Đi làm thì ai cũng muốn có được một mức thu nhập cao, phù hợp với tính chất công việc. Tuy nhiên, nếu bạn đang có mức lương thấp, chưa đúng kỳ vọng thì có nên đề xuất tăng lương với sếp hay quản lý cấp cao của mình hay không?
Có nên đề xuất tăng lương với sếp?
Việc đề xuất tăng lương với sếp có thể là một quyết định quan trọng trong sự nghiệp của mỗi người và bạn cần thực hiện một cách cân nhắc và chuyên nghiệp. Dưới đây là một số hướng dẫn để bạn cân nhắc khi muốn đề xuất tăng lương với sếp.
Trước khi đề xuất tăng lương, hãy suy nghĩ thật kỹ về lý do mà bạn muốn tăng lương và xem xét xem bạn có đủ căn cứ để yêu cầu tăng lương không. Điều này có thể bao gồm việc xem xét mức lương trung bình cho ngành nghề của bạn, nghiên cứu về tình hình tài chính của công ty và xác định cách bạn đã đóng góp vào sự thành công của công ty.
Bạn có thể tính toán khối lượng công việc hiện tại để xem mình đang đóng góp như thế nào cho công ty, khối lượng công việc hiện tại của mình có nhiều không, mức lương hiện tại của mình có phù hợp với công việc chưa hay đang thấp hơn, khoản lương mà công ty có thể trả cho vị trí của bạn,… Đặc biệt, cần lưu ý xem đã bao lâu bạn không được tăng lương. Nếu bạn chỉ vừa được tăng lương một thời gian ngắn trước đây và đề nghị tiếp tục tăng lương thì rất khó để cấp trên có thể duyệt đề xuất tăng lương của bạn.
Nếu đáp ứng hết tất cả các vấn đề trên, bạn thấy mình đang làm việc nhiều hơn mức lương được trả, công việc bạn hoàn thành tốt và công ty sẵn sàng trả lương cao hơn cho vị trí của bạn thì bạn có thể đề xuất tăng lương.
Xem thêm: 4 chủ đề không nên nói chuyện với đồng nghiệp, dù thân đến mấy!
Một số lưu ý khi đề xuất tăng lương với cấp trên
Khi đề xuất tăng lương với cấp trên hay lãnh đạo, có một số lưu ý quan trọng để bạn nên tuân theo. Dưới đây là chi tiết các lưu ý giúp bạn có thể dễ dàng được tăng lương hơn:
Tìm hiểu cụ thể chính sách về lương và tăng lương của tổ chức/công ty
Trước khi đề nghị tăng lương, hãy tìm hiểu chính sách và quy định của công ty về lương và tăng lương. Điều này bao gồm mức lương tối thiểu, thời gian và tiêu chí tăng lương và bất kỳ giới hạn nào về việc thương lượng lương. Việc này giúp bạn hiểu rõ giới hạn và sẽ giúp bạn đưa ra đề nghị hợp lý.
Ngoài việc thương lượng lương cơ bản, hãy cân nhắc những yếu tố khác như trợ cấp, hoa hồng, tiền thưởng, hoặc các lợi ích khác mà bạn có thể đề nghị thay vì chỉ tăng tiền lương. Điều này có thể tạo điểm khác biệt trong cuộc đàm phán.
Đặc biệt là trong giai đoạn các công ty hầu như đều gặp khó khăn về tài chính thì việc linh động trong các khoản chi phí sẽ giúp bạn dễ dàng tăng thu nhập của mình hơn là việc chỉ chú tâm đến tăng lương.
Trình bày chi tiết khối lượng công việc hiện tại
Trước khi đề xuất tăng lương, bạn nên lập danh sách cụ thể về những đóng góp và thành tựu của bạn trong công việc hiện tại. Điều này bao gồm dự án bạn đã hoàn thành thành công, số lượng công việc bạn đã làm trong khoảng thời gian gần đây và bất kỳ sự phát triển nào mà bạn đã đóng góp vào bộ phận hoặc tổ chức.
Sử dụng số liệu cụ thể và các ví dụ để minh chứng cho giá trị mà bạn mang đến công ty. Điều này giúp sếp thấy rõ cách bạn đã góp phần vào thành công của tổ chức.
Thể hiện sự chuyên nghiệp trong cách thực hiện lời đề nghị
Hãy lên lịch về một cuộc họp riêng với sếp để trao đổi về việc tăng lương. Bạn nên nhắn tin trình bày với sếp trước và hỏi về thời gian nào thuận tiện nhất cho quản lý của mình để có thể họp với mình.
Trong cuộc họp với sếp, hãy thể hiện sự chuyên nghiệp và tự tin trong cách bạn trình bày đề nghị. Hãy nói một cách rõ ràng, tổ chức, và có cơ sở. Bên cạnh đó, đừng quên lắng nghe ý kiến và phản hồi của sếp và hãy sẵn sàng để thảo luận và đàm phán. Sự chuyên nghiệp của bạn cũng là một yếu tố để lãnh đạo cân nhắc về đề xuất tăng lương của bạn.
Xem thêm: 4 cách ứng xử với đồng nghiệp xấu tính “hay ra vẻ”
Không nên liên tục đề xuất tăng lương
Một khi bạn đã đề xuất tăng lương, hãy chờ sếp xem xét và đưa ra quyết định. Tránh việc áp đặt hoặc liên tục đề nghị tăng lương sau khi đã nói lần đầu. Nếu sếp đưa ra quyết định từ chối, hãy xem xét lý do và có thể xem xét các bước tiếp theo hoặc làm việc để cải thiện hiệu suất của bạn.
Một lưu ý quan trojgn đó chính là nếu bạn vừa được tăng lương trong vòng 3-6 tháng gần đây thì bạn không nên tiếp tục đề xuất tăng lương. Hầu hết công ty sẽ cần tối thiểu 6 tháng để đánh giá, xem xét tăng lương cho nhân viên. Một số công ty có chính sách xem xét tăng lương sau mỗi 12 tháng.
Việc bạn liên tục đề xuất tăng lương dù chưa đến thời gian được đánh giá sẽ khiến bạn mất điểm đối với cấp trên, thể hiện bạn không quan tâm đến chính sách của cấp trên và dĩ nhiên, bạn sẽ có được chấp thuận với lời đề nghị của mình.
Không nên yêu cầu tăng lương ở mức phi thực tế
Khi đề nghị tăng lương, hãy đề xuất mức lương mà bạn cảm thấy xứng đáng và có căn cứ. Tránh yêu cầu tăng lương ở mức phi thực tế hoặc không có bằng chứng cụ thể cho thấy bạn xứng đáng với mức lương này.
Đề xuất mức lương phải dựa trên giá trị thực sự mà bạn mang đến tổ chức và phải hợp lý với mức lương trung bình cho ngành nghề và vị trí tương tự.
Nhìn chung, chẳng có gì sai nếu bạn mong muốn có một mức lương cao hơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng nên đề xuất tăng lương. Bạn cần cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố trước khi đưa ra đề xuất với cấp trên cũng như chuẩn bị thật kỹ càng để có thể được lãnh đạo chấp thuận đề xuất của mình!