Những người có tính ích kỷ, xấu xa này thường không có được những mối quan hệ tốt, không thể hòa nhập với bất kỳ ai trong môi trường tập thể.
Cách xử lý: Luôn liệt kê rõ ràng những công việc, thành tích của bạn đã làm và đạt được, thường xuyên gửi các báo cáo tiến độ đúng hẹn với quản lý của bạn. Quan trọng nhất hãy luôn công khai và công nhận những việc mà bạn làm. Nếu bạn không tự ghi nhận công sức của mình, thì rất có thể người khác sẽ làm thay bạn.
Người thích “bới lông tìm vết”
Những người này sống theo phương châm “mọi thứ là tuyệt đối” nên dù bạn cố gắng làm tốt đến đâu, cư xử khéo léo đến đâu hay ăn mặc kỹ càng khi đi làm mấy cũng sẽ bị họ soi đến từng chân tơ kẽ tóc, khuyết điểm nhỏ nhặt, chuyện bé xé to để chỉ trích bạn.
Đặc điểm nổi bật của họ là thích phê phán mọi người, không công nhận công sức người khác, đặc biệt là trong các cuộc họp.
Cách xử lý: Đối với mẫu đồng nghiệp xấu tính này, bạn nên giữ một khoảng cách cố định với họ. Nếu họ ra tỏ ra phê phán bạn, hãy bình tĩnh và nhận những khuyết điểm (nếu có) của mình hoặc nhẹ nhàng nói họ hãy đưa ra các chứng cứ cho những lời mà họ nói.
Hãy luôn biết cách bảo vệ bản thân nhưng đừng quá căng thẳng nếu bạn không muốn họ tạo ra thêm cơ hội để chỉ trích bạn. Vì họ biết rằng bạn sẽ không rảnh để soi mói và trả đũa họ, nhưng họ thì có thể.
Có thể bạn quan tâm: 5 nguyên tắc trong giao tiếp nơi công sở
Không có nơi làm việc nào không có những đồng nghiệp xấu tính như trên, thậm chí là những người còn có những tính xấu hơn cả thế, đẩy bạn vào đường cùng và không khoan nhượng. Việc bỏ qua khi bị chơi khăm, bị nói xấu sau lưng, bị tranh công… không phải là lựa chọn tốt nếu như muốn có những bước tiến trong sự nghiệp!
Hãy thử phối hợp những cách ứng xử với đồng nghiệp xấu tính và linh hoạt với những đức tính, phong cách giao tiếp tốt của mình nơi công sở nhé!